Chung tay phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai

02:05, 25/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa gió, bão lụt, hạn hán... ngày càng khốc liệt cả về tần suất, cường độ lẫn hậu quả mà nó gây ra cho con người, nhất là khi hiện giờ, diễn biến thời tiết bất thường khiến nhiệt độ trái đất gia tăng, hiệu ứng nhà kính lan rộng...

Năm 2013, nhân dân trong tỉnh may mắn thoát khỏi sự tàn phá của cơn bão số 10, 11, 14 (siêu bão Haiyan với sức gió giật trên cấp 17) nhưng bị trận lũ lịch sử (hồi giữa tháng 11) càn quét và gây ra hậu quả vô cùng khủng khiếp: 16 người chết, 46 người bị thương; 931 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, tốc mái và 167 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở núi; 93 phòng học bị sập, hư hỏng và 21 phòng ở công vụ của giáo viên bị sập, trôi; 24 trạm y tế bị tốc mái, ngập nước; hơn 5.000ha rau màu, đất sản xuất nông nghiệp bị hư hại, sa bồi thủy phá; hơn 19 nghìn tấn lương thực bị ướt, trôi; hơn 280.000 con GSGC bị chết; hơn 63.700 giếng nước bị ngập… cùng hàng loạt công trình thủy lợi, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông... bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính lên đến gần 1.700 tỷ đồng.

Từ những hậu quả…

Nhắc lại trận lũ lịch sử (tháng 11.2013), đến giờ người dân vùng “rốn lũ” huyện Nghĩa Hành vẫn rùng mình sợ hãi. Đó là hình ảnh người thân chới với tuyệt vọng giữa dòng nước lũ chảy xiết, là những ngôi nhà bị nước “bứng” mang đi, là những đàn heo-bầy vịt phơi xác vì no nước...  Chẳng thế mà dù đã 8 tháng trôi qua kể từ khi lũ xảy ra, nền nhà cũ bị lũ đánh sập đã “mọc” lên ngôi nhà cấp 4 khang trang, hai đứa con cũng khỏe mạnh trở lại trường nhưng ông Nguyễn Thiên, ngụ thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện bảo “tôi vẫn chưa hết bàng hoàng”. Nhất là khi hình ảnh đứa con gái bị nước lũ hất tuột khỏi tay ông, cuốn phăng ra giữa cánh đồng trước khi mắc vào cây dừa vẫn luôn ẩn hiện.

 

Các chiến sĩ BCH Quân sự tỉnh giúp dân vùng rốn lũ Hành Tín Tây-Nghĩa Hành sơ tán, di dời trong đợt lũ lịch sử tháng 11.2013
Các chiến sĩ BCH Quân sự tỉnh giúp dân vùng rốn lũ Hành Tín Tây-Nghĩa Hành sơ tán, di dời trong đợt lũ lịch sử tháng 11.2013


Còn với người dân xóm Ruộng Vỡ, xã Hành Tín Đông thì hiện giờ, dấu vết trận lũ vẫn còn hằn in trên những cánh đồng, kênh nước. Chẳng thế mà hôm gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Điệp không giấu được lo lắng khi nhìn đá cuội lấp đầy con suối, rồi vách đá tai mèo sắc nhọn nằm án ngữ ngay trên đầu như chực đổ xuống bất cứ lúc nào. Ông Điệp bảo: “Lũ năm ngoái làm núi động, đá mất chân nên tôi lo, ít bữa có trận mưa bão nào lớn là nó sập”.

Trong khi đó, người dân vùng biển lại bị ám ảnh bởi siêu bão Haiyan với sức gió giật trên cấp 17. Mặc dù nó không đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Ngãi nhưng với những gì mà cơn bão này gây ra ở tỉnh Quảng Ninh (dù đã suy yếu về cấp 9-10), người dân bảo rằng: “Mình quá may mắn”. Bởi nói như ngư dân Nguyễn Tiến ngụ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) thì: “Bão đó mà đổ vào, chắc giờ tôi không còn cơ hội ra khơi”.
 
…đến chủ động phòng tránh

Năm 2013, nước ta hứng chịu 13 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới-con số kỷ lục từ trước đến nay. Hơn nữa, có đến 3 cơn bão mạnh và rất mạnh từ cấp 12 trở lên (thông thường chỉ có 1-2 cơn/năm), gồm: Bão số 10, 11 và 14. Theo nhận định của ngành chức năng, đây là điều khác thường và rất hiếm gặp. Nhất là khi các cơn bão mạnh và rất mạnh liên tiếp xuất hiện.

Tuy bão nối bão, nhưng điều đáng mừng là thiệt hại mà nó gây ra như thương vong, tàu thuyền bị cuốn trôi, rồi vỡ đắm do va đập; nhà cửa tốc mái… đã giảm rất nhiều. Có được điều này là nhờ nhận thức của người dân trong đối phó và phòng tránh bão đã được nâng cao rõ rệt. Đơn cử như trong siêu bão Haiyan. Người dân từ hải đảo đến miền núi đều chủ động di dời tài sản, sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm ngay khi có lệnh. Thậm chí nhiều nơi bà con không cần đợi chính quyền nhắc nhở đã chủ động sơ tán.

Nhà cửa tan hoang sau trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 11.2013.
Nhà cửa tan hoang sau trận lũ lịch sử hồi giữa tháng 11.2013.


Thế nên khi đánh giá công tác ứng phó với siêu bão Haiyan, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng lúc ấy đã khẳng định: “Đây là cuộc tổng diễn tập ứng phó với thiên tai trên quy mô lớn, mang tính lịch sử với hơn 36.700 hộ/117 nghìn nhân khẩu được di dời đến nơi an toàn. Qua đó, các cấp chính quyền và người dân sẽ ý thức hơn, chủ động hơn và nhạy bén hơn trong việc phòng tránh lụt bão, giảm nhẹ thiên tai”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thời tiết đang diễn biến phức tạp, các quy luật khí hậu được đúc kết từ kinh nghiệm dường như không đủ để chúng ta sử dụng nên ý thức chủ động của người dân được xem là yếu tố quyết định, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Và ngay trong thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước nhân Kỷ niệm ngày truyền thống Phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (22.5), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đơn vị kinh tế, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, chung tay cùng hành động phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần bảo vệ cuộc sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước”.


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.