Phố mới giữa đại ngàn

03:04, 01/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) khai móng cũng là ngày đánh dấu bước ngoặt đổi đời của đồng bào Ca Dong sống trong vùng dự án, bởi đã có hàng trăm tỷ đồng được chủ đầu tư chi trả đền bù đất, tài sản và xây dựng khu tái định cư. Với đồng bào Ca Dong ở thôn Nước Lang, xã Sơn Dung thì dường như đến bây giờ họ vẫn cứ nghĩ mình đang sống trong mơ.

TIN LIÊN QUAN


Giữa rừng núi mênh mông, một khu phố nhỏ mọc lên khang trang. Nhà cửa mới toanh, đường bê tông rộng thoáng. Đêm xuống, ánh điện bừng sáng xóa đi màn đêm nơi chốn núi rừng. Tiếng nhạc xập xình, những tốp người ngồi ven đường nhai trầu và hàn huyên chuyện làm ăn, chuyện tình yêu lứa đôi… Và chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi khung cảnh nhộp nhịp và càng không sao muốn rời Nưaớc Lang dù càng về khuya trời càng se lạnh.

Vui thì có vui...

Khu dân cư Nước Lang được xây dựng mới hoàn toàn, nằm cách trung tâm xã Sơn Dung chừng chục cây số đường dốc. Đây là dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang nằm liền kề dọc 2 bên đường bê tông, nhưng vẫn giữ  được nét kiến trúc nhà của người Ca Dong. Ở đầu xóm, có vài ngôi nhà xây kiểu biệt thự nơi phố thị khiến cho những ai lần đầu đến đây không khỏi ngỡ ngàng, nhất là mỗi khi đêm xuống, cả khu dân cư sáng rực ánh đèn điện.

Già làng Đinh Văn Đèo ngồi hóng mát ngoài hành lang cùng mấy người trung niên, kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống mới ở đây. Bà con lên đây ở vui lắm, được Nhà nước quan tâm xây cho nhà mới to đẹp. Điện, đường, trường, trạm đủ cả. Ban ngày bà con đi làm rẫy, tụi nhỏ đến trường học cái chữ của Bác Hồ. Thanh niên thì đi vận chuyển keo, khai thác mây để kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình. Vui nhất là buổi tối. Người già thì tụ tập ngoài hành lang hàn huyên.

 

Khu tái định cư Nước Lang.
Khu tái định cư Nước Lang.

Trẻ con thì chơi đùa ngoài đường. Nam nữ thanh niên thì mở nhạc hát karaoke và không thể thiếu món “cay cay”, một số khác thì hẹn hò tình tứ… Thỉnh thoảng chúng tôi lại chứng kiến một số thanh niên lại phóng xe rất nhanh ngang qua xóm. 

Tất cả toàn là xe máy đắt tiền. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên, già làng Đinh Văn Đèo nói luôn: “Được đền bù, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng nên nhà nào cũng sắm được chiếc xe máy đắt tiền để đi lại. Sướng thì cũng sướng thật nhưng cũng lo lắm đấy. Một vài đứa nó chạy xe như bay nên người già, trẻ con ra đường sợ lắm, điều mà trước kia chưa bao giờ có. Mong cán bộ về họp xử những đứa như thế”.

Sau một lúc trò chuyện với người uy tín nhất ở đây, chúng tôi lại đi bộ về phía cuối xóm. Tất cả hành lang các ngôi nhà đều có bóng đèn bật sáng.  Đâu đó trong những ngôi nhà lại phát ra tiếng nhạc xập xình, hàng chục thanh niên mắt dán vào màn hình với những ca khúc “hót” đang thịnh hành với tinh thần phấn khích của hơi men, không thua gì một bộ phận nam thanh nữ tú chốn thị thành.

Phía sau những ngôi nhà mới được xây bằng gạch đều có một ngôi nhà sàn để sinh hoạt, ăn uống. Ngôi nhà phía trước chỉ để ngủ, xem tivi… ông Đinh Văn Vẻo cho biết thêm, ngày trước chưa về ở đây, không có chuyện thanh niên đi chơi về khuya. Chuyện hát karaoke là những thứ xa xỉ, nhưng nay thì những chuyện ấy trở nên quá quen thuộc với tụi trẻ vùng núi này rồi.  

...nhưng lo cũng không ít

Khu tái định cư Nước Lang là một trong 3 khu tái định cư của huyện Sơn Tây chuyển từ vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh lên sinh sống. Đây là khu TĐC lớn nhất, so với 2 khu TĐC Nước Vương (xã Sơn Liên) và Anh Nhoi 2 (xã Sơn Long). Được chuyển về nơi ở mới, bà con ai cũng phấn khởi vì được ở trong những ngôi nhà to, đẹp, xây dựng kiên cố. Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, giúp cải thiện đời sống cho người dân. Sắp tới người dân nơi đây sẽ tiếp tục nhận được những khoản đền bù rất lớn, nên cơ hội thoát nghèo của người dân nơi đây nắm trong tầm tay nếu được cán bộ chỉ dẫn cách làm ăn.

Già làng Đinh Văn Đèo (giữa) vừa mừng vừa lo cho
Già làng Đinh Văn Đèo (giữa) vừa mừng vừa lo cho "khu phố" của mình.

Tuy nhiên, tiền nhiều cũng là nỗi lo của chính quyền nơi đây. Già làng Đinh Văn Đèo trăn trở: Ở đây sướng và vui nhưng không có đất trồng keo, trồng lúa nên tiền có nhiều mấy đi chăng nữa rồi cũng hết nếu như không có đất sản xuất.

Ông Bùi Đức Thạch-Chủ tịch UBND xã Sơn Dung cho biết, hiện nay, cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh lại những hộ dân được nhận tiền đền bù để chi trả đúng đối tượng. Đồng thời, tuyên truyền hướng dẫn bà con dùng tiền hiệu quả, đúng mục đích để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống chứ không nên tiêu xài phung phí. "Nếu tiêu pha, mua sắm vô tội vạ thì tiền tỉ cũng sẽ hết, kéo cái nghèo, cái khổ quay trở lại", ông Thạch lo lắng.

Mà không lo sao được, khi mà sự đổi đời của người dân nơi đây quá nhanh chóng, nhiều người cứ ngỡ như đang sống trong mơ. Cũng từ đây, lối sống mới bắt đầu len lỏi vào trong đời sống của một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ. Đó là, tâm lý “sính ăn chơi" hơn là tiếp tục lên rừng làm rẫy; mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, như xe máy, tủ lạnh, ti vi màn hình phẳng, đầu kỹ thuật số... và nhậu bia ken...

Tiễn chúng tôi về lại dưới xuôi, già làng Đinh Văn Đèo siết chặt bàn tay và nói: Phố mới giữa đại ngàn này giờ đây cái gì cũng có, nhưng chỉ thiếu một chiếc “cần câu” mà thôi. Vâng! chỉ có chiếc "cần câu" thì đồng bào nơi đây mới có cơ hội thoát nghèo bền vững.

 

Xuân Thiên
 


.