Chuyện tự lực ở Bình Châu

07:04, 22/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Bình Châu (Bình Sơn) đã tự cứu mình khi bỏ tiền làm kè chắn sóng để bảo vệ vườn tược, nhà cửa... Họ đồng lòng góp tiền làm đường giao thông nông thôn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tự cứu mình...

Thôn Châu Thuận Biển nằm ở vùng bãi ngang nên thường xuyên phải hứng chịu những đợt triều cường xâm thực đất đai, nhà cửa, uy hiếp đến tính mạng người dân... nhất là vào mùa mưa bão. Vì vậy, người dân ở thôn Châu Thuận Biển đã đồng tâm hiệp lực, bỏ tiền đầu tư xây dựng kè chắn sóng kiên cố. Không đủ tiền xây một lần, họ làm nhiều lần theo phương châm tích tiểu thành đại.

 

Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp.
Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp.


Mỗi năm xây một ít, theo thời gian một bờ kè vững chãi có chiều dài gần 2km từ làng Đông Đường sang làng Tây Đường do người dân nơi đây xây dựng lên đã bao bọc lấy nhà cửa, đất đai, giúp họ yên tâm an cư lạc nghiệp trước những cơn thịnh nộ của thiên nhiên khắc nghiệt.

Một trong những hộ tiên phong trong phong trào xây kè ở đây là gia đình ông Lê Hoản (73 tuổi) ngụ thôn Châu Thuận. Để sở hữu một đoạn kè dài 75m ông phải kiên trì, cất công nhiều năm xây dựng. Số tiền đầu tư xây bờ kè đã “ngốn” của gia đình ông gần cả trăm triệu đồng.

Ông Hoản chia sẻ: “Hồi chưa có kè, cứ mỗi lần mưa bão là cả gia đình như ngồi trên đống lửa. Sóng biển tiến sát nhà, tâm trạng mọi người lo âu, phập phồng. Ngôi nhà tôi đang ở tiền xây dựng không quá 80 triệu đồng. Làm ra được bao nhiêu cũng đầu tư hết vào bờ kè. Những năm gần đây gió bão ngày càng dữ dội. Nhớ nhất là cơn bão số 9 năm 2009, nhà cửa, vườn tược của người dân bị sóng biển uy hiếp. Nếu không có bờ kè vững chãi chắn giữ thì nhà cửa, đất đai của tôi bị cuốn phăng ra biển rồi!”.

Theo cách tính của nhiều người dân, với giá vật liệu xây dựng, nhân công như hiện nay thì một mét bờ kè phải đầu tư hơn 1,2 triệu đồng. Ông Đặng Thôi ngụ thôn Châu Thuận Biển chia sẻ: “Vì nền đất cát gần biển tương đối yếu nên chi phí xây dựng kè rất lớn. Móng phải đào sâu gần 2m. Ở những đoạn xung yếu, sóng biển thường xuyên đánh mạnh thì chi phí đầu tư cao hơn. Có kè vững chãi tụi tôi mới yên tâm sản xuất. Ghe thúng có “điểm tựa” trú tránh an toàn mỗi mùa mưa bão...”.

Khắc chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên, can trường bám biển, cuộc sống của  người dân Bình Châu cũng ngày càng khấm khá hơn trước. Họ không chỉ bỏ tiền xây dựng kè mà còn đóng góp tiền, ngày công làm đường bê tông, mở ra diện mạo mới, khí thế mới cho quê hương.

Góp sức xây dựng quê hương

Bình Châu là một xã ven biển, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đang chuyển mình mạnh mẽ. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa phẳng phiu, sạch đẹp. Những ngôi biệt thự nằm san sát nhau hướng về phía biển hiện đại và tràn đầy sức sống.

Tự hào giới thiệu về làng của mình, ông Lê Văn Thanh - Trưởng thôn An Hải chia sẻ: “Ngày trước giao thông đi lại rất khó khăn. Con đường dẫn từ Tỉnh lộ 621 về thôn có nhiều đoạn sụt lún, bùn lầy. Thương nhất là tụi nhỏ hằng ngày phải xách dép trên tay, xắn quần đi học. Nhân dân mong mỏi từ rất lâu nên khi có chương trình xây đường giao thông nông thôn do “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bà con ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Từ năm 2006 đến nay hơn 5km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, trong đó có 40% tiền đóng góp của người dân trong thôn. Nhờ bà con đồng thuận nên việc làng, việc nước rất thuận buồm xuôi gió”.

Không chỉ riêng ở thôn An Hải, mà ở thôn Phú Quý, Châu Thuận Biển nhân dân cũng đóng góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2013, gần 200 hộ dân ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển đã đóng góp mỗi nhà 2 triệu đồng và nhiều ngày công để làm đường. Nhiều con em sống xa quê hương cũng gửi về ủng hộ thêm 30 triệu đồng. Gần 1km đường được bê tông hóa thay thế cho con đường bùn đất, việc đi lại của nhân dân trong xã thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Quốc Vương - Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: “Việc người dân tự lực, bỏ tiền xây dựng kè, đường làng  là việc làm rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc tự túc trong xây kè chắn sóng của một số hộ dân là quá khả năng. Trong đề án xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã cũng đã kiến nghị huyện hỗ trợ một phần cho những hộ dân này, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt”.

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


.