Cần sửa chữa kịp thời đập Hiền Lương

08:04, 09/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều công trình thủy lợi của Quảng Ngãi đang bị hư hỏng nặng vẫn chưa được sửa chữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông  nghiệp và còn gây khó khăn trong đời sống dân sinh của nhiều người dân. Đập Hiền Lương là một ví dụ.
Đập Hiền Lương dài gần 300m nối dài giữa hai xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi và Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Được xây dựng cách đây hơn 10 năm, con đập kiên cố giữ trọng trách lớn, ngăn mặn cho 968ha và giữ ngọt cho 466ha ruộng đồng.
 
Tuy nhiên, từ trận lũ lịch sử vào tháng 11.2013, con đập trị giá hàng tỷ đồng đã không còn nguyên vẹn. Hiện tại, bờ đập với độ dài hơn 200m thì đã có khoảng 10m bị hư hỏng ½ theo chiều dọc. Hơn 100m bờ đập còn lại bị nước xói mòn ăn sát vào chân đập. Phần vai đập phía hạ lưu cũng bị sức nước phá vỡ tan tành, nhiều khoang bị rò rỉ.

 

Phần thân đập Hiền Lương bị hư hỏng gây ách giao thông và ảnh hưởng đến tác dụng ngăn măn, giữ ngọt
Phần thân đập Hiền Lương bị hư hỏng, gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt.
 
Vụ đông xuân vừa qua, vì được sửa chữa tạm thời nên đập Hiền Lương vẫn phát huy tác dụng ngăn mặn, giữ ngọt. Tuy nhiên, chỉ cần qua một mùa lũ nữa, khi đập Hiền Lương không còn trụ được thì nguy cơ nước biển xâm nhập mặn vào trong đất liền với diện tích cực kỳ lớn là điều khó tránh khỏi.
 
Không đơn giản là một con đập thủy lợi bình thường, từ lâu, người dân ở hai xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà đã xem thân đập và bờ đập là một con đường giao thông đặc biệt. Với chiều dài gần 300m được trải bê tông chắc chắn, chiều rộng hơn 3m, con đường đặc biệt này là chiếc cầu nối giữa hai địa phương. Đến khi đập bị hư hỏng, con đường đặc biệt lại trở thành một chiếc bẫy tai nạn của hàng trăm lượt xe cộ qua lại mỗi ngày.
 
Ông Đặng Phương Vũ- ngụ thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà chép miệng hướng ánh nhìn về đoạn bờ đập hơn 10m nay chỉ còn 1 nửa: Trước khi bị hư, thì đây là con đường đặc biệt cho ô tô, xe máy, xe đạp giữa hai xã qua lại. Nếu không có đường này thì phải đi đường vòng xa hơn 10km. Từ sau trận lũ lịch sử thì đường bị phá ra thành thế này. Ô tô bị cấm tiệt. Xe máy, xe đạp cũng bị cấm luôn nhưng thấy đường đi còn được nên bà con chúng tôi vẫn đi. Xe máy cứ phóng nhanh một tí là dễ bị phóng luôn xuống nước.

 

Bờ đập cũng bị nước lũ xói mòn gây hư hỏng ở nhiều chỗ
Bờ đập cũng bị nước lũ xói mòn gây hư hỏng ở nhiều chỗ
 
Người dân địa phương ở hai xã không ngừng lo lắng vì đập Hiền Lương là nơi hơn 100 học sinh tiểu học, THCS qua lại mỗi ngày để đến trường. “Thấy nguy hiểm quá, tôi lấy mấy thân củi khô để chắn lại, báo hiệu cho người đi đường biết, nhưng người ta vẫn bị tai nạn hoài ở khúc bị hỏng đó. Sợ nhất là 2 đứa con nhà tôi học ở trường Thu Xà bên xã Nghĩa Hòa. Lỡ đâu có ngày đường hẹp quá bị rớt xuống nước không ai hay. Chỉ mong cấp trên sớm sửa lại đập cho bà con yên tâm qua lại”- Chị Trần Thị Thủy- ngụ thôn Hàm Long, xã Nghĩa Hà bày tỏ nỗi lo.
 
Ngoài đập Hiền Lương, Quảng Ngãi còn có nhiều công trình thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng chưa được sửa chữa như: Hồ chứa nước Diên Trường, hồ Núi Ngang, hồ Suối Loa và công trình Thạch Nham. Việc hỏng hóc tại các công trình đã ảnh hưởng đến việc cung cấp, điều tiết nước tưới cho diện tích lớn đất canh tác của nhiều địa phương. Ông Nguyễn Nhung- Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Trước mắt, công ty chỉ còn cách khắc phục tạm thời để tưới cho vụ đông xuân. Thế nhưng do bị hỏng nặng ở nhiều công trình như vậy thì giải pháp này về lâu dài vẫn không ổn.

 

Nhiều công trình thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng vẫn đang chờ kinh phí sửa chữa trước mùa mưa bão năm nay
Nhiều công trình thủy lợi lớn bị hư hỏng nặng vẫn đang chờ kinh phí sửa chữa trước mùa mưa bão năm nay.
 
Hiện tại, UBND tỉnh đã trích ngân sách  8,5 tỷ đồng để khắc phục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp do lũ gây ra. Tuy nhiên, theo Sở NN & PTNT thì số kinh phí trên chỉ đáp ứng sửa chữa tạm thời. Ông Nguyễn Mậu Văn-  Phó giám đốc Sở NN& PTNT Quảng Ngãi cho hay: Để tưới bền vững cho vụ hè thu sắp đến và cho những năm tiếp theo thì rất cần sự đầu tư lâu dài. Hiện tại tỉnh đã có bố trí 8,5 tỷ đồng nhưng còn rất thấp so với nhu cầu sửa chữa hoàn chỉnh là 200 tỷ đồng.
 
Mới đầu mùa khô mà tình trạng thiếu nước đã diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, ngoài nguyên nhân do lượng mưa thấp thì còn do các công trình thủy lợi bị hư hỏng không phát huy tác dụng giữ nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Nếu để đến mùa mưa bão năm nay, thì các công trình này lại đứng trước nguy cơ không thể tích nước, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân ở phía hạ lưu nhiều con sông.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.