Xây dựng đường giao thông nông thôn: Cần sớm có cơ chế hỗ trợ xi măng

10:03, 10/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ trong năm 2013, nhân dân xã Bình Mỹ (Bình Sơn) đã tự nguyện đóng góp sức người và tiền của làm được 25 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng với tổng số tiền khoảng 6 tỷ đồng. Nhờ đó, hầu hết các tuyến đường trong xã từ chỗ "nắng bụi, mưa bùn"  đã được cứng hóa, thoáng đãng, sạch đẹp.  

TIN LIÊN QUAN

Điểm sáng Bình Mỹ

Bình Mỹ là xã nằm về phía tây huyện Bình Sơn. Đây là xã thuần nông, với tổng số dân là 8.111 nhân khẩu, phân bố ở 15 khu dân cư trong 3 thôn. Đường giao thông thôn xóm trong xã có 40 tuyến chính, với tổng chiều dài 17,8km, trong đó mới được cứng hóa 0,8km vào năm 2002, còn lại đều là nền đất nhỏ hẹp.

 

Nhân dân xã Bình Mỹ góp công, góp của  và trực tiếp tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Bình Mỹ góp công, góp của và trực tiếp tham gia làm đường giao thông nông thôn.


Ông Nguyễn Quang Trung- Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ cho biết: Trước khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và chính quyền xã đã trưng cầu ý kiến của toàn dân: Xây dựng nông thôn mới cần tập trung làm việc gì trước? Đa số nhân dân trong xã đều chung một câu trả lời: Trước hết là phải làm giao thông nông thôn để bà con trong xã có đường đi thuận tiện! Vậy là ý Đảng đã hợp với lòng dân.

Bình Mỹ coi đây là khâu đột phá cho quá trình xây dựng nông thôn mới của xã nên thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Xã sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ cho nhân dân làm đường theo cơ chế xã 40%, nhân dân đóng góp 60%. Cụ thể là tuyến đường nào dưới 500m được xã hỗ trợ 10 tấn xi măng và dài trên 500m thì được hỗ trợ 15 tấn xi măng. Sau đó, tất cả các khu dân cư trong xã đều thành lập Ban vận động làm đường gồm những người có uy tín trong xóm.

Tùy theo điều kiện của từng KDC mà có cách vận động riêng, như mỗi nhân khẩu đóng góp 250 ngàn đồng, hoặc mỗi hộ đóng góp từ  1 đến 3 triệu đồng. Khi KDC nào huy động được tiền thì Ban vận động của KDC đó tự chủ động đứng ra lo liệu việc làm đường như đo độ dài con đường, lên dự toán thiết kế, huy động dân triển khai luôn việc thi công làm đường, nghiệm thu chất lượng và công khai tài chính trước dân... Tùy theo nguồn lực của dân ở mỗi KDC đóng góp được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, không ép buộc.  

Với cách làm hợp lý nên phong trào làm giao thông nông thôn chỉ trong năm 2013, toàn xã Bình Mỹ đã xây dựng được 25 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng ở 1415 KDC với tổng chiều dài 9.585m, mặt đường rộng từ 3,5 - 5 m, với tổng kinh phí 6 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp quy ra tiền hơn 5 tỷ đồng). Ngoài ra nhân dân ở các KDC còn tự nguyện hiến khoảng 5.000m2 đất để làm đường và di dời tường rào cổng ngõ, thu dọn cây cối, hoa màu.

Ông Lê Văn Dương - Phó Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh nhận xét: Bình Mỹ không phải là xã điểm của huyện Bình Sơn, cũng không nằm trong diện 33 xã của tỉnh phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2015 nên không được tỉnh, huyện ưu tiên đầu tư. Từ chỗ nguồn lực còn hạn chế mà Bình Mỹ đã tự lực vươn lên huy động toàn dân tham gia làm đường giao thông đạt kết quả cao như vậy là rất tốt.  

Nhiều địa phương cần hỗ trợ xi măng làm đường

Việc Bình Mỹ thành công trong phong trào huy động toàn dân làm giao thông nông thôn đã được nhiều địa phương và các sở ngành hữu quan đánh giá cao và coi đây là mô hình kiểu mẫu cần được nhân rộng bằng việc ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn để nhiều nơi trong tỉnh cùng thực hiện.

Vào cuối tháng 8 năm 2013, UBND huyện Ba Tơ đã có tờ trình xin chủ trương của tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng đường giao thông nông thôn theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngày 10.9.2013 Sở NN&PTNT có văn bản đề xuất ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng để các địa phương làm đường giao thông nông thôn.

Ngày 4.10.2013, Sở GTVT cũng đã có công văn đề xuất với UBND tỉnh về việc xin được thực hiện thí điểm xây dựng đường giao thông nông thôn bằng khối lượng xi măng do tỉnh hỗ trợ cùng với nguồn lực đóng góp của nhân dân trong vùng.  Cụ thể, các địa phương tổ chức họp dân ở từng thôn, xóm để công khai các khoản đóng góp của dân và khối lượng xi măng do Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân biết trước.

Trên cơ sở đó, dựa vào nguồn nội lực và vật liệu hiện có tại địa phương để nhân dân quyết định việc lựa chọn những tuyến đường cần xây dựng và quy mô tuyến đường như thế nào, khối lượng thực hiện trong tháng đó, quý đó, năm đó là bao nhiêu. Đồng thời UBND xã phải tổng hợp, đăng ký khối lượng và kế hoạch thực hiện với UBND huyện. Trên cơ sở đăng ký của xã, UBND huyện tổng hợp và lập kế hoạch về nhu cầu, số lượng, thời gian cung ứng, vị trí tiếp nhận xi măng... trên toàn huyện  để trình UBND tỉnh xin hỗ trợ xi măng.

Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những ưu tiên của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những ưu tiên của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.


Việc cung ứng xi măng UBND huyện trực tiếp ký hợp đồng với nhà cung ứng; đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp với UBND xã trực tiếp nhận xi măng do nhà cung ứng giao tại địa bàn các xã. UBND xã có trách nhiệm tiếp nhận xi măng theo kế hoạch đã đăng ký sau đó phân phối cho thôn. Các thôn tiếp nhận và phân phối cho các xóm để triển khai thực hiện.

Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia của tỉnh cũng đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thực hiện thí điểm chương trình "Hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn",  trước mắt cho triển khai thực hiện thí điểm tại xã Bình Mỹ (Bình Sơn), Ba Chùa (Ba Tơ) để rút kinh nghiệm, sau đó có cơ chế thực hiện chung trong toàn tỉnh.

Trước đây nhiều năm, Quảng Ngãi đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng cho các xã làm giao thông nông thôn đem lại hiệu quả rất lớn, được nhiều địa phương đồng tình thực hiện. Việc này chỉ có vướng mắc về thủ tục thanh toán, giải ngân nên có phần bị hạn chế. Lần này, các sở, ngành hữu quan cần nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc nói trên để tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn theo kiến nghị của các huyện và sở, ngành hữu quan.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM

           
 


.