Tự nguyện xin thoát nghèo…

02:03, 29/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ cùng nhau trồng keo, trồng quế, chăn nuôi… để thoát nghèo vươn lên làm giàu. Sau vài năm cày sâu cuốc bẫm, nhiều hộ dân ở Trà Thủy (Trà Bồng) đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Không ỷ lại

Vừa phát dọn cây tạp, chăm sóc rừng keo trồng gần một năm tuổi, chị Hồ Thị Thảo, thôn 3, xã Trà Thủy, người vừa gửi đơn lên địa phương xin thoát nghèo cho biết, bản thân chị và hàng xóm nhận thấy kinh tế gia đình đã ổn định và không còn cảnh thiếu đói như trước, nên đã tình nguyện xin thoát nghèo. “Ban đầu vợ chồng tôi cũng phân vân lắm, nhưng khi nghe cán bộ thôn, xã giải thích nên mình quyết định làm đơn xin thoát nghèo. Ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi một khoản lớn trợ cấp hàng tháng, nhưng mà thoát nghèo rồi mình mới có động lực làm ăn, phấn đấu để no đủ.” – chị Thảo tâm sự.

 

Chị Hồ Thị Thảo phát dọn cây tạp trong rừng keo của mình.
Chị Hồ Thị Thảo phát dọn cây tạp trong rừng keo của mình.


Còn anh Hồ Tuấn Anh, tổ 1 thì cho rằng, mấy năm trước được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống và ngân hàng cho vay tiền nên có cái để làm ăn. Từ một con bò giờ anh đã có trong tay 4 con bò lớn nhỏ và 3ha rừng keo sắp cho thu hoạch trị giá hơn 100 triệu đồng.

“Cuối năm nay sẽ bán số keo trên lấy tiền sửa lại căn nhà, sắm ít vật dụng trong nhà. Mình thấy thu nhập như vậy là thoát nghèo được rồi. Bởi nhiều hộ còn khó hơn mình, để họ nhận trợ cấp Nhà nước. Mình còn trong danh sách hộ nghèo thì được hỗ trợ nhiều thứ. Tuy nhiên, ra khỏi hộ nghèo giúp mình tự tin trong việc phấn đấu làm ăn, chăm lo cuộc sống bản thân. Nhận hoài tiền trợ cấp thấy xấu hổ lắm! Mình mang họ Bác Hồ mà không làm được theo Bác, không thoát nghèo là có lỗi với Bác!” – anh Tuấn Anh chia sẻ.

Không chỉ anh Tuấn Anh, chị Thảo mà theo thống kê của UBND xã Trà Thủy, từ đầu năm đến nay toàn xã có 40 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Ở đây không chỉ là “cái mác” thoát nghèo, mà còn là ý thức, trách nhiệm của họ đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Cách làm hay

Để có được những kết quả như trên không phải là chuyện một sớm một chiều ở một xã vùng cao còn rất nhiều khó khăn như Trà Thủy. Mà đó là cả một quá trình từ tuyên truyền, vận động đến đi vào thực tế chăm lo đời sống người dân của chính quyền xã Trà Thủy và huyện Trà Bồng.

“Ngày đó đi tuyên truyền vận động người dân khó khăn lắm. Bởi ai cũng bảo có Nhà nước lo rồi! Tháng nào cũng có hỗ trợ tiền, gạo nên không lo đói. Làm gì để thay đổi nhận thức của người dân là cả một quá trình. Sau nhiều ngày bàn bạc, chúng tôi tìm đến từng khu dân cư và tâm sự với người dân là chúng ta là một trong những địa phương nằm trong 64 huyện nghèo nhất nước. Bà con mình cứ ỷ lại như vậy mãi thì làm sao thoát nghèo được. Biết bao giờ mới thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Mọi người phải tự vươn lên, trồng mì, trồng keo, trồng quế… lo làm ăn thì mới giàu lên được. Phải nói nhiều lắm, tuyên truyền bất cứ khi nào có thể nên mới được như hôm nay!”, ông Hồ Văn Tự - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thủy nói.

Ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho rằng, việc các hộ dân ở Trà Thủy tình nguyện xin thoát nghèo là một thắng lợi lớn không chỉ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, mà còn là thắng lợi trong công tác dân vận. “Tôi cho rằng, nếu lãnh đạo xã Trà Thủy không làm được thì nói ai nghe. Vậy nên việc người dân ý thức như vậy là điều đáng mừng” – ông Bắc nói.

Vẫn nặng nỗi lo

Theo thống kê của UBND xã Trà Thủy, hiện toàn xã có 720 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 72% với gần 550 hộ và có gần 90 hộ cận nghèo. Điều đó cho thấy tình hình kinh tế - xã hội ở đây còn rất nhiều khó khăn. Thế nên, khi có nhiều hộ dân làm ăn khấm khá và xin thoát nghèo đã thực sự là niềm vui và cũng là động lực để địa phương phấn đấu phát triển kinh tế.

Thế nhưng, ông Hồ Văn Tự lại bảo, đừng có “sống trong niềm vui chiến thắng”, bởi Trà Thủy còn nhiều gian nan lắm. “Nhận đơn của người dân mà chúng tôi… bối rối. Vừa vui mừng lại vừa lo. Chưa bao giờ ở một xã nghèo như Trà Thủy mà người dân viết đơn xin thoát nghèo nhiều như vậy cả. Có khu dân cư cách đây mấy tháng còn “kéo” nhau đi nhận trợ cấp của Nhà nước, giờ 2/3 đã thoát nghèo rồi! Vui là vậy, nhưng cũng lo lắm! Vì người dân xin tự thoát nghèo nhiều quá sợ họ làm theo phong trào, năm nay thoát nghèo nhưng sang năm lại tái nghèo thì khổ, lại phải lo trợ cấp” - ông Tự nói.

Nỗi lo của ông Tự là có cơ sở. Bởi trong những năm qua, nhiều hộ dân mặc dù đã thoát nghèo nhưng vài năm sau lại tái nghèo. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ cận nghèo cũng khá cao và nhiều hộ dân mặc dù nằm trong danh sách thoát nghèo, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn và cũng nằm ở diện “mấp mé” hộ nghèo. “Ranh giới giữa hộ thoát nghèo và hộ nghèo mong manh lắm, nên muốn tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách bền vững thì cần có những chính sách đầu tư hiệu quả, lâu dài như tạo công ăn việc làm, đầu tư những giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng. Trong đó, cần phải đầu tư lại cây quế một cách bài bản vừa giữ được diện tích cây đặc sản, vừa giúp người dân làm giàu bền vững… thì may ra cái nghèo mới được xóa, nỗi lo tái nghèo mới không còn” – ông Tự tâm sự.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 
 


.