Nỗi niềm nghề chẻ đá

10:03, 01/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề chẻ đá không yêu cầu bằng cấp, mà chỉ cần người có sức khỏe tốt, sự dẻo dai, tính kiên nhẫn. Bởi lẽ, những người làm nghề này phải làm việc trên núi cao và khá nguy hiểm…

Phu đá…

Tôi gồng mình cùng chiếc xe máy kéo hết ga vượt qua nhiều đồi dốc mới lên được đỉnh núi Khỉ ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Tiếng đục đá vang lên đều đặn dội lại giữa không gian, xua tan vẻ u tịch của núi rừng. Nhưng ẩn bên trong những tiếng đục giòn tan ấy là bao trắc ẩn của những con người dấn thân vào cái nghề mà không phải ai muốn cũng làm được.

 

Dù biết nguy hiểm, nhưng các thợ đá đều không trang bị đồ bảo hộ lao động.
Dù biết nguy hiểm, nhưng các thợ đá đều không trang bị đồ bảo hộ lao động.


Cái nắng của tiết trời mùa xuân không gay gắt nhưng tôi thực sự choáng khi thử phơi mình cùng các bác làm nghề chẻ đá ở đây. Thế mới biết cái nghề này đòi hỏi sự dẻo dai đến nhường nào.

Mặc cho nắng cháy da đầu, bột đá ăn mòn lai quần, ngày qua ngày các phu đá vẫn thoăn thoắt tay búa, tay đục mưu sinh. Ông Đỗ Tấn Sửu (66 tuổi) là phu đá lớn tuổi nhất ở thôn An Thọ. Ông quê Hà Nội, nhưng cuộc sống khốn khó, ông rời quê vào Tịnh Sơn lập nghiệp sinh sống từ năm 1986 và gắn với nghề chẻ đá gần cả cuộc đời. Ông kể, cách đây vài chục năm, tốp thợ đá ở Núi Máng, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) đến đây khai thác đá và  ông xin học nghề chẻ đá. Cũng từ đó, cuộc đời ông gắn chặt với các bãi đá trên khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh đến nay đã ngót 30 năm. Người con trai thứ của ông cũng nối nghiệp cha theo bạn bè đi khắp các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên chẻ đá thuê kiếm sống.

Ông Sửu cho tôi xem đôi bàn tay chai sạn vì năm tháng cầm búa, khuân đá, sau đó cởi chiếc áo bạc màu để lộ ra chi chít những dấu đen bằng hạt bắp, hạt đậu trên ngực và đôi tay. “Cái nghề này coi vậy mà tai hại lắm! Nhiều năm làm nghề ai cũng  bị hoa mắt, ù tai. Sắt đập vào đá thì còn âm thanh nào chát chúa hơn. Cũng vì vậy mà tai nghe và mắt nhìn giảm ghê lắm. Làm nghề thì phải chấp nhận mà thôi” - ông Nguyễn Tấn Thạnh, bạn đồng nghiệp với ông Sửu, kể.

Nghề nguy hiểm…

Trong vai một người mua đá, chúng tôi leo lên sườn núi Khỉ, nơi mấy người thợ đang làm việc cho chủ thầu Phạm Thanh Tráng. Bên tảng đá khổng lồ, anh Phạm Thanh Hòa hì hục vung từng nhát búa. Tiếng sắt thép tiếp xúc với đá kêu chát chúa giữa trưa nắng. Từng giọt mồ hôi thấm đẫm vào đá. Cánh tay lực lưỡng của anh chằng chịt vết sẹo. Anh Hoà cho biết, để tách tảng đá này anh phải mất nhiều ngày trời. Nhưng bù lại, khối đá tạo việc làm ổn định cả tháng, với thu nhập trên 100.000đ/ngày. “Làm nghề này rất hao tổn sức khỏe, lại nguy hiểm nữa, lâu lâu tôi phải nghỉ dưỡng sức, nhưng sức khỏe vẫn suy giảm - anh Hòa tâm sự.

Còn bên mỏ đá của anh Đỗ Tấn Sinh ở núi Nhàn, xã Tịnh Bình, những người làm nghề đều gầy nhom, khuôn mặt khắc khổ, đôi bàn tay chai sạn. Ngừng tay đục, một phu đá tên Tân cho biết: “Để sống được với nghề chẻ đá, anh phải học từ cách rèn mũi ve, lựa chọn từng vân đá, thớ đá để buộc đá tách ra theo ý mình. Làm nghề này vất vả và nguy hiểm lắm, nhưng không bám đá thì không có gạo nuôi vợ con".

Trời càng về trưa, nắng nóng làm những bộ đồ lao động thấm đẫm mồ hôi cùng bụi đất đá như điểm thêm sự khổ cực của nghề chẻ đá. Nhoẻn miệng cười, anh Phạm Đức Trí, xã Tịnh Sơn, kể: Năm 1980 anh vào nghề thì  năm sau, anh bị mẻ sắt văng vào làm hỏng 1 mắt. Nghe lời vợ con, anh bỏ nghề, kiếm việc khác làm, nhưng không kiếm được đành quay lại nghề chẻ đá. Vừa kể, anh Trí vừa thoăn thoắt điều khiển phiến đá, chỉnh đục. Những ngón tay rớm máu vì đá cứa thường xuyên. “Mỗi ngày tôi chẻ 20 - 30 viên, đứt tay, chảy máu là thường, nhưng cũng chỉ kiếm 80 - 100.000đồng/ngày” - anh Trí cười buồn.

… và những tai nạn thương tâm!

Phía sau những đồng tiền mà các anh có được là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu. Bởi suốt ngày vật lộn với đá, nhưng các phu đá không hề có một phương tiện bảo hộ nào. Ngay cả những dụng cụ bảo hộ lao động thông thường như găng tay, khẩu trang, kính đeo mắt cũng không, nên nhiều người bị tai nạn khi hành nghề. Anh Ngô Văn Nở ở xã Tịnh Sơn kể: Năm 1991, khi lật tảng đá để chẻ, bất ngờ đá lăn đè nát ngón tay trỏ bên trái phải tháo khớp. “Không ai có thể giàu lên từ nghề chẻ đá, ngoại trừ những ông chủ bãi đá thuê công lao động. Hiện tại, nhiều phu đá ở Tịnh Sơn không giải nghệ là bởi nếu không làm đá, họ không có tiền nuôi sống bản thân và gia đình” - anh Nở tâm sự.

Cách đây 12 năm, tại mỏ đá Núi Máng, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa), hai vợ chồng ông Nguyễn Sâm ở thôn Năng Tây, Nghĩa Phương bị đá vùi lấp, để lại mấy đứa con thơ dại. Hay như vụ tai nạn xảy ra vào tháng 3.2012, tại khu vực khai thác đá xã An Vĩnh (Lý Sơn), một tảng đá nặng 5 tấn đè chết phu đá Lê Văn Trà, quê Tịnh Thiện (Sơn Tịnh). Ngoài ra, ở các địa phương trong tỉnh còn hàng chục trường hợp bị thương, hoặc bỏ mạng vì nghề chẻ đá.


Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.