Nhiều nhà hư hỏng do lũ chưa được làm lại

01:03, 10/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tết cổ truyền đã qua hơn một tháng, nhưng nhiều hộ gia đình có nhà bị sập trong trận lũ lịch sử năm 2013 ở nhiều địa phương vẫn chưa thể xây dựng, sửa chữa lại nhà mặc dù tiền đã nhận cách đây vài tháng.

TIN LIÊN QUAN

Thôn Canh Mo, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà có đến 6 nhà bị thiệt hại, trong đó có 3 nhà bị sập hoàn toàn, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có hai nhà hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết. Ông Nguyễn Thân (82 tuổi) có nhà bị sập hoàn toàn cho biết, nguyên nhân vẫn chưa xây được nhà là do chính quyền không cho xây dựng trên nền đất cũ, bởi nhà ông nằm trong vùng ảnh hưởng của hồ chứa nước Nước Trong nên không đảm bảo. Vậy là từ đó đến nay, ban ngày đôi vợ chồng già vẫn ở trong ngôi  nhà được che chắn tạm bợ để chăn nuôi và trông coi vườn, còn ban đêm về nhà con trai cách đó 500m để ở.

 

Căn nhà tạm của ông Nguyễn Thân ở thôn Canh Mo xã Sơn Nham.
Căn nhà tạm của ông Nguyễn Thân ở thôn Canh Mo xã Sơn Nham.


Cách nhà ông Thân chưa đầy 20m là nhà của 3 gia đình, anh Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Văn Trọng, Hồ Đức Nghĩa vẫn “nhà trống” vì chưa sửa chữa lại, mặc dù mỗi hộ gia đình đã nhận hỗ trợ 15 triệu đồng trước Tết Nguyên đán. Anh Nguyễn Văn Trọng cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời cũng rất mừng, nhưng 15 triệu cũng chưa đủ vì trận lũ vừa rồi cuốn sạch không còn cái gì, nên khi nhận tiền phải lo mua sắm lại các dụng cụ cần thiết cho gia đình như bàn ghế, bếp… còn ít tiền trang trải đón Tết nên cũng không còn bao nhiêu. Nhà bị sập 50%, nhưng sửa chữa lại cũng tốn kém lắm vì bây giờ phải làm cho kiên cố hơn. Gia đình sẽ cố gắng vay mượn và chờ mùa thu hoạch hoa màu sắp tới để thêm vào sửa sang lại.

Rời thôn Canh Mo, chúng tôi về thôn Xà Nay - nơi bị thiệt hại nặng nề trong trận lũ năm 2013, dấu vết của trận lũ lịch sử đã phai dần, trường học, nhà ở của nhiều hộ gia đình đã được khắc phục, sửa chữa, xây mới. Tuy nhiên, với gia đình bà Nguyễn Thị Bé từ lúc cơn lũ đi qua cũng là chừng ấy thời gian gia đình bà phải sống trong căn lều bạt chừng 30m2 với 5 nhân khẩu do bộ đội huyện dựng lên.

Anh Tạ Hồng Thanh - con rể bà Nguyễn Thị Bé cho biết: Xã đã cho gia đình nhận trước 15 triệu đồng (trong tổng số 32 triệu đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước) để khắc phục chỗ ở. Nhưng để cất nhà, xã yêu cầu phải tìm chỗ khác, không được làm lại ở nơi cũ vì sợ sẽ lại bị nước lũ cuốn trôi. Vì vậy gia đình đã dùng số tiền này để mua đất ở vị trí cao hơn, nhưng mua được đất rồi thì giờ không còn tiền để làm nhà. Xã yêu cầu có nhà rồi mới cho nhận số tiền còn lại. Vợ chồng tôi biết lấy tiền đâu mà làm. Từ Tết đến giờ phải ở tạm như vậy, sắp tới địa phương đòi dỡ không cho ở nữa, không biết rồi sẽ ở đâu…

Không chỉ ở vùng lũ Sơn Nham, mà hiện nay nhiều gia đình có nhà bị sập trong trận lũ vừa qua trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa thể tiến hành xây dựng. Ông Lê Văn Sáu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Hiện toàn tỉnh chỉ mới có 3 địa phương là huyện Sơn Tịnh, Ba Tơ và TP.Quảng Ngãi là hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người dân. Các địa phương còn lại đều chưa hoàn thành và mới chỉ đạt 69/155 nhà.

Theo số liệu của UBMTTQVN tỉnh, trong đợt lũ lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái, toàn tỉnh có 155 ngôi nhà bị sập hoàn toàn và 409 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Để phấn đấu hoàn thành xây nhà cho đồng bào vùng lũ trước Tết Nguyên đán,  UBMTTQVN tỉnh đã giải ngân gần 9,5 tỷ đồng  để hỗ trợ cho  hộ có nhà bị sập từ 25-30 triệu đồng, hộ có nhà bị hư hỏng từ 12,5 -15 triệu đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc xây nhà chậm là do các hộ có nhà bị sập có hoàn cảnh khó khăn, lại bị mất nhiều tài sản trong đợt lũ nên với số tiền hỗ trợ từ 25-30 triệu đồng họ không đủ khả năng để làm lại nhà. Hiện số nhà bị hư hỏng từ 30-70% phải sửa chữa cũng chỉ mới đạt 223/409 nhà, đạt 55%.


Bài, ảnh: THANH THUẬN
 


.