Hồi âm thông báo người vi phạm Luật Giao thông còn ít

01:03, 07/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tăng cường sự phối hợp trong kiểm điểm, giáo dục những người vi phạm về ATGT, năm 2010, Bộ Công an ban hành Thông tư 38/2010/BCA quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật ATGT về cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này tại tỉnh ta vẫn còn hạn chế do khâu tổ chức thực hiện chưa đồng bộ.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, Công an các địa phương và cơ quan chức năng đã thông báo 4.253 trường hợp cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, sinh viên và người dân vi phạm TTATGT đến công an xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, cơ quan, đơn vị chủ quản công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, rất ít trường hợp cơ sở phản hồi kết quả nhắc nhở, giáo dục cho cơ quan ra thông báo vi phạm.

Công an TP.Quảng Ngãi kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân .
Công an TP.Quảng Ngãi kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân .


Nhiều cơ quan công an cơ sở không báo cáo UBND xã, phường, thị trấn về cá nhân cư trú trên địa bàn mình vi phạm có thông báo của cơ quan chức năng; cũng không đề xuất UBND chỉ đạo tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, trường học nhắc nhở, giáo dục đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm. Một số địa phương có làm, nhưng chỉ là hình thức, chiếu lệ... nên tác dụng giáo dục chưa cao. Thiếu tá Lê Văn Nhất-Đội trưởng Đội CSGT, trật tự cơ động, Công an TP.Quảng Ngãi, cho biết: "Trong năm 2013, Đội đã gửi cả ngàn phiếu thông báo vi phạm, nhưng các đơn vị phản hồi rất ít, nói đúng hơn là hầu như không phản hồi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số địa phương, ở cấp xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, khu dân cư, trong quá trình thực hiện Thông tư 38, một số trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú một nơi, nhưng lại làm ăn, sinh sống ở một nơi khác, không có mặt ở địa phương, hoặc đã thay đổi địa chỉ, nhưng trong giấy phép lái xe vẫn ghi địa chỉ cũ, hoặc cố tình khai không đúng địa chỉ gây khó khăn cho việc gửi thông báo phản hồi. Việc thực hiện tiếp nhận thông báo ở một số Công an xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong triển khai ở cơ sở, do vậy chưa gửi phiếu báo phản hồi cho cơ quan ra thông báo.

Ông Nguyễn Tấn Hải- Trưởng Công an xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) cho biết: Thông báo vi phạm của Công an cấp tỉnh, huyện gửi tới Công an xã, phường, thị trấn theo đường công văn của ngành. Còn công an xã phải gửi theo đường bưu điện, trong khi đó kinh phí có hạn nên khó khăn cho việc gửi phản hồi. Khu dân cư hằng năm thường chỉ họp từ 1 - 2 lần, trong khi chưa có quy định cụ thể về việc tổ dân phố, khu dân cư, hay cơ quan đoàn thể phải tổ chức họp kiểm điểm người vi phạm về TTATGT khi có giấy thông báo, nên khó khăn cho việc tổ chức họp kiểm điểm, giáo dục.

Còn ông Trần Quang Minh- Chủ tịch UBND thị trấn Sơn Tịnh (Sơn Tịnh) thì cho rằng, việc gửi thông báo phản hồi về người vi phạm Luật Giao thông đường bộ được địa phương giao cho Công an thị trấn đảm nhận. Tuy nhiên, trong năm 2013, UBND thị trấn không thấy công an báo cáo về trường hợp công dân ở địa phương có thông báo vi phạm Luật Giao thông. Nếu có, địa phương sẽ xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Đại tá Nguyễn Cao Lũy - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho rằng: Mục tiêu của Thông tư 38 là rất tốt, nhằm giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết. Năm 2013, phòng gửi 34 phiếu, nhưng chỉ có 7 phiếu phản hồi.

Thực tế, ở một số địa phương, chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thực hiện mang tính hình thức, kiểm điểm mang tính lấy lệ… nên hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục không cao. Để tháo gỡ vướng mắc này, thời gian tới phòng sẽ tham mưu cho Công an tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 38 trên toàn tỉnh, kiên quyết kiểm điểm các đơn vị không thực hiện; đồng thời tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm để quy định này thực sự phát huy hiệu quả…

Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.