"Ông vá cầu"

02:02, 06/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều người bảo, ông làm chuyện "dã tràng xe cát". Ông bỏ ngoài tai và nghĩ rằng, miễn sao việc làm của mình có ý nghĩa. Vì vậy, dù mưa hay nắng, hơn mười năm qua  ông vẫn miệt mài đi nhặt đá, trộn xi măng để vá cầu cho mọi người qua lại an toàn. Ông là Nguyễn Hiệp ở làng cá Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).


Thôn Thạnh Đức 2 có 280 hộ, với hơn 1.000 khẩu. Chiếc cầu Thạnh Đức nối liền đôi bờ sông là niềm mơ ước bao đời của cư dân làng chài nơi đây. Thế nhưng, hiện nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng do nhu cầu đi lại mua sắm, vận chuyển hàng hóa, lương  thực, vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Ông Hiệp lại tất bật với công việc thường ngày: Gom đá, mua xi măng, vá lại những chỗ bị hỏng trên mặt cầu.

 

Hàng ngày ông Hiệp vẫn miệt mài với công việc vá cầu.
Hàng ngày ông Hiệp vẫn miệt mài với công việc vá cầu.


Ở làng chài Thạnh Đức 2, ai cũng biết ông Hiệp, người bỏ công sức để vá cầu. Họ quen gọi ông bằng cái tên "ông vá cầu". Nhiều hôm, từ sáng sớm ông đã đẩy xe rùa vào núi Hố Ngân, Hoài Lộc hay Dốc Mó... để lượm đá về vá cầu, quên cả chuyện cơm nước buổi trưa. Hơn mười năm qua ông làm nhiều việc để giữ cho cây cầu đỡ xuống cấp.

Ông Hiệp kể về cái lý của việc giữ cây cầu: Trước đây, dân làng Thạnh Đức 2 muốn đến trung tâm xã phải lụy đò. Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra ở bến. Bà con tự nguyện đóng góp tiền để làm cầu ván bắt từ xóm 3 qua thôn Thạch Bi để dễ dàng đi lại. Theo năm tháng, làng chài phát triển, những chiếc tàu công suất lớn thay cho những chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ ngày càng nhiều. Mùa mưa về, tàu thuyền không vào sâu bên trong để núp sóng, gió được. Bà con lại bàn với nhau và dự tính xây dựng chiếc cầu vượt bằng bê tông để nối đôi bờ sông và để tàu vào sâu bên trong neo đậu dễ dàng.

Lòng sông rộng, kinh phí để xây dựng cầu quá lớn, họ đành chào thua. Đã có không ít tàu neo đậu gần cửa biển bị sóng đánh vỡ, chìm. Kể từ khi tỉnh  xây dựng cảng cá Sa Huỳnh, thì cầu vượt Thạnh Đức mới được dựng lên với chiều dài hơn 400m, chiều ngang 5m. Chiếc cầu nối đôi bờ, là niềm mơ ước bao đời nay của cư dân trong vùng. Dân làng nỗ lực làm ăn, xây dựng nhà cửa khang trang. Làng trở thành một trong những làng trù phú nhất ở vùng cực Nam của tỉnh.


Đã hơn 10 năm qua, chiếc cầu Thạnh Đức chưa một lần được tu sửa nên nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu bong tróc, trơ những sạn đá, thanh sắt. Điểm giáp mối của các nhịp cầu đã bị sạt lở thành những khoảng trống. Thành lan can có nhiều đoạn đã bị vỡ, gãy...

Nhìn cây cầu xuống cấp, người làng Thạnh Đức 2 lo lắng hơn ai hết. Nhưng, ai cũng hiểu dân mình không đủ sức để khắc phục. Ông Nguyễn Hiệp cũng bất lực như mọi người. Nhưng, từ trong sâu thẳm, ông vẫn muốn giữ gìn cây cầu để giúp bà con đi lại an toàn. Vì vậy, đã nhiều năm rồi ông lặng lẽ bỏ công sức, tiền của để mua xi măng vá cầu, mỗi khi mặt cầu có chỗ bong tróc trơ sỏi đá.

Theo năm tháng, kinh tế ở làng chài phát triển, xe tải chở cá, vật liệu đi lại nhiều, cây cầu lại hư hỏng nặng hơn. Ông Hiệp phải vào núi nhặt đá cuội về chêm những chỗ cầu bị nứt. Rồi hốt cát sạn ở bìa sông trộn với xi măng để sửa cầu. Cứ đắp, vá chỗ này, thì vài tháng sau chỗ khác lại nứt, ông lại cần mẫn với công việc vá cầu.

Thế nhưng, cây cầu đã quá cũ, nên không chống chọi được với nước mặn, với gió mưa ở miền biển nên chắp vá chỗ này thì chỗ khác lại rệu rã. Sức ông Hiệp đã cạn, tiền túi cũng ngày càng vơi, ông đành phải đi vận động bà con. "Thấy ông hết nhặt đá, thồ cát sạn vá cầu, nhiều người bảo ông đổ công dã tràng. Vậy mà ông vẫn lầm lũi làm”. Ông Phạm Khương (75 tuổi) cho hay. Khi có đồng tiền kha khá, ông lại kêu xe đổ cát, mua xi măng và kêu thợ cùng ông để đổ bê tông, sửa lại cầu.

Hết nơi huy động, ông lại lên chùa Từ Phước xin hỗ trợ. Thấy ông có tâm làm việc thiện, trụ trì chùa đồng ý hỗ trợ 3 đợt, mua xi măng, cát sạn để tiếp tục về sửa cầu. Nhiều người thắc mắc nhưng ông làm với cái lý của riêng mình là cốt sao cho bà con đi lại an toàn, thuận lợi, phát triển kinh tế, giữ được chiếc cầu - niềm mơ ước của mình, của dân làng. Ông Hiệp nói: "Việc làm ấy cũng bình thường thôi, miễn rằng bà con chạy xe qua cầu mà không vồng, êm ru...là tui vui lắm rồi!".

Ông Phan Văn Sanh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Thạnh Đức 2, nhận xét: "Thật hiếm có người như ông Hiệp. Ổng xem việc chắp vá các chỗ hỏng, bong tróc mặt cầu như việc nhà của mình. Ông làm việc không có sự tính toán, lúc rảnh là ổng làm. Ông thật là người tốt, cần biểu dương".


Bài, ảnh: MAI HẠ 


 


.