Còn nghèo vẫn trả "sổ nghèo"

09:01, 02/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, cụ La Văn Hảo ở thôn Phước Thuận, xã Đức Phú (Mộ Đức) đã khiến mọi người ngạc nhiên. Bởi lẽ, cụ Hảo nay đã gần 80 tuổi lại nay đau mai ốm, quanh năm chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng cùng dăm con gà thả vườn. Thế nhưng..

Lá rách ít…

Một buổi chiều cuối tháng 12, chúng tôi ghé thăm nhà của cụ La Văn Hảo- người vừa xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã Đức Phú. Dù thời tiết giá lạnh, nhưng cụ Hảo vẫn tất bật cho gà ăn. Chân vẫn còn lấm lem bùn đất vì mới đi thăm ruộng, cụ Hảo co ro: “ Trời lạnh quá, phải chăm mấy con gà cho kỹ, kẻo nó mà chết thì mình khỏi có tiền ăn Tết”.

 

Chiếc xe đạp cà tàng là vật dụng đáng giá nhất của vợ chồng cụ Hảo.
Chiếc xe đạp cà tàng là vật dụng đáng giá nhất của vợ chồng cụ Hảo.


Trong ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm trong xóm nhỏ, cụ Hảo cùng vợ là bà Tạ Thị Trình sống nương tựa vào nhau lúc về già. Nhà có 5 người con thì tất cả đều đi làm ăn, xa tận TP.Hồ Chí Minh. Bởi thế nên bao nhiêu việc nặng nhọc trong nhà, cụ Hảo đều gánh vác hết.

Mang nhiều bệnh tật và mới chữa xong bệnh lao phổi, cụ Hảo lại trở về với công việc đồng áng. Ba sào ruộng, 4 con heo thịt, dăm con gà...  do cụ một tay chăm sóc. “Con cái nó cũng đi làm cực khổ lắm. Chẳng lẽ ngửa tay xin con. Nên cũng cố làm để còn có tiền đi chợ, tiền đi đám cưới, thôi nôi...”, cụ Hảo tâm sự. “Tham công tiếc việc”, nhưng tuổi già sức yếu, nên cụ chỉ có thể trông nom tình hình sâu bệnh. Còn chuyện rải phân, phun thuốc… cụ phải mượn người làm giúp. Ngay cả chuyện chợ búa, cụ Hảo cũng tự thân lo. Bởi cụ bà Tạ Thị Trình bị chứng bệnh gai cột sống hành hạ nên rất khó đi lại. Chỉ cho chúng tôi xem chiếc xe đạp có tuổi đời cũng đã hơn 40 năm, cụ Hảo nói: “Có mỗi cây xe này để đi lại, mà giờ bánh xe hư, chưa có tiền sửa nên vợ chồng tôi đành để đó. Mỗi lần đi chợ, hay đi mua gì thì đi bộ thôi”.

... Nhường lá rách nhiều

Nằm trong danh sách hộ nghèo, gia đình cụ La Văn Hảo được hỗ trợ tiền điện thắp sáng, sổ khám bệnh dành cho người nghèo và nhiều chính sách ưu đãi khác. Thế nên, bà con lối xóm ai cũng ngạc nhiên khi ông dõng dạc xin rút khỏi danh sách hộ nghèo.

Còn về phần cụ Hảo, xin rút ra khỏi hộ nghèo, chẳng phải vì kinh tế cụ đã khấm khá hơn. Bởi năm nào cụ cùng vợ cũng chỉ làm bấy nhiêu ruộng, nuôi bấy nhiêu gà. Tuy nhiên, cái lý mà cụ đưa ra để xin thoát nghèo đó là : “Giờ con tôi cũng lớn hết rồi. Vợ chồng tôi chẳng phải nặng gánh nuôi ai. Đôi khi ốm đau, con cái nó cũng gửi tiền về. Vợ chồng già làm ruộng cũng đủ ăn, đủ mặc. Nên tôi xin rút để nhường suất hộ nghèo này cho người khác. Người nào còn có con ăn học, sẽ cần hơn tôi”. Với cách suy nghĩ mộc mạc, chân thành đó, cụ Hảo một mực xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Bữa tối, trên mâm cơm đạm bạc của hai vợ chồng cụ Hảo chỉ có một đĩa cá kho mặn và mớ rau tập tàng luộc. Dù điều kiện kinh tế chẳng khấm khá, nhưng cụ Hảo đã làm được một việc rất đáng khâm phục. Bởi, trong khi nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và không muốn thoát nghèo để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, thì một cụ già ở độ tuổi gần đất xa trời lại tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường phần cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Bài, ảnh: Ý THU

 


.