UBND tỉnh trả lời những câu hỏi của đại biểu tại kỳ họp thứ 7 và thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI

08:12, 06/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 6.12, kỳ họp bước sang ngày làm việc cuối cùng. Mở đầu phiên họp ngày thứ 4, ông Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7 và thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI. 

TIN LIÊN QUAN

Theo đó, với câu hỏi của cử tri tại các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Đức Phổ về việc trong thời gian qua các kho thuốc bảo vệ thực vật chưa xử lý đang gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân trong vùng?  
 
Về vấn đề này, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Đức Phổ nghiên cứu giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý toàn bộ lượng thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh: rà soát, xây dựng dự toán chi phí xử lý, giải pháp xử lý, công nghệ xử lý… Hiện nay, lượng thuốc BVTV tồn lưu trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được xử lý. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nền kho vẫn chưa được xử lý.
 
Đại biểu tham dự phiên họp sáng 6.12.
Đại biểu tham dự phiên họp sáng 6.12.
 
Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản, đồng thời cũng đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tham mưu đưa 6 kho thuốc BVTV ô nhiễm vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để giai đoạn 2013-2020 trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời đã xây dựng phương án xử lý các kho thuốc BVTV, tổ chức lấy ý kiến của sở, ngành và UBND các huyện liên quan. Qua ý kiến phản hồi của các đơn vị, sở tổng hợp, đề xuất phương án xử lý như bóc toàn bộ lớp đất nền kho bị ô nhiễm và xử lý theo phương pháp đốt.
 
Liên quan đến câu hỏi của cử tri về việc nhiều khu tái định cư tại các huyện miền núi được đầu tư xây dựng như Khu tái định cư thôn Ca La, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà; Khu tái định cư La Noong, xã Trà Giang, khu tái định cư Nước Cây Trường, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng; điểm tái định cư đồi 3 cụm Long Hiệp, Minh Long, nhưng đến nay người dân vẫn chưa vào ở hoặc chỉ một số ít người dân vào ở, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí, mục tiêu xây dựng khu tái định cư không đạt được. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý như thế nào?
 
Nguyên nhân tồn tại chung đối với tất cả các dự án, là đa số các khu tái định cư tập trung phải thực hiện trong thời gian ngắn để kịp di dời dân vùng thiên tai, trong khi nguồn vốn đầu tư cho các dự án không đủ theo yêu cầu, nên một số hạng mục của dự án chưa được đầu tư đồng bộ (chưa có điện sinh hoạt, đường nối vào các khu dân cư lân cận chưa được đầu tư…).
 
Sự quan tâm, phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động di dời dân ở một số địa phương thiếu tích cực; công tác xét duyệt đối tượng di dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa đó sự thống nhất giữa huyện và xã. Việc đầu tư các dự án tái định cư dàn trải, chưa tập trung đầu tư về chiều sâu dẫn đến tình trạng đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ. Điều kiện kinh tế của các hộ di dân còn nhiều khó khăn, không đủ kinh phí để xây dựng nhà ở vững chắc, chỉ xây dựng nhà tạm, nên sau khi đến ở một thời gian ngắn thì hư hỏng, nên quay về lại nơi ở cũ.
 
Với những dự án tái định cư chưa phát huy hiệu quả đầu như Khu tái định cư Nước Cây Trường, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng; điểm tái định cư xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà; khu tái định cư thôn La Nong, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng; điểm tái định cư Đồi 3 cụm, xã Long Hiệp, huyện Minh Long và một số điểm tái định cư khác chưa hoàn thành bố trí tái định cư cho các hộ dân. UBND tỉnh sẽ bố trí vốn đầu tư bổ sung để bồi thường đất, làm đường vào khu tái định; bồi thường đất tại khu tái định cư; xây dựng hệ thống điện sinh hoạt,.. đảm bảo từng bước cải thiện điều kiện sinh sống của các hộ dân đã tái định cư.
 
Về câu hỏi về việc các phương tiện thông tin đăng tải hàng loạt tin bài về các công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở một số trường học trên địa bàn tỉnh ta có “giá khủng” trên nửa tỉ đồng, mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng xuống cấp, đầu tư chưa hợp lý so với nhu cầu và nguồn lực thực tế, có biểu hiện lãng phí. Trách nhiệm thuộc về ai? Hướng giải quyết?
 
Nội dung này, UBND tỉnh đã cho thành lập Đoàn thanh tra, kết quả thực hiện tại Báo cáo số 3913/KL-UBND ngày 2.10.2013 về kết luận thanh tra các dự án, công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư gửi Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương.
 
Nhìn chung, các công trình được phê duyệt quyết toán và đang đề nghị phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, mức vốn đầu tư cho 1 công trình cao nhất là 410,135 triệu đồng (trong đó Nhà vệ sinh là 196,414 triệu đồng), thấp nhất là 182,952 triệu đồng (trong đó Nhà vệ sinh là 142,443 triệu đồng). 
 
Bình quân chi phí đầu tư cho công trình cấp nước và nhà vệ sinh (tính trong 17 công trình) là 283,261 triệu đồng (trong đó bình quân chi phí xây lắp 01 nhà vệ sinh là 190,784 triệu đồng). Chi phí đầu tư cho 1m 2 cao nhất là 14,544 triệu đồng (Nhà vệ sinh cao nhất 7,06 triệu đồng); Chi phí đầu tư cho 1m 2 thấp nhất là 3,857 triệu đồng (Nhà vệ sinh thấp nhất 3,078 triệu đồng). Bình quân chi phí đầu tư cho 1m 2 của 17 công trình là 8,023 triệu đồng (bình quân 1 m 2 Nhà vệ sinh là 5,182 triệu đồng).
 
Kết luận Thanh tra cũng đã nêu rõ: Theo đánh giá các trường và Đoàn thanh tra cho thấy việc đầu tư là rất cần thiết, cấp bách; các công trình đã đầu tư đều đang sử dụng bình thường, đã góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường chung, thực hiện giáo dục sức khỏe, giúp học sinh có điều kiện vệ sinh cá nhân, nâng cao sức khỏe bản thân và giảm thiểu bệnh tật cộng đồng; góp phần thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đảm bảo các tiêu chí quy định của trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Về trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết thì qua thanh tra 24 công trình, Đoàn thanh tra đã phát hiện khối lượng sai phạm do lập dự toán tính tăng khối lượng đắp cát nền móng công trình, xây tường, đổ bê tông lanh tô, trát tường và láng nền sàn của hạng mục nhà vệ sinh; tính tăng khối lượng ván khuôn, không thi công hạng mục ốp đá hoa cương, ống thép tráng kẽm Ф15mm, chênh lệch đơn giá đơn công, không thi công phễu thu nước, dây dẫn điện vào máy bơm… với tổng giá trị 316, 957 triệu đồng. Ngoài ra có sai sót trong tính chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật với giá trị 41, 916.000 triệu đồng. Tổng cộng sai sót qua thanh tra là: 358, 873 triệu đồng.
 
Trách nhiệm của những sai sót trên là do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng giáo dục và đào tạo chưa giúp chủ đầu tư thực hiện tốt trách nhiệm của chủ đầu tư. Tuy có nhiều yếu tố khách quan tác động nhưng các thiếu sót, hạn chế của các dự án trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ đầu tư là Sở Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt cũng chưa sâu sát, chưa phát hiện những bất cập của hồ sơ dự án cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc thẩm định chưa tốt.
 
Về câu hỏi của cử tri về việc hiện nay, một số cán bộ tham gia hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin đã làm hồ sơ nộp các cơ quan chức năng (hơn 1 năm) nhưng chưa được giải quyết. Nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế trong việc thực hiện chủ trương này như thế nào?
 
Trong thời gian vừa qua, số lượng hồ sơ Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh tiếp nhận và kết quả giải quyết từ năm 2008 đến ngày 31/7/2013 là khá lớn: 4.912 hồ sơ, trong đó hồ sơ đã giải quyết và đủ điều kiện là 2.742, số hồ sơ tạm dừng giải quyết là 2.170 hồ sơ; không đủ điều kiện giải quyết là 4 hồ sơ; số lượng hồ sơ tồn đọng chưa giải quyết là 426 hồ sơ.
 
Nguyên nhân tồn đọng hồ sơ và chậm trễ trong việc giám định giám định y khoa để giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/Dioxin là do hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và chuyển đến Phòng Giám định y khoa quá nhiều với số lượng lớn; trong khi việc tổ chức phiên họp của Hội đồng mỗi tuần chỉ tổ chức được 1-2 phiên. Số lượng hồ sơ giải quyết trong mỗi phiên họp từ 30 đến 60 đối tượng; trong tuần bố trí 4 ngày khám, một ngày tổ chức hội chẩn và họp Hội đồng kết luận. 
 
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Sở Lao động và Thương binh khẩn trương giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng và các giám định viên là kiêm nhiệm phải đảm nhận công việc của đơn vị nhiều, thời gian làm việc quá tải, nên không duy trì được số lượng phiên họp, khám và hội chẩn, kết luận. Danh mục 17 bệnh do Bộ Y tế quy định theo Quyết định 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế áp dụng cho việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học còn nhiều bất cập, chưa quy định cụ thể tiêu chí cho từng danh mục bệnh, tật; trong khi phương tiện kỹ thuật để thực hiện quy trình giám định bệnh, tật còn thiếu.
 
Biện pháp thực hiện trong thời gian đến, trước mắt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát lại toàn bộ số hồ sơ còn tồn đọng; đối với số hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Y tế sẽ phối hợp rà soát hồ sơ, hướng dẫn thực hiện, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH  ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 
 
Đối với số hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến mắc bệnh như: Ung thư, đái tháo đường type 2, viêm thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính phải chờ Bộ Y tế quyết định ban hành cụ thể danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học mới có căn cứ xem xét giải quyết đối với số hồ sơ này.
 
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc của đối tượng người có công nói chung và đối tượng hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học nói riêng theo qui định và hướng dẫn của Trung ương. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho rằng, việc giải quyết ý kiến chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7 và thứ 9 HĐND tỉnh khoá XI còn tồn tại chưa thỏa đáng đã được UBND tỉnh nghiêm túc xem xét, giải quyết và trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng quản lý ngành giải quyết. 
 
M.Toàn (lược ghi)
 
 

.