Tịnh An: "Cào bằng" khi chia gạo cứu trợ cho dân

08:12, 26/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Cấp gạo không đúng theo tiêu chuẩn quy định, người thiệt hại nặng và người thiệt hại nhẹ đều nhận mức hỗ trợ gạo như nhau... Việc cấp phát gạo theo kiểu bình quân, khiến nhiều người dân xã Tịnh An (Sơn Tịnh) không khỏi bức xúc. 

TIN LIÊN QUAN

Theo chủ trương chung của tỉnh, mức hỗ trợ gạo cho mỗi khẩu bị thiệt hại trong cơn lũ lịch sử vừa qua sẽ được nhận 15 kg gạo, song trên thực tế khi gạo đến tay người dân chỉ được 15 kg/ hộ(?).
 
Bất hợp lý
 
Những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại ốc đảo Ân Phú, xã Tịnh An-một trong những nơi ngập nặng và thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua. Mặc dù, cơn lũ lịch lịch sử đi qua đã hơn 1 tháng nay, song cuộc sống khó khăn của người dân vẫn còn hiện hữu. Nhiều gia đình đang cố gắng gượng dậy gầy dựng lại cuộc sống sau lũ.
 
Đợt lũ vừa qua, khiến tài sản và nhiều diện tích hoa màu của bà Bùi Thanh Nhị ở thôn Ân Phú bị nước lũ nhấn chìm hư hại. Những ngày này, bà tranh thủ trồng và chăm sóc lại đám rau cải vừa mới trồng để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. " Nếu không bị ngập do nước lũ thì giờ này đã có rau bán rồi, giờ ráng cố gắng chăm sóc để bán kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày"- bà Nhị than thở.
 
Chúng tôi hỏi bà có nhận được gạo hỗ trợ của nhà nước không, thì bà Nhị cho biết: Nghe thông tin tỉnh hỗ trợ cho mỗi khẩu 15kg nhưng chỉ nghe nói vậy thôi chứ đến giờ mình có nhận được đâu. Đợt trước, nghe UBND xã thông báo mỗi hộ được nhận 15kg gạo nhưng không có tên mình trong danh sách. 
 
Người dân thôn Ân Phú tranh thủ trồng lại hoa màu sau khi bị cơn lũ nhấn chìm, hư hại
Người dân thôn Ân Phú tranh thủ trồng lại hoa màu sau khi bị cơn lũ nhấn chìm, hư hại
 
 
Cùng hoàn cảnh không nhận được gạo hỗ trợ của tỉnh như bà Nhị, ông Phạm Bồng ở thôn Ân Phú cho biết: Lũ vừa qua, lương thực, thực phẩm bị nước lũ cuốn trôi hết, giờ vợ chồng tôi phải chạy ăn từng bữa.
 
Vốn là hộ cận nghèo của xã, cuộc sống đã khó khăn, nay cơn lũ đi qua cuốn trôi tất cả khiến cuộc sống gia đình ông càng khó khăn hơn. "Nhà mình bị thiệt, nghe Nhà nước hỗ trợ gạo ăn, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng đến khi phát gạo, thấy người ta nhận mà mình không có, tôi cũng không biết sao"- ông Phạm Bồng bày tỏ. 
Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra, nêu rõ: Về  hỗ trợ gạo, đối với những hộ có tài sản bị trôi hoàn toàn, gia súc, gia cầm bị chết; lương thực bị hư hỏng không thể sử dụng thì hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng, trong vòng 3 tháng; đối với những hộ có tài sản bị trôi, gia súc, gia cầm bị chết, lương thực bị hư hỏng, thiệt hại (hoặc ngược lại) thì hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng, trong vòng 2 tháng; Đối với những hộ có nhà bị ngập nước, có tài sản bị hư hỏng, lương thực bị ướt nhưng sử dụng được thì hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, trong vòng 1 tháng

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong khi những hộ gia đình khó khăn, nhà cửa, tài sản bị ngập trong lũ không nhận được gạo hỗ trợ của Nhà nước, thì nhiều hộ gia đình khác cuộc sống khá hơn lại nhận được gạo cứu trợ! 

Đem thắc mắc chúng tôi lên hỏi UBND xã Tịnh An, tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Anh- Chủ tịch UBMTQ VN xã cho rằng: Chúng tôi muốn người dân "san sẻ", hộ dân nào có những phần quà hỗ trợ  từ những nguồn hỗ trợ khác rồi thì không được phát gạo mà nhường lại cho những hộ khác chưa nhận được gì! 

Trong khi đó, theo thừa nhận của ông Nguyễn Ngọc Anh thì, hầu hết những hộ nhận quà cứu trợ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện là hộ nghèo, hộ bị thiệt hại nặng trong lũ. 
 
 Đề xuất một đường, phát gạo một nẻo
 
Điều đáng nói, để nhận được gạo hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt của tỉnh, UBND xã Tịnh An lập danh sách cụ thể số khẩu nhận gạo hỗ trợ theo từng mức hỗ trợ gạo 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng của tỉnh. Theo đó, số khẩu nhận gạo hỗ trợ 1 tháng là 4.572 khẩu; số khẩu nhận gạo hỗ trợ 2 tháng là 656 khẩu; số khẩu nhận gạo hỗ trợ 3 tháng là 262 khẩu. Song, sau khi nhận được 30 tấn gạo về địa phương, UBND xã Tịnh An lại có cách làm "linh hoạt", phát gạo theo kiểu "bình quân" nhà nhiều khẩu cũng như nhà ít khẩu, nhà thiệt hại nặng cũng như nhà thiệt hại nhẹ và mỗi hộ chỉ nhận được 15kg gạo/hộ.
 
Với cách "cào bằng" này, ông Nguyễn Ngọc Anh- Chủ tịch UBMTTQ VN xã cho biết: Đến thời điềm này, xã đã phát gạo xuống hết cho người dân.
 
Danh sách đề nghị cụ thể, nhưng khi nhận gạo về, xã Tịnh An cấp gạo theo kiểu
Danh sách đề nghị cụ thể, nhưng khi nhận gạo về, xã Tịnh An cấp gạo theo kiểu "cào bằng"
 
 
Chúng tôi thắc mắc, tại sao trong danh sách đề nghị hỗ trợ gạo cho người dân xã Tịnh An bị thiệt hại trong lũ có mức hỗ trợ gạo 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng rõ ràng nhưng tại sao xã không cấp phát theo danh sách đề nghị lên trên? Ông Anh cho biết: Đây là chủ trương chung của xã, trong cuộc họp bàn về việc phân bổ gạo cứu trợ, Đảng ủy, Thường trực uỷ ban cũng như Bí thư chi bộ, Trưởng thôn và Trưởng ban công tác Mặt trận thôn thống nhất phân bổ đều cho nhân dân mỗi hộ 15kg.
 
"Tịnh An gần 2.400 hộ, qua đợt lũ lụt vừa rồi thực chất nhà nào cũng ngập, nhà nào cũng thiệt hại, nhưng thiệt hại đến mức không có gạo ăn, không còn gì hết thì lại không có, nên chúng tôi muốn "san sẻ" hết cho nhân dân, ai cũng có!"- ông Anh cho biết.
 
Cùng với đó, trong danh sách đề nghị mức hỗ trợ gạo 3 tháng, xã Tịnh An có 262 khẩu, tuy nhiên tại buổi làm việc với chúng tôi, ông Anh cho biết: Thực sự đối với Tịnh An, đối chiếu theo công văn của Chủ tịch UBND tỉnh đối tượng nằm trong mức hỗ trợ 3 tháng gạo chỉ có hộ bà Võ Thị Xuân ở thôn Ngọc Thạch. 
 
"Vậy số 262 khẩu đề nghị này ở đâu ra, địa phương báo cáo lên trên không đúng sự thật?"- Chúng tôi hỏi. Ông Anh đổ lỗi, do thôn báo cáo sai. 
 
 
Cách phát gạo theo kiều này khiến nhiều người dân bị thiệt hại nặng trong cơn lũ vừa qua bức xúc
Cách phát gạo theo kiều này khiến nhiều người dân bị thiệt hại nặng trong cơn lũ vừa qua bức xúc
 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Bình- Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: Từ khi cấp phát gạo xuống các địa phương, huyện chưa xuống kiểm tra nên vấn đề này huyện chưa nắm được, nếu có trường hợp như thế này, huyện sẽ kiểm tra, xử lý nếu địa phương không làm đúng theo chủ trương của tỉnh.
 
Cách chia gạo "không giống ai" của UBND xã Tịnh An rõ ràng đã đi ngược lại chủ trương của tỉnh. Nhiều hộ nghèo, bị thiệt hại thật sự trong đợt lũ vừa không được nhận đúng mức gạo hỗ trợ của tỉnh theo cách chia "san sẻ cùng nhau" của xã.
 
 
Bảo Ngọc

.