Tai nạn giao thông: Nỗi đau không của riêng ai

08:12, 27/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Tai nạn giao thông đã trở thành nỗi đaulớn của nhiều gia đình. Sau những vụ tai nạn giao thông, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào bi kịch. Người may mắn thì mang thương tật suốt đời để lại gánh nặng cho gia đình, người không may thì ra đi mãi mãi để lại những khoảng trống không gì bù đắp nổi cho người thân. Tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, mà là nỗi đau của cả xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Khi nói đến hoàn cảnh gia đình chị Bạch Thị Nở, tổ 21, phương Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi nhiều người không thể cầm được nước mắt bởi tình cảnh gia đình chị quá éo le. Từ một gia đình hạnh phúc, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến làm đảo lộn mọi thứ. Tai nạn đã cướp đi người chồng của chị, khiến các con chị phải mồ côi cha, và giờ đây tai nạn giao thông lại tiếp tục ập đến với chị. Chồng mất, giờ đây chị phải nằm một chỗ với cuộc sống thực vật, để lại hai đứa con bơ vơ, gia đình chị giờ rơi vào một bi kịch dường như không còn lối thoát.
 
Chị Bạch Thị Nở giờ sống trogn cuộc sống thực vật.
Chồng bị chết vì tai nạn giao thông, giờ đây chị Bạch Thị Nở phải sống trong cảnh thực vật suốt quãng đời còn lại cũng vì tai nạn giao thông.
 
 
Đã hơn 3 tháng sau khi chị Nở được Bệnh viện Đà Nẵng đưa về nhà để gia đình chăm sóc, song dường như bệnh tình của chị vẫn không tiến triển gì hơn. Trong căn nhà cấp 4 khá ẩm thấp chưa đầy 50m2 ở tổ 21, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, chị Nở nằm bất động dường như không còn cảm nhận được điều gì và mọi sinh hoạt của chị từ ăn uống, tắm rửa đều phải nhờ vào đứa con gái lớn là cháu Trần Bạch Thu Nguyệt (15 tuổi)  và những người thân, hàng xóm. 
 
Chị Lương Thị Thu Sương (chị dâu của chị Nở) không cầm được nước mắt cho biết, cách đây 3 tháng, ba mẹ con nó chở nhau ra Bệnh viện Quảng Nam để thăm một người cháu đang nằm viện tại đây. Trên đường về, khi đến đoạn đường xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn do trời tối nhìn không rõ đường nên xe của chị Nở đã không may bị sụp hố thoát nước ven đường. 
 
Hậu quả, cả ba mẹ con bị bất tỉnh nhân sự, người dân phát hiện đưa cả ba vào Bệnh viện Bình Sơn cấp cứu. Cháu Trần Bạch Thu Nguyệt (15 tuổi) bị gãy tai trái và gãy bả vai phải, cháu Trần Bạch Đạt Nhân (học lớp 3) bị thương ở vùng đầu, phải khâu 5 mũi; còn chị Nở thì bị đa chấn thương, hôn mê sâu, Bệnh viện Bình Sơn phải đưa ra Đà Nẵng để cấp cứu. 
 
“Tội nghiệp gia đình nó (chị Nở-PV), chồng mất cách đây 8 năm cũng do tai nạn giao thông. Giờ đến nó. Trước đây, vợ chồng nó rất hạnh phúc, hai vợ chồng hai đứa con, tuy nghèo nhưng hàng xóm bà con ai cũng thương vì rất hiền và thật thà. Hai vợ chồng không có công việc ổn định, làm thuê làm mướn nhưng cũng đủ sống qua ngày. Sau khi chồng bị tai nạn giao thông mất, mình nó ở vậy nuôi hai đứa con. 
 
Nó làm đủ thứ việc, ai thuê đâu làm đó từ phụ hồ, kiếm ve chai, rồi đến làm thuê, làm mướn. Tội nghiệp đứa con lớn, vì gia đình nghèo quá nên nó cũng nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê cho các quán cơm. Giờ nó nằm một chỗ thế này, tiền thuốc thang cũng không có, tội nhất là mấy đứa nhỏ không ai lo…” – Nói đến đây, chị Sương không thốt nên lời. 
 
Cũng như gia đình chị Nở, tai nạn giao thông không chỉ cướp đi đứa em ruột của bà Nguyễn Thị Đông, ở tổ 6, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, mà còn làm đứa con trai của bà bị thương nặng, phải sống cuộc sống thực vật những năm qua…
 
Bà Nguyễn Thị Đông, đau buồn kể lại, cách đây 4 năm, đứa con trai của bà là anh Lê Văn Thịnh (1987) sau khi tốt nghiệp cấp 3 chuẩn bị thi vào đại học, nó (Thịnh-PV) với cậu ruột rủ nhau đi xe máy vào Quy Nhơn để thăm đứa anh đang học trong đó. Đi nửa đường thì cả hai không may bị tai nạn giao thông, người cậu thì chết sau đó. Nó tuy được cứu sống nhưng bị chấn thương sọ não nặng. Bao nhiêu năm qua, nó cũng chỉ nằm một chỗ, không biết gì. Mọi sinh hoạt, ăn uống phải nhờ người khác. 
 
Còn trường hợp của gia đình anh Phan Phụng, ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh cũng tang thương không kém. Cũng như bao gia đình không may có người thân bị tai nạn giao thông khác, tai nạn  ập xuống khiến cuộc sống của gia đình anh bị đảo lộn. Anh đã mất đi người vợ tảo tần, chịu thương, chịu khó. Ba đứa con anh mồ côi mẹ khi tuổi còn quá nhỏ, anh phải một mình “gà trống nuôi con”,  nỗi đau không có gì bù đắp được.
 
Anh Phụng kể, nghề chính của hai vợ chồng chủ yếu là làm nông. Nhưng vợ anh có thêm nghề y tá, nên bà con ở gần mỗi khi đau ốm nhẹ cũng hay nhờ đến tiêm thuốc, truyền nước… Hôm ấy, cuối năm 2012, có người gọi điện nhờ vợ đi tiêm  thuốc, đi nửa đường thì không may bị một chiếc xe máy chạy với tốc độ cao tông vào. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng không qua khỏi. Nói đến đây, hai mắt anh rưng rưng vì thương nhớ người vợ của mình.
 
 
Một vụ tai nạn giao thông làm một người chết xảy ra đầu năm 2013 tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
Một vụ tai nạn giao thông làm một người chết xảy ra đầu năm 2013 tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh.
 
Trên đây chỉ là 3 trong vô số hàng ngàn trường hợp gia đình có người không may bị tan nạn giao thông. Chứng kiến những thảm cảnh như trên mới có thể thấu hiểu được hậu quả khủng khiếp của TNGT. Ngoài những trường hợp tử vong thì hầu hết đều để lại di chứng ở các mức độ khác nhau.
 
Không dừng lại ở đó, nhiều trường hợp tai nạn giao thông, gia đình phải khánh kiệt vì lo chi phí chữa trị cho người thân bị TNGT. Sau tai nạn, nạn nhân lại mất sức lao động và trở thành gánh nặng. Nhiều nạn nhân là lao động chính trong nhà càng khiến tình hình kinh tế gia đình người bị nạn thêm bi đát.
 
Ông Đỗ Tiến Đạt- Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh văn phòng Ban ATGT Quảng Ngãi cho biết, tai nạn giao thông giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, mà là nỗi đau của cả xã hội. Để giảm thiểu TNGT thì ngoài việc cải thiện hạ tầng giao thông thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người tham gia giao thông. 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.