Đưa phong bì cho bác sĩ: Phạt tới 30 triệu đồng!

08:12, 31/12/2013
.

Từ ngày 31.12, 5 loại vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ký ngày 14/11 sẽ chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý là phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa nhận, môi giới hối lộ trong khám chữa bệnh.
 

(Ảnh minh họa: alobacsi.vn)
(Ảnh minh họa: alobacsi.vn)



Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm hành chính trong 5 lĩnh vực: vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế; vi phạm các quy định về dân số. Mức phạt tối đa cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và gấp đôi đối với tổ chức.

Đáng chú ý là tại mục 2, điều 28, điểm 4 khoản a của Nghị định quy định: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000 đồng đối với một số hành vi đưa nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, trước thực trạng phong trào “Nói không với phong bì” không hiệu quả, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Y tế cho rằng cần phân biệt việc đưa phong bì trước và sau khi điều trị. Nữ Bộ trưởng khẳng định bệnh nhân đang ốm đau mà bác sĩ nhận tiền trước khi điều trị là có vấn đề. Còn “Văn hóa Viêt Nam… việc đưa quà biếu sau điều trị đó là tấm lòng của người bệnh” và do đó không cấm bác sĩ nhận quà sau điều trị.

Như vậy, việc đưa nhận phong bì trước, trong hay sau quá trình chữa bệnh với số tiền chưa đến mức truy cứu hình sự đều sẽ bị xử lý với mức phạt khá lớn.

Một điểm đáng chú ý khác của Nghị định này là phạt tới 30 triệu cho hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền”.

Ngoài ra, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền 10 - 15 triệu đồng nếu không chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp khi tình trạng người bệnh vượt quá khả năng chuyên môn.

Trong lĩnh vực vắc xin, Nghị định quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 -500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trong bối cảnh nhiều ca tai biến sau khi tiêm vắc xin như Quinvaxem, vắc xin viêm gan B.

Theo Nhân Hà (Dân trí)

 


.