Chuyển biến tích cực trong chính sách BHYT

03:12, 19/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh ta có những chuyển biến tích cực. Người dân bắt đầu nhận thức rõ quyền và trách nhiệm khi tham gia BHYT, nên số người tham gia hằng năm không ngừng tăng lên.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2010, toàn tỉnh có hơn 700 ngàn người tham gia BHYT, nhưng đến 30.9.2013 có 812.752 người tham gia, chiếm khoảng 66% dân số toàn tỉnh. So với bình quân chung cả nước thì tỷ lệ này còn thấp, nhưng với một tỉnh như Quảng Ngãi, đời sống kinh tế của người dân còn nghèo thì đây là một tín hiệu đáng mừng. Đối tượng tham gia BHYT tự nguyện cũng tăng đáng kể, năm 2010 có 32.790 người tham gia và đến nay có 71.608 người, tăng gần 2,2 lần; đối tượng cận nghèo năm 2010 có 2.803 người  tham gia và nay có 13.355 người, tăng hơn 4,7 lần...

Từ đầu năm đến nay đã thanh toán chi phí KCB nội, ngoại trú cho hơn 1,2 triệu lượt người, với gần 200 tỷ đồng. Chứng tỏ rằng, người dân ngày càng tin tưởng hơn vào chính sách BHYT. Ngành BHXH và Y tế luôn có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi cho đối tượng tham gia. BHYT đã giúp không ít người bị ốm đau, bệnh tật phải điều trị chi phí cao, từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Thực tế đó đã góp phần làm chuyển  biến nhận thức của người dân.

Bà Võ Thị Anh, một người dân ở huyện Bình Sơn chia sẻ: Lâu nay tôi không mua BHYT vì thấy mình vẫn còn khỏe mạnh. Tuy nhiên năm nay tôi quyết định dành dụm tiền để mua vì lo sợ không biết bệnh tật sẽ đến lúc nào. Nếu bị bệnh nặng không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị...  Còn ông Trần Duy Việt, ở Mộ Đức thì cho biết ông bị suy thận và đã chạy thận hơn 6 năm tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, trung bình 1 tuần lọc máu 3 lần và tiến hành từ 4- 6 tuần/đợt điều trị. Trung bình 1 đợt điều trị khoảng 10 triệu đồng. Thời gian đầu chưa tham gia BHYT ông gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nay có thẻ BHYT đã giúp ông giải quyết gánh nặng về kinh phí. Cùng chạy thận như ông Việt, chị Trần Thị Minh Phúc ở TP. Quảng Ngãi thì cho biết, nếu không có thẻ BHYT, chắc chắn những bệnh nhân như tôi sẽ không bám trụ nổi với căn bệnh này...

Ông Trương Văn Nam-Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Sau khi Luật BHYT ra đời và có hiệu lực, công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT được địa phương quan tâm và chỉ đạo thực hiện tốt. Về phía BHXH tỉnh cũng đã chủ động phối hợp kịp thời với các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai Luật BHYT đến với đông đảo các tầng lớp dân cư và tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật BHYT dưới nhiều hình thức khác như: Phối hợp với Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên mục về BHYT; cùng với các sở, ngành tham gia đối thoại trực tiếp về chính sách BHYT đối với người nghèo tại một số huyện; triển khai thí điểm BHYT tại 2 xã Bình Trung (Bình Sơn) và Hành Thịnh (Nghĩa Hành).

Đồng thời chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tập trung, phối hợp tuyên truyền về chính sách BHYT tại cơ sở... Đặc biệt, năm 2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện và quy định cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan. Điều này có tác động tích cực đến việc triển khai và mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn...

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối tượng bắt buộc, chủ sử dụng lao động luôn tìm cách trốn tránh đóng BHYT cho người lao động; đối tượng cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ từ 50% lên 70% từ năm 2012 nhưng số người tham gia vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp so với kế hoạch phê duyệt của UBND tỉnh, cá biệt có nơi người dân chưa biết mình thuộc diện ưu tiên để tham gia.

Hộ làm nông-lâm-ngư nghiệp và diêm nghiệp năm 2012 là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT và được Nhà nước hỗ trợ  30% mức đóng đối với hộ có mức sống trung bình, nhưng do chưa có hướng dẫn của các cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT hiện nay do nhiều ngành quản lý, chưa tập trung vào một đầu mối nên không có sự kiểm soát trong khâu lập danh sách dẫn đến tình trạng trùng thẻ BHYT vẫn còn xảy ra. Trong công tác KCB BHYT, có lúc, có nơi người dân còn phàn nàn về thái độ phục vụ của các y, bác sĩ...

Những vấn đề tồn tại nêu trên cần có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan.  Có như vậy mới góp phần thực hiện hoàn thành lộ trình tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh theo đúng chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đề ra.

Hồ Thủy

 


.