Cảnh báo cháy nổ tàu thuyền

01:12, 03/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nói đến cháy nổ, người ta nghĩ ngay đến chợ, nhà máy, khu chế xuất... chứ hiếm khi nhắc đến tàu thuyền của ngư dân. Lý do, ngư dân sống với biển. Mà ở giữa biển nước mênh mông như thế, cháy nổ là chuyện "hiếm". Nhưng sự thật không phải vậy…

TIN LIÊN QUAN


“Ở dưới nước, dễ gì cháy”

Cầm trịch con tàu công suất 380CV ra vào ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nhiều năm, nhưng không bao giờ anh Đinh Văn Giàu - đội viên Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Lý Sơn ngờ rằng có một ngày tàu bị cháy. Đó là ngày 25.4.2013. Chuyện tàu cháy cũng chẳng có gì lạ. Chỉ lạ là vì sao giữa biển nước mênh mông ấy, ngọn lửa vẫn bốc cháy ngùn ngụt.

 

Ngoài hầm nhiên liệu, trên tàu còn có bình gas, quần áo và đồ gia dụng-những vật dễ bén lửa.
Ngoài hầm nhiên liệu, trên tàu còn có bình gas, quần áo và đồ gia dụng-những vật dễ bén lửa.


Nhớ lại thời khắc kinh hoàng ấy, anh Giàu bảo rằng: “Ai cũng nghĩ, trên biển hễ lửa bén là với tay có nước dội liền. Đâu ngờ…”. Cái “đâu ngờ” ấy chính là việc được "ngâm" trong nước, nhưng tàu vẫn bị lửa thiêu với tốc độ rất nhanh. Lý do, ngoài thân tàu là gỗ - vật dễ bắt lửa, thì số dầu dự trữ trên ấy cũng là mối nguy cơ lớn, dù nước ở ngay trước mặt và nhiều vô kể, cũng đành bất lực. “Quả thật lúc ấy, tụi tôi bó tay. Chỉ lo tìm cách lai mấy chiếc tàu ở bên cạnh ra xa để khỏi bị cháy lây", ngư dân Bùi Lý cho hay.

Sau vụ tàu của anh Đinh Văn Giàu bị cháy ngay tại khu neo đậu, nhiều ngư dân cũng chột dạ. Nhưng sự chột dạ ấy cũng mau tan biến khi họ biết nguyên nhân khiến tàu anh Giàu cháy là do chập điện. Tức là vì kém may mắn, hay do chủ tàu bất cẩn chứ chẳng có gì đáng ngại lắm.

Thế nên, dù ra vào ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và cả Philippines, Indonesia như đi chợ, nhưng chủ tàu Bùi Lý - đội viên Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) vẫn không nghĩ đến chuyện trang bị các thiết bị phòng, chống cháy nổ. Mặc dù trên con tàu có công suất 375CV ấy, ngoài 10 anh em đi bạn, bộ ngư lưới cụ trị giá hơn trăm triệu đồng còn 10 tấn dầu là vật dễ bắt lửa. Biết thế, nhưng ông Lý vẫn rất vô tư và tự tin nói rằng: “Tui cẩn thận lắm. Với lại điện lẫn hầm chứa dầu của tàu đều tuyệt đối an toàn, nên chuyện cháy nổ là… không thể! Nếu có chỉ là do quá… xui rủi mà thôi!”.

Chủ quan, bất cẩn sẽ mất tất cả

Xác định hầm chứa nhiên liệu quyết định đến sự sống của người lẫn tàu nên ngư dân cũng rất chăm chút, bảo vệ. Thế nhưng, sự quan tâm ấy cũng chỉ dừng lại ở mức thăm nom, kiểm tra van sau khi đóng mở, chứ nó chưa được trang bị chiếc “áo giáp” bảo vệ. Đó là ý thức của chủ tàu. Bởi ngoài hầm chứa nhiên liệu, trên tàu còn có rất nhiều vật dễ phát và bén lửa như hệ thống điện, bình gas nằm lăn lóc trên boong tàu; rồi quần áo, đồ gia dụng.

Chỉ cần một sự cố rất nhỏ như của tàu anh Đinh Văn Giàu, hậu họa thật khó lường. Nhất là khi giặc lửa tấn công giữa lúc tàu đang lênh đênh trên biển, thì thiệt hại sẽ không dừng lại ở việc cháy phương tiện, rụi tài sản. Hiểm nguy, rủi ro là thế nhưng dường như phần lớn ngư dân vẫn rất chủ quan.

Ngoài thờ ơ trong việc trang bị thiết bị phòng chống cháy nổ, chủ tàu cũng lơ luôn việc mua bảo hiểm (BH) cháy nổ. Vì nói như ngư dân Hàn Văn Nguyên, xã An Hải (Lý Sơn) thì: “Dễ gì tàu cháy mà phải mua bảo hiểm. Phí !”. Hẳn vì lý do này mà hiện giờ, hầu hết đội viên của Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Lý Sơn nói riêng, chủ tàu trong tỉnh nói chung chưa hề nghĩ đến chuyện sẽ mua BH cháy nổ. Thậm chí nhiều người còn dứt khoát không sắm bình chữa cháy, cũng chẳng cần BH vì… tàu mình công suất lớn, thiết bị liên lạc hiện đại!

Lý giải sự tự tin thái quá của các chủ tàu, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải Mai Văn Có bảo rằng, đó là vì họ chủ quan, lại tiếc tiền. “Mà thú thật, cả chúng tôi cũng chưa quan tâm lắm đến vấn đề này”, anh Có thừa nhận. Chẳng thế mà hiện giờ, ban lãnh đạo nghiệp đoàn đã chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động chủ tàu chú ý đến chuyện phòng, chống cháy nổ trên tàu từ việc phòng bị như sắm trang thiết bị, thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện và hầm chứa nhiên liệu đến mua BH cháy nổ... Có lẽ đây cũng là cách mà chính quyền các địa phương ven biển nên áp dụng để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân nhằm giảm thiểu những thiệt hại không đáng có do hỏa hoạn gây ra.   


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.