Tan nát vùng rốn lũ Nghĩa Hành

06:11, 16/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Huyện Nghĩa Hành là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trong cơn lũ lịch sử đêm 15.11. Đến chiều 16.11, nhiều vùng của xã Hành Tín Tây, Hành Thiện vẫn còn chia cắt với bên ngoài. Trong ngày 16.11, phóng viên báo Quảng Ngãi điện tử đã tiếp cận được với những địa phương còn chia cắt của huyện Nghĩa Hành.

TIN LIÊN QUAN


Hoang tàn sau lũ

Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể tiếp cận được với vùng lũ còn chia cắt của huyện Nghĩa Hành. Bởi mọi phương tiện hầu như không thể tiếp cận được và cuối cùng phải nhờ tới ca nô của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Theo UBND huyện Nghĩa Hành thì các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành được xem là bị thiệt hại nặng nhất, bởi 100% nhà cửa của các xã trên đều bị ngập chìm trong nước từ 3-5 mét nước.

 

Thôn Tân Phú I, xã Hành Tín Tây sau lũ
Thôn Tân Phú I, xã Hành Tín Tây sau lũ


Sau lũ, đường về làng xóm toàn bùn non ngập đến tận đầu gối. Nước rút đến đâu, cảnh xơ xác, hoang tàn hiện ra đến đó. Xác trâu, bò, heo, gà nằm lẫn lộn với tủ, giường, bàn, ghế vất vưởng khắp nơi trước cái nhìn bất lực của nhiều người. Xót của, nhiều gia đình cố đào bới với hy vọng nhặt nhạnh những gì còn xót lại.

Đến bây giờ, người dân vùng lũ các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành vẫn chưa hết bàng hoàng khi phải chứng kiến một cơn lũ rất mạnh bất ngờ ập đến trong đêm 15.11. Sau lũ, làng xóm xác xơ tiêu điều, nhiều gia đình bỗng chốc trắng tay.

Ngay cả những bậc cao niên, dù đã từng chứng kiến nhiều cơn lũ trong đời nhưng họ cũng không khỏi bất ngờ với cơn lũ trong đêm 15.11. Nước sông dâng cao từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về kéo theo bùn đất ập thẳng vào xóm làng, khiến nhiều người không kịp nhìn tài sản, vật nuôi của gia đình cuốn xuôi theo dòng nước đục ngầu.


Ông Trần Văn Dần, thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện cho biết, chưa khi nào thấy một trận lũ lớn và hung dữ như trận lũ đêm 15.11. Chỉ trong mấy chốc, lũ cuồn cuồn tràn vào nhà rồi cuốn phăng ngôi nhà cùng những vật dụng của ông. “Nếu tôi không kịp di chuyển lên ngôi nhà cao phía trên thì chắc cũng đã bị lũ cuốn trôi, hoặc bị ngôi nhà ngã đè chết”- Ông Dần nói.

>> Xem thêm: Những hình ảnh từ vùng rốn lũ

Đến giờ, nét hốt hoảng vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của người dân thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, bởi cơn lũ đến quá đột ngột, khiến họ không kịp trở tay, dù rằng, họ đã được địa phương cảnh báo, nhắc nhở trước khi lũ về.

Bà Trần Thị Hòa, thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây nói: Lũ lên nhanh quá, nhiều người đã di dời lên nhà trên cao gần núi, những vẫn không tránh khỏi, bởi nước ngập hết 2/3 nhà, nhiều người phải dỡ nóc nhà ngoi đầu lên. Còn những ngôi nhà phía dưới thấp thì lũ ngập tới nóc. Chỉ cần lũ lớn thêm nửa mét nữa thôi thì chắc nhiều người dân không sống nổi.

Chỉ tay về dãy núi đất có nhiều vết nứt lở phía sau nhà, bà Hòa nói thêm: Nếu chẳng may ngọn núi ấy đổ ập xuống thì có lẽ tính mạng của những người dân nơi đây giờ đã trôi theo dòng nước bạc. Bởi lúc ấy, người dân đã gần như bất lực hoàn toàn, tiến thoái lưỡng nan.

Trắng tay sau lũ

Về các xã khu Tây huyện Nghĩa Hành, nhìn nhà cửa, ruộng vườn của nhà dân thật hoang tàn. Hầu như nhà nào cũng bị thiệt hại nặng sau trận lũ kinh hoàng đêm 15.11, nhiều gia đình trở nên trắng tay, bởi mọi vật dụng trong gia đình, rồi trâu bò, gà vịt bị chết và trôi theo dòng nước lũ.

 

Nhiều ngôi nhà bị san phẳng sau một đêm.
Nhiều ngôi nhà bị san phẳng sau một đêm chỉ còn trơ gạch.


Ông Nguyễn Diên Ý, thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây là một trong những hộ nghèo của xã. Tài sản  lớn nhất của gia đình ông  là con bò đực trị giá gần 40 triệu đồng. Thế nhưng trận lũ đêm 15.11, đã khiến con bò của ông bị chết do nước lũ quá lớn. Tiếc của, sáng 16.11, ông và nhiều người dân trong xóm đành xẻ thịt con bò vừa chết tối qua để bán mong kiếm lại được đồng vốn. Không chỉ riêng ông, mà nhiều hộ dân trong thôn cũng có bò bị hoặc chết trong đêm.


Như trường hợp của anh Võ Đình Tâm, thôn Tân Phú 1. Gia đình anh có hai con bò, trị giá trên 40 triệu đồng. Tối 15.11, do nước lũ lên cao quá nhanh, anh chỉ kịp đưa gia đình lên trên núi tránh lũ nên anh đã không kịp thu dọn vật dụng trong nhà và đưa hai con bò lên cao. Sáng hôm sau, khi lũ rút trở về nhà thì thấy nhiều vật dụng bị cuốn trôi, hai con bò cũng không còn. Từ sáng giờ, anh và nhiều nhà dân đi tìm khắp nơi nhưng  không thấy. “Bò nó bơi giỏi và rất khôn, nếu lũ không chảy xiết thì nó sẽ bơi lên núi. Chỉ sợ lũ hôm 15.11 chảy quá xiết nên bò không thể bơi được”- anh Tâm nói.

Ông Nguyễn Văn Như- Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây cho biết, đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên cũng rất may là ngay trong chiều 15.11, xã đã huy động 15 ghe của xã và người dân khẩn trương đưa những hộ dân ở những ngôi nhà thấp đến trú ở những ngôi nhà cao tầng và trụ sở UBND xã. Nhờ vậy mà xã không bị thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản thì quá lớn. Phần lớn các nhà dân trong xã, nhất là thôn Tân Phú 1, Tân Phú 2 bị ngập nặng. Nhiều gia đình bị trắng tay sau lũ.

Cứu trợ khẩn cấp

Tính đến chiều 16.11, mặc dù nước lũ đã rút nhưng xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành vẫn còn bị cô lập. Ngay trong ngày 16.11, lực lượng chức năng của tỉnh, huyện đã triển khai phương án cứu trợ khẩn cấp cho các xã bị cô lập.

 

Lực lượng độ đội vận chuyển mì gói, nước uống cho những vùng bị cô lập.
Lực lượng độ đội vận chuyển mì gói, nước uống cho những vùng bị cô lập.


Ông Lữ Đình Phô- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, trong đêm 15.11, lũ lên nhanh, nhiều địa phương của huyện hầu như không thể liên lạc được. Sáng 16.11, sau khi nhận thông tin các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện vẫn còn bị cô lập nên huyện đã triển khai các phương án để cứu trợ cho vùng bị cô lập.

Trước mắt, huyện đã chỉ đạo xã phải khẩn trương khắc phục, cứu trợ tại chỗ cho nhân dân trong xã. Huyện yêu cầu viện trợ của tỉnh để nhanh chóng cứu trợ cho người dân trong vùng bị chia cắt. Trong sáng 16.11, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng đã huy động lực lượng tiến hành tiếp cận vùng bị cô lập và cứu trợ khẩn cấp cho người dân, trước mắt là mì tôm và nước uống.



Bài, ảnh: M.Toàn
 


.