Sớm đưa Đề án 554 vào cuộc sống

07:11, 15/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 554 về việc “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” (gọi tắt là Đề án 554) đến nay đã 4 năm, nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa thực hiện hoàn thiện đề án này. Việc chậm xây dựng và triển khai thực hiện đề án đã có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số...

Ngày 4.5.2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 554 nhằm mục tiêu: Tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật đã lựa chọn thông qua các hình thức phù hợp cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là đề án nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Mục tiêu của đề án nhắm vào đối tượng là người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hai đối tượng ít có điều kiện được tiếp cận kiến thức pháp luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật nên rất dễ có những hành vi vi phạm pháp luật.

 

 Học sinh Trường THPT Ba Tơ vẫn ngang nhiên đi xe máy đến trường và chở quá số người quy định.                                         Ảnh: B.S
Học sinh Trường THPT Ba Tơ vẫn ngang nhiên đi xe máy đến trường và chở quá số người quy định. Ảnh: B.S


Một số cán bộ làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp ở huyện Sơn Tây và Sơn Hà cho biết, nếu cán bộ, người dân được tiếp cận thường xuyên với văn bản pháp luật thì việc bảo vệ rừng, cũng như chấp hành các quy định của pháp luật sẽ hiệu quả hơn.

Theo đề án, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phát triển nông thôn, chính sách dân tộc, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình... là những thuận lợi cơ bản để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước...

Bà Bùi Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Tình trạng tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, vi phạm Luật Giao thông, phá rừng phòng hộ, khai thác khoáng sản trái phép... là những vấn đề đang nóng ở nhiều khu vực nông thôn, miền núi. Do đó, việc Sở NN& PTNT chậm tham mưu cho tỉnh xây dựng và triển khai Đề án 554 ngày nào sẽ tạo gánh nặng cho xã hội. "Cơ hội để cán bộ ngành nông nghiệp tiếp cận kiến thức pháp luật liên quan đến ngành nông nghiệp đã bị trôi qua trong 4 năm qua. Đây là một thiệt thòi không đáng có", bà Thủy khẳng định.

Mục tiêu của Đề án là vậy, nhưng tại sao đến nay Quảng Ngãi chưa triển khai thực hiện? Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho rằng, nguyên nhân giai đoạn 2009 - 2012, Quảng Ngãi triển khai thực hiện Đề án 554 của Thủ tướng chậm. Thêm vào đó, Bộ Tài chính chậm bố trí kinh phí thực hiện, mức chi cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để hỗ trợ tuyên truyền viên, báo cáo viên quá thấp so với thực tế...

Đã vậy, tài liệu biên soạn của Ban điều hành Đề án 554 của Trung ương chưa phát hành về cho các địa phương để thống nhất nội dung phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số theo đề án. Mặt khác, do Sở lúng túng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo của tỉnh cũng như xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án tại địa phương; các sở, ngành thuộc hợp phần đề án chưa có biên chế, nguồn nhân lực có chuyên môn để tham mưu cho công tác này.

Công tác TTPBPL chiếm vị trí hết sức quan trọng trong việc thực hiện luật pháp, nhất là đối với nông dân và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện số đối tượng này chiếm gần 80% dân số toàn tỉnh. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra theo Đề án 554, các cấp, các ngành phải không ngừng đổi mới cách tuyên truyền; đồng thời xác định rõ trách nhiệm, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả của đề án.


Lý Sơn
 


.