Diện mạo mới ở Sơn Tinh

07:11, 11/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sơn Tinh (Sơn Tây) là một xã miền núi thuộc diện xã nghèo, bốn bề núi rừng giăng kín, giao thông đi lại hết sức khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thế nhưng, từ hơn 3 năm qua vùng đất này đã thay da đổi thịt từng ngày.

Cũng như những xã nghèo miền ngược, bao đời nay người đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Tinh vẫn chỉ biết bám víu lấy núi rừng, thửa ruộng bậc thang manh mún để mưu sinh. Vì thế, cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết lấy họ hết tháng này qua năm nọ. Tưởng chừng điều ấy sẽ chẳng bao giờ “buông tha” cho vùng đất nơi miền cao ít mưa nhiều nắng này. Nhưng rồi, kể từ ngày cây keo lai nguyên liệu có giá thì cũng là lúc họ bớt đi  nỗi lo đói nghèo.

 

Trường THCS Sơn Tinh được đầu tư xây dựng mới rất khang trang.
Trường THCS Sơn Tinh được đầu tư xây dựng mới rất khang trang.


Ngày lại ngày lên rừng phát quang cây tạp trồng keo và bỗng chốc những đồi trọc ngày nào được phủ một màu xanh ngút ngàn của cây keo, một màu xanh của no ấm. “Cây keo đã mang lại cho vùng đất này một sự đổi thay lớn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, hiện còn 290/577 hộ nghèo. Mặc dù tỷ lệ trên còn cao, nhưng tôi tin rằng, với số diện tích keo rất lớn đang chuẩn bị thu hoạch trong nay mai thì tỷ lệ hộ nghèo sẽ tiếp tục giảm xuống”, ông Phan Tấn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh nói.

Hiện toàn xã có hơn 1.000 ha keo nguyên liệu các loại, trong đó phần lớn đang chuẩn bị thu hoạch. Chính quyền xã vào cuộc tuyên truyền định hướng và hỗ trợ kỹ thuật, còn người dân thì từ bỏ dần ý thức ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Gia đình anh Đinh Văn Nhe là một hộ nghèo thuộc diện đặc biệt của xã. Thế nhưng, từ khi được địa phương hỗ trợ kỹ thuật cũng như ý thức được việc thoát nghèo, anh đã cùng vợ vào rừng phát rẫy trồng keo. “Nhờ keo mà tôi có tiền xây nhà, mua xe máy, ti vi rồi cho con ăn học. Với 4ha keo sắp cho thu hoạch trong hai năm nữa tôi sẽ có thu nhập gần 200 triệu đồng” – anh Nhe tâm sự.

 Nguồn thu từ cây keo đã thực sự góp phần nâng cao đời sống và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Sơn Tinh. Những con đường trước đây gồ ghề và nhỏ xíu xuyên qua những cánh rừng rậm thì nay đã được mở rộng thông thoáng và nhựa hóa. Đồng hành cùng những con đường mới là những ngôi nhà kiên cố mọc lên; trường học trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Trong đó, Trường THCS Sơn Tinh đang hướng đến đạt chuẩn Quốc gia vào năm học 2014-2015.

Với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 6 triệu đồng/năm và người dân vùng cao này đã ý thức được việc thoát nghèo vươn lên làm giàu. Chính quyền địa phương đang vận động người dân áp dụng  những mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây keo, cau. Theo ông Đức, bên cạnh việc hỗ trợ người dân phương thức làm kinh tế rừng, cuối năm nay xã sẽ tiến hành phát cây xà cừ và bời lời giống cho người dân trồng thí điểm. Quy hoạch lại đồng ruộng để tổ chức sản xuất đại trà, cũng như đầu tư các tuyến kênh mương nội đồng dẫn nước tưới từ các suối về chân ruộng để đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. “Tôi tin rằng với nội lực hiện có và những định hướng, đầu tư đúng của chính quyền các cấp, chỉ trong thời gian ngắn nữa xã Sơn Tinh sẽ thoát nghèo”, ông Đức tâm sự.


Bài, ảnh: L. ĐỨC
 


.