Cập nhật: Người dân Quảng Ngãi ứng phó với siêu bão Haiyan

02:11, 09/11/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Người dân các địa phương trong tỉnh đang hối hả chạy đua với thời gian để ứng phó với siêu bão Haiyan. Trong cảm giác lo lắng, người gia cố nhà cửa, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, neo đậu chắc tàu thuyền, người thì tích trữ lương thực, thực phẩm...

TIN LIÊN QUAN

Bình Sơn: Người dân an tâm ở nơi sơ tán

Theo phóng viên Thanh Phương đang trực tiếp có mặt tại Bình Sơn cho biết: Đến tối 9.11, toàn bộ nhân dân nằm trong vùng nguy hiểm đã di chuyển đến nơi sơ tán theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tuy ở một nơi không phải là nhà, nhưng họ rất an tâm khi tính mạng không còn bị đe dọa bởi cơn bão mạnh. (Xem chùm ảnh An tâm ở nơi sơ tán). Cũng trong tối 9.11, Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng đã đi thăm một số điểm sơ tán dân tránh bão Haiyan tại huyện Bình Sơn. Đi cùng đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô.

Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó bão Haiyan tại xã Nghĩa An và Nghĩa Phú

Phóng viên Ngọc Đức đưa tin: Chiều 9.11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão số Haiyan tại 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (Tư Nghĩa).

Đến thời thời điểm này, để chủ động đối phó với cơn bão Haiyan, xã Nghĩa Phú đã dự trữ 3 tấn gạo, 100 thùng mì, 50 thùng nước khoáng và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men để cung cấp cho người dân phải di dời tránh bão.
 
Toàn xã Nghĩa Phú có 145 hộ ở 4 thôn được xác định phải di dời, trong đó đặc biệt nhất là là 76 hộ với 379 khẩu 2 thôn Cổ Lũy Nam và Cổ Lũy Làng Cá phải di dời khẩn cấp.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa chỉ đạo các địa phương triển khai khẩn trương các công tác phòng chống bão Haiyan
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa chỉ đạo các địa phương triển khai khẩn trương các công tác phòng chống bão Haiyan
 
 
Đối với xã Nghĩa An, chính quyền địa phương đã rà soát tất cả 3.876 cần di dời ra khỏi địa bàn xã. Đến 17 giờ chiều nay, xã Nghĩa An kết thúc di dời dân và tàu thuyền. Các trường học  trên địa bàn cũng đã chuẩn bị sẵn để di chuyển dân vào tránh trú. Chính quyền địa phương cũng đã kêu gọi tàu thuyền đến các khu vực tránh trú bão an toàn.
 
Chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa lưu ý các địa phương, không được chủ quan lơ là, thật sự tập trung cho công tác phòng chống để hạn chế đến mức thấp nhất về tài sản, tính mạng của nhân dân. Cán bộ địa phương phải làm hết sức mình, cung cấp thường xuyên các thông tin mới nhất về bão số 14 xuống tận hộ dân bằng tất cả các phương tiện sẵn có. 
 
Đồng thời, chính quyền địa phương phải quản lý chặt tàu thuyền, tiếp tục rà soát một lần nữa về toàn bộ tàu thuyền đang neo đậu để tránh thiệt hại do va đập lẫn nhau trong bão, buộc ngư dân phải rời khỏi tàu cá; chặt tỉa cành cây để hạn chế ngã đỗ...

 

Người dân Nghĩa An di dời trú bão đến nơi an toàn
Người dân Nghĩa An di dời trú bão đến nơi an toàn
 

>> Xem thêm bài viết: Người dân vào nhà nghỉ, khách sạn tránh bão Haiyan

Lý Sơn sẵn sàng ứng phó với bão

Theo CTV Văn Mịnh, tại huyện đảo Lý Sơn gió bão đang mạnh lên, công tác phòng chống bão đang được chính quyền và nhân dân khẩn trương thực hiện. Việc neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa, di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm... dang được gấp rút triển khai và công việc này sẽ hoàn thành vào lúc 17 giờ chiều 9.11.

 

 

 
Khoảng từ đêm nay (9/11) vùng biển và vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội. Cần đề phòng sạt lở vùng ven biển và nước biển dâng tác động với thủy triều kết hợp với sóng biển cao khoảng từ 8 - 12 m.
Trong đất liền sẽ có gió cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, giật cấp 14, cấp 15 và có mưa to đến rất to. Cần đề phòng xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở núi và ngập úng nơi vùng trũng. 
 

Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải, gần 400 phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn, trong đó có gần 40 phương tiện tàu cá đang khai thác hải sản tại ngư trường Trường Sa cũng đã kịp chạy về cập đảo tìm nơi tránh trú an toàn.

Xác định bão số 14 có  khả năng đổ bộ trực tiếp vào đảo Lý Sơn vào tối và rạng sáng mai 10.11, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Lý Sơn đã khẩn trương họp bàn để có biện pháp đối phó với bão, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động chằng chống nhà cửa.

Các địa phương còn tổ chức đoàn phân công lực lượng xuống địa bàn để kiểm tra, đôn đốc theo dõi, nắm tình hình công tác phòng chống bão, tổ chức di dời trên 40 hộ dân sống ở các vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao về nơi tránh trú an toàn, đảm bảo về tài sản cũng như tính mạng cho người dân khi mưa bão đổ bộ vào đảo trong đêm tối.

Ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, đến thời điểm này công tác phòng chống bão tại địa bàn huyện đảo đã cơ bản hoàn tất, toàn bộ tàu cá đã vào nơi neo đậu an toàn, gần 4.000 nhà dân đã được chằng chống đảm bảo, việc di dời dân ra khởi vùng nguy hiểm đến 17 giờ ngày 9.11 sẽ hoàn tất. Vào lúc 15 giờ tại đảo Lý Sơn đã có gió  cấp 6 giật cấp 7, sóng biển cao từ 1 -1,5 mét, trời có mưa.

Để tránh thiệt hại do siêu bão Haiyan (bão số 14), các địa phương ven biển ở huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa cũng đã khẩn trương tổ chức các lực lượng tuyên truyền cho người dân chằng chống nhà cửa và chuẩn bị sơ tán khi bão vào, chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn và trực sẵn sàng cứu nạn khi có lệnh. (Xem chi tiết bài phản ánh "Các địa phương ven biển chuẩn bị ứng phó với siêu bão Haiyan")

 

Mộ Đức: Sẵn sàng mở cửa xả các hồ

Từ Mộ Đức, phóng viên Lê Đức cho biết: Mưa lớn liên tiếp nhiều ngày qua khiến cho mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Mộ Đức dâng cao và có nguy cơ tràn thân đập. Các hồ chứa nước Hóc Mít, Hóc Sằm đã được duy tu bảo dưỡng tốt, thì hồ chứa nước Đá Bàn, trên địa bàn thôn 7, xã Đức Tân, luôn tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập cao do hồ được thi công khá lâu và năm 2011 từng xảy ra sự cố nước tràn qua vai phía bên phải thân đập, gây ra tình trạng sạt lở đe dọa tính mạng hàng trăm người dân ở vùng hạ lưu.
 

Mực nước trong hồ chứa nước Đá Bàn đang tăng cao, nhiều điểm đã mấp mé thân đập.
Mực nước trong hồ chứa nước Đá Bàn đang tăng cao, nhiều điểm đã mấp mé thân đập.

 

Trước tình hình trên, sáng 9.11, UBND xã Đức Tân, Trạm quản lý thủy nông Mộ Đức đã tiến hành xả tràn ở bờ tràn chính nhằm giảm tải lượng nước đang có trong hồ nhằm tránh tình trạng hồ bị vỡ do nước trên nguồn về nhiều. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đưa xe cơ giới đến hiện trường khơi thông một đoạn bờ đê phụ ở thân đập phía nam. “Một khi nước trong hồ tăng lên đột biến, cửa xả chính không thể xả hết lượng nước đang có thì xe cơ giới sẽ đào đứt một đoạn thân đập để xả nước. Đây là giải pháp bất khả kháng thôi chứ chẳng có cách nào khác” – ông Tạ Văn Đôn, Phó trạm quản lý thủy nông Mộ Đức cho biết.

Ngoài ra, để xả nước an toàn, UBND xã Đức Tân cũng chuẩn bị các phương án để di dời 56 hộ dân với 207 nhân khẩu nằm ở phía hạ lưu gần hồ chứa nước đến nơi an toàn. Theo đó, UBND xã Đức Tân, đã dựng một liều tạm trên một khoảng đất trống bên triền núi để khi sự cố xảy ra sẽ di dời dân. Đồng thời, đưa một số hộ khác đến nhà văn hóa thôn và trường học, trạm y tế trú ngụ một khi xả nước.

Tại các điểm xung yếu dọc theo sông Vệ, cửa Lở (xã Đức Lợi), người dân cũng đã tự động di dời đến các nơi cao ráo tránh bão.

Đức Phổ: Tính đến phương án đào hầm tránh bão

Theo phóng viên Xuân Thiên, Bá Sơn: Ngay trong sáng nay, cả hệ thống chính trị huyện Đức Phổ đã tổ chức thành nhiều đoàn công tác đến các địa phương để đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai các phương án ứng phó với bão.
 
Ông Lê Văn Mùi - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, vì bão được dự báo quá lớn nên số lượng người phải di dời đến nơi an toàn cũng rất lớn. Đối với các hộ dân đang sống ở nhà cấp 4 dọc ven biển đều thuộc đối tượng di dời. Toàn huyện có khoảng 9.620 hộ với 40.264 khẩu thuộc diện di dời. Đặc biệt là các địa phương ven biển như Phổ Châu, Phổ Thạnh, Phổ An, Phổ Quang, Phổ Khánh…

 

người dân thôn Châu Me, Phổ Châu đưa ngư lưới cụ vào bờ để tránh bão.
Người dân thôn Châu Me, Phổ Châu đưa ngư lưới cụ vào bờ để tránh bão.

 

Riêng xã phổ Châu, số nhà kiên cố quá ít với 36 nhà, trong khi số lượng di dời dân gần 800 hộ nên không có địa điểm an toàn để trú bão. Vì thế, ngay trong sáng 9.11, huyện đã chi đạo xã tính đến phương án làm hầm để người dân trú ẩn.

Về vấn đề an toàn cho tàu thuyền, đến sáng 9.11, 100% tàu thuyền của Đức Phổ đã vào neo trú tại các cửa biển trong và ngoài tỉnh. Tại Vũng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á và cảng Sa Huỳnh, có 415 chiếc tàu thuyền cửa ngư dân vào neo đậu an toàn.

Có mặt tại vùng biển Sa Huỳnh chiều nay, chúng tôi chứng kiến ở vùng biển này đã có những đợt sóng lớn xuất hiện, mưa, gió cũng bắt đầu mạnh dần. Tại các vùng dân cư ven biển, lực lượng dân quân, thanh niên xung kích đã đến giúp các hộ dân khẩn trương đưa các bao cát lên mái nhà để chằng chống nhà cửa.
 

người dân thôn Thạnh Đức 2, Phổ  Thạnh đã vào Trường học để trú bão
Người dân thôn Thạnh Đức 2, Phổ Thạnh đã vào trường học để trú bão

 

14 giờ chiều 9.11, tại xã Phổ Thạnh, địa phương đã tiến hành di dời dân vào các địa điểm an toàn. Trong khi đó, việc thực hiện công tác di dời dân tại xã Phổ  Châu còn rất chậm. Đến 14 giờ, các thôn vẫn còn tổ chức họp dân để triển khai công tác di dời dân.

 
Ông Võ Văn Đính - Chủ tịch UBND xã Phổ Châu cho biết, xã đã vận động người dân làm hầm trú bão theo chỉ đạo của huyện, địa phương hỗ trợ vật liệu như bao dồn cát. Tuy nhiên, đầu giờ chiều, chúng tôi có mặt tại thôn Châu Me và thôn Vĩnh Tuy thì người dân vẫn còn đang đưa các ngư lưới cụ vào bờ. Ông Huỳnh Hải, ở khu dân cư 3, thôn Châu Me cho biết, buổi sáng lãnh đạo địa phương cũng đã tổ chức họp dân để triển khai sơ tán vào nơi an toàn, nhưng vì tài sản ở nhà nên có thể người dân sẽ để đàn ông ở lại nhà bảo vệ tài sản. Còn việc đào hầm thì không biết làm kiểu gì.
 
 
Trà Bồng: Người dân chủ động phòng tránh bão
 

Người dân lựa chọn mua đèn dầu và các lương thực dự trữ

Người dân Trà Bồng lựa chọn mua đèn dầu và các lương thực dự trữ

 

Phóng viên Ngọc Đức thông tin: Tại huyện miền núi Trà Bồng, người dân cũng đã tổ chức chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực... chuẩn bị đối phó với siêu bão  Haiyan.

Để có lương thực thực phẩm sử dụng trong những ngày tránh trú siêu bão Haiyan từ sáng sớm nay, người dân huyện miền núi Trà Bồng đã đến các chợ, cửa hàng tạp hóa để mua sắm để mua các nhu yếu phẩm cần thiết.

Chị Huỳnh Thị Hồng- chủ một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) cho biết: Sáng nay có rất có rất nhiều người đến mua hàng. Các mặt hàng khô bán rất chạy, ước tính tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, giá cả vẫn giữ mức bình thường. 

Còn tại các chợ, với tâm lý mua lương thực đón bão lương thực, thực phẩm dự trữ cũng đắt hàng hơn hẳn. Không ít người dân ở các xã trong huyện Trà Bồng vượt đường xa để mua thực phẩm về tích trữ cho gia đình dùng trong nhiều ngày liên tục. Do sức mua lớn nên không ít sạp bán thịt, cá ở chợ Trà Bồng cũng hết hàng từ rất sớm.

Ông Trần Văn Sương- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB& TKCN huyện cho biết: Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Haiyan, Ban chỉ huy PCBL đã tổ chức họp đưa ra các phương án, giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng thành viên chủ động xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn, túc trực 24/24h để thực hiện công tác chỉ đạo ứng phó với bão. Đặc biệt, vận động người dân chằng chống nhà cửa, các công trình công cộng, chặt những cây xanh có nguy cơ ngã đổ, thực hiện sơ tán nhân dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, kũ quét đến nơi an toàn...

 

Người dân chủ động chặt bỏ những cây xanh có nguy cơ ngã đổ

Người dân chủ động chặt bỏ những cây xanh có nguy cơ ngã đổ

 

"Hiện tại, huyện đã chuẩn bị các phương án di dân tại chỗ và đang tiến hành di dời các hộ dân ở những vùng nguy hiểm, nhà cửa tạm bợ đến các nhà, công trình công cộng kiên cố"- ông Sương cho hay.

Đồng thời,  Ban Chỉ huy PCLB& TKCN huyện chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ bà con nhân dân trong vùng bão, lũ; tổ chức các lực lượng kiểm soát các điểm qua lại của các sông suối, những vùng trũng thấp để hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn... nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi bão đổ bộ vào. 

Vào lúc 16 giờ chiều 9.11, CTV Cao Dũng tại Trà Bồng cho biết thêm: Hơn 1.000 hộ dân với 3.000 nhân khẩu ở các xã Trà Lâm, Trà Tân, Trà Hiệp Trà Sơn đã được di dời đến nơi an toàn. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương đưa dân đến chỗ trú ẩn, chỉ cho dân ra khỏi nơi tránh trú sau khi cơn bão đi qua và có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện.

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, cho biết: Hiện tại tất cả thành viên ban chỉ huy PCLB của huyện Trà Bồng điều về chỉ đạo trực tiếp tại các xã đã được phân công. Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo, địa phương nào để người dân ra ngoài trong thời gian bão mà xảy ra thương tích, chết người, đơn vị đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

 

người dân chuẩn bị gạo thóc vào “chiếc quăn” để đi tránh bão
Người dân chuẩn bị gạo, thóc vào “chiếc quăn” để đi tránh bão. Ảnh: Cao Dũng

 

Tại TP.Quảng Ngãi để đối phó với siêu bão Haiyan nhiều người dân  đổ xô đến các cửa hàng vật liệu để mua bao cát về chằng chống nhà cửa chống bão và dầu hỏa để dự trữ phòng khi cúp điện. (Xem chùm ảnh TP. Quảng Ngãi: Người dân hối hả chuẩn bị phòng tránh bão  và bài viết Người dân mua, trữ lương thực, đèn sạc trước khi bão đến).

Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, đang công tác tại đảo Song Tử Tây thông tin cho Báo Quảng Ngãi điện tử: Chấp hành mệnh lệnh chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 4, từ ngày 7/11, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại xã đảo Song Tử Tây đã chủ động tích cực làm tất cả các biện pháp để phòng, chống siêu bão.
 
Hệ thống nhà cửa, các công trình chiến đấu đã được chằng buộc chắc chắn; các vật chất từ nơi có thể bị ngập úng được đưa về nơi an toàn, các tổ công tác chống sập, chống ngập, cứu hộ, Quân y cấp cứu đã chuẩn bị đày đủ vật chất sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Đối với ngư dân vào tránh trú siêu bão, đến 12 giờ trưa ngày 8.11 cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đã hoàn thành công tác chằng buộc tàu thuyền trong Âu tàu. Hiện trong Âu tàu xã đảo Song Tử tây có 64 tàu cá (Bình Định 27, Quảng Ngãi 28, Quảng Nam 04, Phú yên 05). 19 giờ ngày 8.11 hoàn thành công tác di dời 736 ngư dân từ tàu lên đảo (Bình Định 224, Quảng Ngãi 334, Quảng Nam 144, Phú Yên 34) được bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo; quân y đã khám, cấp phát thuốc cho 30 ngư dân. Đối với nhân dân và các cháu nhỏ sinh sống trên đảo đã được di dời đến vị trí an toàn.

 

Tiếp tục cập nhật

PV-CTV

 


.