Tấm lòng của cụ Long

08:10, 31/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù tuổi đã cao, nhưng cụ ông Lê Thanh Long (83 tuổi) ở thôn Cổ Luỹ Nam, xã Nghĩa Phú (Tư Nghĩa) vẫn hăng say với công việc.

Xây dựng quỹ hội nửa tỷ đồng

Tiếp xúc với cụ Long, chúng tôi thật sự ấn tượng, bởi trông cụ rất khoẻ và trẻ so với cái tuổi 83. Ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu, nhưng cụ Long vẫn hăng say với công tác ở Hội Người cao tuổi. Cụ cười hiền: “Mình còn sức là còn làm”. Lật từng kỷ vật cũ, kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông không khỏi bùi ngùi. Năm 1948, khi mới 18 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng.

 

Ông Đinh Toàn chia sẻ công việc làm ăn của gia đình với cụ Long  (bên trái).
Ông Đinh Toàn chia sẻ công việc làm ăn của gia đình với cụ Long (bên trái).


Sau những năm công tác tại Trung đoàn 156, Liên khu 5, đến năm 1954, ông Long trở về địa phương hoạt động bí mật và tham gia giải phóng quê hương. Đất nước thống nhất, với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông đã tham gia tích cực công tác Hội CCB, Hội Người cao tuổi ở địa phương. Trải qua 18 năm công tác, cụ Long "miệng nói tay làm", trực tiếp đến tận các chi hội, khu dân cư, vận động người cao tuổi tham gia tổ chức hội, nâng tổng số hội viên trong xã lên hơn 1.000 người.

Để gây dựng quỹ hội, cụ Long  vận động các gia đình hội viên, con em xa quê, thành đạt tham gia đóng góp. Đến nay, số tiền quỹ hội đã tăng lên khoảng 500 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn này, nhiều gia đình hội viên khó khăn có điều kiện vay với lãi suất thấp (0,2%) để làm ăn và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ lo phát triển kinh tế cho hội viên, cụ Long còn vận động hội viên đóng góp kinh phí làm 6 xe tang cho 6 chi hội để phục vụ tang lễ.

Nói về ý tưởng này, cụ Long cho biết: Trước đây, trong làng có đám tang, phải huy động hàng chục thanh niên trong làng khiêng đến nơi an táng, rất bất tiện.  Nay, thanh niên trai tráng trong làng đi biển, làm ăn xa nên phải có xe đưa tang thôi. “Nhiều gia đình hội viên có con đi biển, kinh tế khấm khá, đóng góp nhiệt tình lắm”, cụ Long cho hay.

Truyền nghề cho ngư dân trẻ

Trong những năm qua, cụ Long đã huy động người cao tuổi là những ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt hải sản nay đã “nghỉ hưu” để truyền nghề cho con cháu. Không chỉ vậy, cụ còn định hướng phương thức làm ăn trên biển, giáo dục lớp ngư dân trẻ ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cứ mỗi buổi sáng, tranh thủ những lúc ngư dân thảnh thơi sau phiên biển dài ngày, cụ cùng các lão ngư có kinh nghiệm, cùng trò chuyện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để kiến nghị đến các cấp, ngành. Thông qua những cuộc trò chuyện ấy, cụ khéo léo nhắc nhở tinh thần đoàn kết, tương trợ trong anh em ngư dân để phòng tránh thiên tai, nhân tai trên biển.

Mấy hôm nay, khi cửa Đại bị bồi lấp, cụ Long lại đến từng nhà ngư dân động viên họ vững tin cho phiên biển mới. Vì thế, bốn con trai của ngư dân Đinh Toàn giờ theo nghiệp cha đi biển luôn tin yêu cụ Long. "Cụ Long rất tâm lý. Nhà nào có chuyện không vui, khó khăn trong làm ăn cụ đều có mặt động viên", ông Toàn kể.    
 
Tấm lòng của cụ Long khiến chúng tôi phải kính trọng. Mặc dù 4 người con của cụ đều thành đạt, trong đó có người đang là tiến sĩ, hai người là giám đốc công ty lớn nhưng không vì thế mà cụ ỷ lại vào sự trợ cấp của con cái, hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn.  


Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.