Cần hơn 200 triệu USD để xử lí ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hoà

02:10, 30/10/2013
.

Ngày 29/10, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống phơi nhiễm chất da cam.
 

     Khu vực bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được khoanh vùng để xử lý. Ảnh: TTXVN.
Khu vực bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được khoanh vùng để xử lý. Ảnh: TTXVN.



Tại hội thảo, ông Lê Kế Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 cho biết, ở Việt Nam có 3 điểm nóng dioxin gồm sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Đà Nẵng (Tp.Đà Nẵng) và sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Trong đó, sân bay Phù Cát đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp an toàn. Tại sân bay Đà Nẵng, dự án xử lý cũng đang được triển khai và sẽ hoàn thành vào năm 2016. Riêng tại sân bay Biên Hòa, quân đội Mỹ đã lưu giữ hơn 98.000 thùng phuy loại chứa 205 lít chất da cam, 45.000 thùng chất trắng, 16.000 thùng chất xanh. Hiện Bộ Quốc phòng mới chôn lấp được 94.000m3 đất và trầm tích nhiễm chất độc dioxin, còn khoảng 240.000m3 (gấp 3 lần khối lượng phải xử lý ở sân bay Đà Nẵng) cần được xử lý. Để xử lí xong 240.000m3 này vào năm 2020, Việt Nam cần hơn 200 triệu USD.

Ông Lê Kế Sơn cũng cho biết, vừa qua, lãnh đạo Chương trình Phát triển quốc tế Mỹ và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Sắp tới, phía Mỹ sẽ thông báo nội dung và kế hoạch thực hiện đánh giá môi trường như đã cam kết.

Theo Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, để nâng cao nhận thức của người dân về chất dioxin, hoạt động truyền thông cần đưa ra những thông điệp, hình ảnh đơn giản, cụ thể nhằm giúp người dân biết những điều nên tránh khi sống trong vùng bị ô nhiễm chất da cam./.

 


Theo Bích Liên/dangcongsan.vn


.