Bất cập trong quản lý đò ngang

04:10, 23/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để các bến đò ngang không đủ điều kiện hoạt động đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm. Nhưng nếu đình chỉ hoạt động thì chẳng khác gì "bít lối đi" của hàng ngàn người dân. Vòng luẩn quẩn đó tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng ngành chức năng vẫn chưa tìm ra lời giải.

TIN LIÊN QUAN


Thực tế đáng lo ngại ấy tồn tại trên địa bàn huyện Sơn Hà, với 100% các bến đò không đủ điều kiện hoạt động...

Biết sai nhưng không thể cấm

Bến đò ngã ba sông Tang (xã Sơn Cao) mùa này hoạt động nhộn nhịp hơn. Một cái chòi lá được dựng lên để chủ đò trú chân mỗi khi chờ khách. Một chiếc ghe bằng nhôm có gắn máy khoảng 4 mã lực đang túc trực làm nhiệm vụ đưa khách. Trên ghe có chừng 5 chiếc áo phao. Anh Đinh Văn Chăng – chủ đò ở đây cho biết, mỗi ngày anh phải đưa đón cả trăm lượt người qua lại, nhưng nhiều nhất là học sinh. Đò chỉ hoạt động trong mùa mưa. Còn mùa nắng thì dùng chiếc bè tre để đưa xe máy qua lại, còn người dân thì lội bộ qua sông. Mùa này nước sông Tang lên, việc đi lại của người dân chỉ trông cậy vào con đò này.

 

Người dân qua lại ngã ba sông Tang (xã Sơn Cao, Sơn Hà) bằng đò ngang không đủ điều kiện hoạt động.           Ảnh: X.THIÊN
Người dân qua lại ngã ba sông Tang (xã Sơn Cao, Sơn Hà) bằng đò ngang không đủ điều kiện hoạt động. Ảnh: X.THIÊN


Ông Võ Văn Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao, cho biết: Từ bao đời nay, người dân, học sinh, giáo viên từ thôn Tà Lương sang thôn 1 và thôn Mần Nà đều phải đi bằng đò. Vì vậy, không còn cách nào khác là phải cho bến đò hoạt động để phục vụ người dân, dù biết rằng bến đò này chưa đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, địa phương đã bắt buộc chủ đò phải có chứng chỉ lái đò và cam kết chịu tránh nhiệm khi có sự cố. Bên cạnh đó, chính quyền thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc trang bị áo phao cho khách mỗi khi qua đò để tránh rủi ro. “Chính quyền địa phương nhiều lần gửi văn bản đề nghị với cấp trên tạo điều kiện cho sử dụng bến này để người dân qua lại làm ăn, học tập, nhưng chưa được cấp trên phản hồi bằng văn bản”, ông Sáu cho biết.

Còn đoạn sông ở Làng Bung (xã Sơn Ba) có đến 3 bến đò hoạt động gần nhau. Nơi đây, ngoài những chiếc ghe bằng nhôm, còn có bè phao gắn ròng rọc kéo qua dây thừng nối hai bên bờ sông. Khu vực này lòng sông rất rộng, nên việc qua lại vô cùng nguy hiểm.

Bến đò Chàm Rao (xã Sơn Nham), đoạn sông Trà Khúc cũng trong tình trạng không đủ điều kiện hoạt động. Mùa này, nước chảy xiết, chỉ cần một sơ sẩy thì tính mạng hàng chục con người trên chiếc đò không biết sẽ ra sao. Nơi đây chỉ có 1 chiếc ghe gắn máy hoạt động, hằng ngày đưa đón hàng trăm người dân, học sinh đi học qua lại. Đoàn kiểm tra của Ban ATGT đề nghị đình chỉ hoạt động các bến đò này, nhưng chính quyền địa phương đứng ra xin, vì đình chỉ thì dễ, nhưng giải quyết việc đi  lại cho người dân mới là điều khó.

Thực trạng không đáp ứng tiêu chí

Ông Nguyễn Quyết Chiến - cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hà cho biết: Cơ quan chức năng đã nhiều lần đề nghị phòng làm văn bản để được cấp phép hoạt động cho các bến đò, nhưng thực tế hầu hết các bến đò trên địa bàn huyện không đủ điều kiện. Chỉ khi nào cơ quan chức năng kiến nghị lên cấp trên, điều chỉnh một số tiêu chí về hoạt động đò ngang cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương miền núi, thì mới có thể làm hồ sơ cấp phép.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động đò ngang tại ngã ba sông Tang, xã Sơn Cao.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động đò ngang tại ngã ba sông Tang, xã Sơn Cao.


Theo Quyết định số 251 của UBND tỉnh ban hành năm 2008 thì, điều kiện hoạt động của bến đò phải có nhà chờ, bảng niêm yết giá, phải có cầu dẫn hoặc bãi chuồi để đảm bảo phục vụ khách… Trong khi đó, hầu hết các bến đò ngang ở tỉnh ta là tự phát, số lượng khách ở mỗi điểm đò không ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn… nên để đáp ứng các tiêu chí trên là không thể, nhất là ở miền núi. Đây là bất cập tồn tại lâu nay chưa được giải quyết.

Ông Huỳnh Trọng Phem - Phó chánh Thanh tra, Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết thêm: Theo Quyết định số 251 của UBND tỉnh thì trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có tuyến đường thủy nội địa Sa Kỳ - Lý Sơn là đủ điều kiện. Điều này đồng nghĩa với tất cả các tuyến đò ngang khác trên địa bàn phải bị đình chỉ theo quy định do không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, việc này là vô cùng khó, vì nhu cầu đi lại của hàng ngàn người dân.

Qua kiểm tra thực tế và những bất cập hiện nay, chúng tôi sẽ kiến nghị thay đổi cho phù hợp với thực tế từng địa phương. “Năm nào cũng đi kiểm tra, rồi đình chỉ, nhưng đâu lại vào đấy. Sau đợt kiểm tra này đoàn sẽ có ý kiến cụ thể để báo cáo lên UBND tỉnh kể cả Ban ATGT Quốc gia để tìm cách giải quyết những bất cập này”, ông  Nguyễn Đức Quảng - thành viên Ban ATGT tỉnh nói.


Bài, ảnh: X.THIÊN
 


.