Phòng chống lụt bão: Bài học từ bão số 8

03:09, 29/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù không đổ bộ vào khu vực đất liền Quảng Ngãi nhưng cơn bão số 8 vừa qua đã làm hư hại nhiều diện tích hoa màu, cây cối của nông dân trong tỉnh. Riêng huyện Lý Sơn bị đánh chìm 3 tàu cá và làm rụi 166 ha cây hành, khiến nông dân huyện đảo gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Tan bão, đọng nỗi lo

Sau khi bão số 8 tan, chúng tôi trở lại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn). Tại khu vực bãi ngang, gần 50 tàu cá của ngư dân chen chúc neo đậu. Nhiều chiếc đang được tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm để chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Thấy chúng tôi, chủ tàu Nguyễn Vũ Long nói vội: “Lần này, ngư dân “đoán mò” mà cũng trúng”. Quả thật sau khi vô tình dự đoán đúng điểm đến của bão số 8, ngư dân vùng biển Phước Thiện không chỉ phấn khởi, mà còn tỏ vẻ khó chịu với sự cẩn trọng của chính quyền xã. “Chiều 18.9, cán bộ xã yêu cầu mọi người gấp rút lai dắt phương tiện đến vũng neo đậu Tịnh Hòa nhưng tôi bảo, bão số 8 đi… lệch nên sẽ không tiến vào Quảng Ngãi. Vậy mà họ không tin, cứ buộc tôi phải đi “gửi” tàu. Giờ mất công đi dẫn nó về”, chủ tàu Đặng Đình Ký bực mình nói.

 

Đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện công trình kè chống sạt lở thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn).
Đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện công trình kè chống sạt lở thôn An Cường, xã Bình Hải (Bình Sơn).


Lý giải tình trạng trên, anh Long bật mí rằng: “Bão thường kéo cá về nên ngư dân rất dễ bội thu”. Có lẽ vì điều này nên không ít người đã bất chấp hiểm nguy, neo tàu tại bãi ngang để lén đánh bắt trong thời gian bão gần vào bờ. Nếu thuận thì không nói, nhưng nhỡ bão đột ngột đổi hướng thì rất dễ… mất cả tiền lẫn mạng. Diễn biến này chắc hẳn nhiều ngư dân vẫn chưa quên trong cơn bão Chan Chu xảy ra vào năm 2007.

Không chỉ ngư dân, mà một số doanh nghiệp hoạt động nạo vét, thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu (DN) ở các cửa biển cũng chủ quan trong việc di dời phương tiện. Đã thế trong phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) của mình, một số DN lại muốn neo đậu phương tiện sâu trong khu vực sông, bến cá. Cách làm này giúp DN tiết kiệm chi phí, nhưng lại khiến ngư dân chịu thiệt vì tàu thuyền của họ sẽ bị mất chỗ trú, dẫn đến tai nạn; rồi dòng chảy bị ách tắc, gây xói lở ven bờ nên chính quyền các địa phương đã kiên quyết bác bỏ.

 Dày nhân lực, mỏng thiết bị

Trong phương án PCLB & TKCN, dường như địa phương nào cũng triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Nhưng quả thật, chỉ có ba yếu tố gồm lực lượng, hậu cần và vật tư là tương đối “dày”; còn phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác ứng cứu hiện vẫn còn rất mỏng. Mà mỏng nhất là ghe, thuyền, áo phao và loa phóng thanh cầm tay. Đơn cử như tại huyện Tư Nghĩa. Dù 18 xã, thị trấn đã được trang bị một chiếc thuyền máy, 5-10 áo phao... nhưng hầu hết số phương tiện này thường rơi vào cảnh “chưa chạm nước đã… chết”. Nguyên nhân là do quá hạn sử dụng!

Còn số phận của hệ thống máy Icom cũng chẳng khá hơn, nếu không chập chờn nhiễu sóng thì cũng mất tín hiệu. Do đó theo ông Nguyễn Hồng Long - Ủy viên Thường trực BCH PCLB&TKCN huyện Tư Nghĩa thì, cần thiết phải trang bị hệ thống Icom loại lớn cho BCH PCLB&TKCN cấp huyện. Vì hiện giờ, hệ thống Icom nhỏ không đảm bảo nhu cầu nắm bắt thông tin giữa BCH với tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi.

Tàu thuyền của ngư dân thôn Phước Thiện neo đậu tại bãi ngang.
Tàu thuyền của ngư dân thôn Phước Thiện neo đậu tại bãi ngang.


Đối với công tác bảo vệ công trình thủy lợi và hồ chứa. Dù đã được các đơn vị thi công dốc toàn lực để bảo vệ và hoàn thiện, nhưng hiện giờ, một số công trình kè chống sạt lở hay hồ chứa thủy lợi vẫn khiến người dân thấp thỏm. Nhất là các hồ chứa đang “bị thương” nhưng chưa được “điều trị” triệt để nên nguy cơ vỡ hồ đập trong mưa bão rất dễ xảy ra. Do đó, trong phương án ứng phó của mình, các địa phương và đơn vị liên quan cũng đã ưu tiên cho hồ chứa một lượng lớn bạt, bao cát… Đồng thời cắt cử người thường xuyên trông chừng, giám sát dung tích chứa để tránh sự cố vỡ đập.

Với những tồn tại và khó khăn  trên, BCH PCLB & TKCN tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị hiệp đồng chặt chẽ theo phương châm “3 đúng”- thông tin, quyết định và thời gian đúng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia, đóng góp và trưng dụng phương tiện, vật tư và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống bão lũ. Đối với hạ tầng thiết yếu hỗ trợ việc phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, tỉnh cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn Quảng Ngãi.  

         

Bài, ảnh: MỸ HOA    
 


.