Nhọc nhằn nghề thu mua phế liệu

01:09, 14/09/2013
.

 


(Báo Quảng Ngãi)- Không biết tự bao giờ nghề thu mua phế  liệu đã trở nên thân thuộc và phát triển trên địa bàn huyện Sơn Tịnh. Những người phụ  nữ, thậm chí là đàn ông,  bất kể ngày nắng hay mưa, họ bươn chải khắp đầu thôn, cuối ngõ, để thu mua phế liệu, trang trải cuộc sống.

 
Vất vả mưu sinh


6giờ30 sáng, những phụ nữ hành nghề mua bán phế liệu lên đường rời khỏi nhà bắt  đầu một ngày mưu sinh mới. Họ liên kết  thành những "phi đội" phối hợp ăn ý với nhau hướng về địa bàn các xã nông thôn, thành thị và cả miền núi để mưu sinh.

 

Chị Nhi phân loại phế liệu trước khi cân hàng cho đại lý.
Chị Nhi phân loại phế liệu trước khi cân hàng cho đại lý.


Để hiểu thêm những nhọc nhằn, vất vả mưu sinh của những người mua bán phế liệu, tôi xin đi cùng "phi đội" của chị Trần Thị Nhi quê ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Vượt qua chặng đường hơn 40km, chúng tôi đến trung tâm huyện Trà Bồng. Vừa tới nơi, phi đội của chị đã tản ra khắp nơi để lùng sục, tìm tòi bất kể những thứ gì có thể mua được. Còn chị Nhi, sau khi gửi 2 chiếc xe máy vào nhà một người quen,  bắt đầu đi sâu vào các khu dân cư hỏi han các gia đình để mua phế liệu.  

Qua trao đổi với chị, tôi được biết, trước đây chị chỉ làm nông, quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn và dù cật lực lao động, nhưng cũng chỉ tạm đủ  cái ăn cho gia đình. Chị tâm sự: "Khó khăn ùa tới khi hai đứa con đầu lần lượt vào các trường đại học. Để lo cho con ăn học, chị chạy vạy, vay mượn khắp nơi, nhưng vẫn không đủ.  

Trong lúc túng quẫn, chị được người bạn gợi ý, dẫn dắt  vào nghề mua bán phế liệu và gắn bó với nghề này cũng đã được 5 năm. "Thu mua phế liệu thì mua ở đâu chẳng được, đâu nhất thiết đi xa thế này?" - Tôi  thắc mắc. Chị cười rồi nhanh nhảu đáp: Bây giờ người theo nghề này đông lắm. Mình phải lặn lội đi xa thế này mới mong có hàng mua em à! Chị cho biết thêm: Nghề này không sợ ế như các nghề khác, hễ cứ thu gom được hàng càng nhiều thì  càng có lãi. Có hôm lãi vài trăm nghìn, nhưng cũng có hôm trừ chi phí đi chỉ được vài chục ngàn.

Hôm nay dường như chị không vội vàng như mọi khi cho lắm, hỏi chị tôi mới biết là chị có mối quen người ta gọi điện từ sáng sớm báo cho chị biết lên phụ dọn nhà rồi mua hàng luôn. Số là hôm qua, gia đình này vừa mới đám cưới cho con xong nên có nhiều  đồ để bán. Vừa tới nhà người quen này, chị đã bắt tay ngay vào việc thu gom những vỏ lon bia vương vãi từ khắp nơi, rồi sắp xếp những bìa các tông bó chúng thành từng bó ngay thẳng để tiện bề chuyên chở. Bao nhiêu công việc cứ thế được chị thoăn thoắt thực hiện một cách nhanh chóng. Sau hơn 2 giờ gom nhặt, hàng cũng được khá nhiều, nhưng chị vẫn tiếp tục dạo thêm vài điểm nữa để hy vọng kiếm thêm ít đồng bù lại mấy trăm nghìn sửa xe hôm qua. Chị tâm sự: "Người làm nghề thu mua phế liệu gặp không ít rủi ro, dễ mắc bệnh ngoài da, hô hấp. Bên cạnh đó nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập”.
 
Lăn lộn cả ngày, hôm nay có vẻ chị mua bán được khá thuận lợi. Cuối buổi chiều, chiếc xe máy của chị đã trở nên quá tải. Đó là thành quả sau một ngày lao động mệt nhọc chị mới có được. Tôi cùng chị chuẩn bị trở về nhà mà trong lòng không khỏi ái ngại cho sự an toàn khi lưu thông trên đường của chị.

Nụ cười cuối ngày

Khi chúng tôi vừa tới điểm tập kết để bán lại phế liệu cho các đại lý cũng là lúc những người khác trong "phi đội" của chị Nhi lần lượt về đến. Sau một ngày lặn lội gương mặt ai cũng tỏ ra mệt mỏi. Người nào người nấy mồ  hôi, mồ kê ướt đẫm áo. Chẳng ai bảo ai, họ nhanh tay tháo dỡ hàng xuống rồi nhanh chóng chọn cho riêng mình một góc nhỏ riêng biệt để phân loại lần cuối trước khi cân hàng cho đại lý. Không khí  lúc này vui nhộn hẳn lên khi các chị chia sẻ cho nhau nghe những câu chuyện vui, buồn trong quá trình mua bán, những nụ cười cứ thế nở trên môi dù bây giờ đã cuối ngày và ai cũng đã mệt. Ai xong trước thì tranh thủ cân trước, nhận tiền để còn về lo công việc nhà rồi cơm nước cho chồng con, chăm chút cho ngôi nhà của mình khi cả ngày đi vắng. Kết thúc một ngày mưu sinh với số tiền lời mỗi người được chừng 150.000 đồng trở  lại.

Số tiền này đã giúp nhiều gia đình như chị Nhi, Trang, Cúc... trang trải cho cuộc sống, nuôi con cái ăn học. Mỗi lần nghĩ tới các con các chị lại có thêm động lực để gắn bó với nghề.


Ngày mai, khi bình minh vừa ló rạng, “phi đội” của các chị lại tụ hợp cùng nhau để bắt đầu hành trình cho một ngày mưu sinh mới.


Bài, ảnh: THANH SA
 


.