Gia đình văn hoá: Hạt nhân của một xã hội bền vững

09:09, 24/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong 5 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở tỉnh ta đã được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi địa phương.

TIN LIÊN QUAN

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã có những chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia. Cũng từ đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa. Nền tảng gia đình cũng từ đây vững chắc hơn với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết xóm giềng, tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, trao đổi, học tập kinh nghiệm…

 

Gia đình sẽ là nền tảng để con cháu học thành tài (ảnh minh họa).
Gia đình sẽ là nền tảng để con cháu học thành tài (ảnh minh họa).


Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong chỉ đạo và tiến hành thực hiện tốt việc xây dựng gia đình, tạo nên động lực mới trong thi đua thực hiện phong trào này. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa được tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo chất lượng. Các gia đình văn hóa thực sự là những tấm gương sáng về mô hình gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng, vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, thực sự là tổ ấm của các thành viên, là môi trường góp phần hình thành nhân cách của các thế hệ trẻ.

Bà Võ Thị Thanh Hà- Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở VH-TT&DL cho biết: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và mang nhiều sắc thái mới. Nếu như năm 2008, toàn tỉnh có 219.236/289.555 hộ gia đình văn hoá, đạt 75,8% thì đến năm 2012, toàn tỉnh có 248.240/319.654, hộ gia đình văn hóa, đạt 77,6%. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thành lập được 15 CLB gia đình văn hóa,  4 CLB phòng, chống bạo lực gia đình; 1 mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; 2 mô hình gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Qua phát động thi đua và bình chọn đã có 54 đại biểu gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc của các huyện, thành phố trong toàn tỉnh được chọn tham dự Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh năm 2013.

Phong trào này đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế- chính trị, văn hóa- xã hội ở cơ sở, nâng cao ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hoạt động của phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần thực hiện có hiệu quả các phong trào khác như:  “Người tốt việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Từ thiện xã hội”… Nhờ đó, các gia đình chính sách được quan tâm chăm sóc chu đáo hơn, đẩy lùi dần các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tình làng nghĩa xóm được gắn kết bền chặt… Các địa phương làm tốt phong trào này như Tư Nghĩa, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi…

Ông Phạm Viết Trí - Trưởng Phòng VH&TT huyện Tư Nghĩa chia sẻ: “Trong 5 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Tư Nghĩa. Đời sống kinh tế của người dân dần ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao; mối quan hệ giữa con người với con người trong gia đình và cộng đồng dân cư ngày càng tốt đẹp; các giá trị nhân văn được tôn trọng và đề cao, tình làng nghĩa xóm được củng cố vững chắc.

Nhiều gia đình giữ được thuần phong mỹ tục, tạo nền nếp, kỷ cương, ông bà mẫu mực, dâu hiền, rể thảo, con cháu chăm ngoan, giữ được truyền thống hiếu học, truyền thống uống nước nhớ nguồn”. Ông Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết thêm: “Trong 5 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn. Từ phong trào này đã xuất hiện những nhân tố nổi trội, trở thành điển hình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước”.

Có thể nói, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã thực sự tạo nên những hạt nhân để xây dựng một xã hội bền vững trong giai đoạn mới hiện nay. Từ phong trào này đã góp phần làm cho đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chính sách đền ơn đáp nghĩa và các phong trào tương thân tương trợ được thực hiện đồng bộ, các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo nên diện mạo mới từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến vùng biển đảo. Nhiều gia đình đã giữ gìn, lưu truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có của họ tộc, nhân dân địa phương; tạo nên nhiều tấm gương gia đình tiêu biểu để những gia đình khác học tập và noi theo.


 Trịnh Phương
 


.