Công chứng dễ dãi: Hậu quả khó lường

03:09, 07/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực (ngày 1/7/2007), các văn phòng công chứng ra đời, đã thúc đẩy hoạt động công chứng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, sau 6 năm hình thành và phát triển, hình thức này bộc lộ nhiều bất cập và tiềm ẩn không ít nguy cơ.

TIN LIÊN QUAN

Cẩu thả, cố tình “lách luật” dẫn đến công chứng sai, bị cơ quan chức năng vô hiệu hóa, tranh chấp kéo dài. Đó là phản ánh của người dân về hoạt động của một số văn phòng công chứng hiện nay.

Anh N.V.H ở tổ 24 phường Trần Phú kể: Vừa qua anh mua một miếng đất, trên đất có ngôi nhà cấp 4 kiên cố đã xây dựng cách đây 10 năm, nhưng hiện tại người bán chưa làm sở hữu nhà ở.

Theo luật, người bán phải làm thủ tục chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (CNQSHNO) trước khi hai bên làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) gắn liền tài sản trên đất. Vì muốn thủ tục nhanh gọn nên anh đặt vấn đề với một đối tượng chuyên cò thủ tục và nhân viên của văn phòng công chứng đã tư vấn cho anh một "chiêu" chỉ cần làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cam kết là không có nhà ở.

Mọi việc sau đó sẽ có công chứng viên lo liệu và hứa như “đinh đóng cột”, 20 ngày sau khi làm thủ tục chuyển nhượng, anh H sẽ có trong tay QSDĐ. Cái giá mà anh H phải trả cho việc nhanh gọn này là 15 triệu đồng thay vì chờ đợi trong 4 tháng.

 

Người dân đến làm thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng ở TP. Quảng Ngãi.
Người dân đến làm thủ tục công chứng tại một văn phòng công chứng. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ



Những tưởng mọi việc sẽ suôn sẻ như lời tay cò và công chứng viên hứa. Ai ngờ, đúng 20 ngày sau, anh H được bộ phận một cửa gọi lên trả hồ sơ vì thực tế không đúng như cam kết, cùng lời hướng dẫn người bán phải làm thủ tục xin cấp CNQSHNO. Khi nào được UBND TP. Quảng Ngãi cấp CNQSHNO, hai bên mới làm hợp đồng chuyển nhượng.

“Hệ lụy là tiền mất tật mang. Mình mất rất nhiều thời gian mà chỉ đòi lại được chút ít tiền đã đưa cho cò. Lợi đâu không thấy chỉ thấy hại”- Anh H bức xúc.

Ông Huỳnh Đức Duy- Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP.Quảng Ngãi cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Quảng Ngãi có nhiều trường hợp chuyển nhượng QSDĐ có tài sản là nhà ở gắn liền với đất, nhưng hợp đồng do các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh chứng thực việc chuyển nhượng QSDĐ là không có tài sản gắn liền với đất ở.

Nhưng thực tế là có nhà ở cấp IV, III, II và theo quy định đủ điều kiện chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định. Đây là một trong những vấn đề làm thất thoát việc thu thuế cho Nhà nước khi chuyển nhượng QSDĐ, QSHNO và tài sản gắn liền với đất. Hơn nữa đây cũng là một trong những bất cập gây ra nhiều hệ lụy, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, dẫn đến thiệt hại không hề nhỏ về kinh tế cho người có nhu cầu công chứng.

Rất nhiều trường hợp người bán được sự “tiếp tay” của các văn phòng công chứng đã lừa người mua, bán xong họ “cao chạy xa bay”, hậu quả là người mua chịu thiệt. Hằng ngày, không ít người dân đến Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP. Quảng Ngãi than phiền.

Chính những thiếu sót và cẩu thả trong nghiệp vụ của công chứng viên đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân chiếm đoạt tài sản của người khác và gây ra nhiều phiền toái cho các cơ quan chức năng khi cấp giấy CNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân.

Theo Điều 35 của Luật Công chứng, công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch. Nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Nhưng trên thực tế, người dân đến các văn phòng công chứng chủ yếu vì muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính. Lợi dụng tâm lý này và vì lợi nhuận, các văn phòng công chứng chỉ chú trọng đến việc thu hút khách nên đơn giản hóa các thủ tục hoặc thực hiện công chứng không phù hợp quy định pháp luật, không bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch, gây hậu quả xấu cho người dân và cho xã hội.

Cũng theo ông Huỳnh Đức Duy, để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Tư pháp cần chỉ đạo, tăng cường thanh tra, kiểm tra các Phòng Công chứng trực thuộc về mặt nghiệp vụ công chứng, cũng như kịp thời chấn chỉnh không để phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng. Có như vậy mới hạn chế thất thoát việc thu thuế cho Nhà nước khi chuyển nhượng QSDĐ, QSHNO và tài sản gắn liền với đất và tránh gây phiền hà, thiệt thòi cho người dân.



Bài, ảnh: Chấn Phong


.