Chuyện xúc động từ một lá thư

11:09, 02/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, nhưng những câu chuyện thời hậu chiến luôn gây xúc động cho nhiều thế hệ. Trong rất nhiều câu chuyện ấy, có trường hợp lá thư của người chiến sĩ cách mạng gởi cho người vợ nơi quê nhà trong kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhưng không thể đến tay người nhận. Nhưng rồi, nhờ một sự tình cờ hy hữu, nó đã được phát hiện trong một thư viện tại một trường đại học ở Mỹ.

Bức thư lưu lạc 22 năm 6 tháng

 Câu chuyện xúc động ấy là trường hợp của gia đình đại tá Trần Ngọc Giao và người vợ Huỳnh Thị Cúc, hiện đang ở thôn Tập An Nam, xã Phổ Văn (Đức Phổ). Đại tá Giao tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, từng giữ chức Chính ủy Trung đoàn 270, Quân khu 5. Đến bây giờ, vợ chồng ông đã bước qua tuổi 80, nhưng những tâm sự về lá thư ông gửi cho vợ ngày ấy như thước phim quay chậm đưa ông quay về với hồi ức của những năm tháng chiến tranh ác liệt năm xưa.

 

 Vợ chồng Đại tá Trần Ngọc Giao xúc động xem lại những lá thư cũ.
Vợ chồng Đại tá Trần Ngọc Giao xúc động xem lại những lá thư cũ.


Ông kể đầy xúc động: Đó là vào đầu năm 1967, trong dịp đi công tác về quê, ông ghé về thăm gia đình, sau đó dẫn đứa con trai duy nhất  là Trần Hoàng Triệu (15 tuổi) đi thoát ly với mình. Lúc này người vợ trẻ đã khóc hết nước mắt khi phải xa chồng, giờ lại xa con. Nhưng vì đại cuộc, bà Cúc vẫn khích lệ hai cha con lên đường, yên tâm chiến đấu. Những đêm nằm giữa núi cao, rừng thẳm, chong ngọn đèn le lói, ông liên lạc với vợ bằng những bức tâm thư nhiệt huyết.

Ngày 6.4.1967, ông viết một lá thư về cho vợ với 6 trang giấy (khổ chữ lớn), nhờ một chiến sĩ giao liên mang về. Nào ngờ chiến trường Khu 5 bấy giờ quá ác liệt, lá thư ấy không thể đến tay vợ ở quê nhà. Ông Giao chưa bao giờ  nghĩ là sẽ tìm lại được lá thư ấy, cũng như người vợ của ông sẽ không có cơ hội được đọc những dòng thư yêu thương từ người chồng trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến. Vậy mà cuộc sống có những điều kỳ diệu đã xảy ra: Lá thư không mất đi, mà được lưu giữ rất cẩn thận tại thư viện Trường ĐH Masshusetts ở Mỹ…

Chuyện tình cờ kỳ diệu
 

 “Lá thư  tôi gửi cho vợ từ huyện Trà My (Quảng Nam), đến Đức Phổ, Quảng Ngãi, chỉ mất 6-7 ngày đường nhưng nó đã lưu lạc qua bên kia chiến tuyến để rồi đến tháng 10.1989 mới đến tay vợ tôi- Huỳnh Thị Cúc, sau 22 năm 6 tháng. Đó là những điều kỳ diệu của chiến tranh”,  đại tá Trần Ngọc Giao, nói.

Nghe chuyện đại tá Giao kể, tôi không khỏi thắc mắc vì sao có chuyện như vậy. Người lính già bảo: Giữa năm 1989, nhận lời mời của Trung tâm “Nghiên cứu chiến tranh Việt Nam” một Đoàn nhà văn Việt Nam sang Mỹ, trong đó có nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Khi Đoàn đến thư viện Trường ĐH Masshusetts thì phát hiện lá thư này. Ai cũng xúc động mãnh liệt. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi trở về nước đã đăng bức thư ấy trên Báo Công an TP.HCM, số 167 (năm 1989), thể hiện tình cảm trân trọng tiếc thương người liệt sĩ và những cảm nhận sâu sắc về lá thư ấy. Hồi đó, Đoàn nhà văn Việt Nam cứ nghĩ là người chiến sĩ cách mạng Trần Ngọc Giao đã hy sinh.

Cũng từ sự tình cờ, một đồng đội của ông xem tờ báo nhận ra người liệt sĩ đó chính là thủ trưởng của mình năm xưa, vẫn còn sống. Anh vội đem tới cho ông Giao, kèm theo một câu nói đùa đắc ý :“Mời liệt sĩ dậy xem lá thư cũ”. Lúc này ông đang điều trị bệnh dạ dày ở Bệnh viện C, Đà Nẵng. Cầm tờ báo trên tay ông Giao không thể diễn tả hết niềm xúc động. “Giọng tôi run run, vừa mừng vừa tủi, không thể ngờ rằng sau 22 năm 6 tháng lá thư gửi cho Cúc- người vợ thân yêu lại trở về tận tay tôi qua một bài báo”.

Kể đến đây, hai vợ chồng ông Giao mắt rưng rưng, nhìn nhau. Bà Cúc lật tờ báo cũ chỉ cho tôi xem, và bà đọc từng câu, chữ trong đoạn cuối thư không sót một từ. Và có lẽ đối với bà những dòng thư xưa không bao giờ phai nhoà trong ký ức. Đoạn cuối bức thư, ông Giao viết “…Có nhớ anh và con nhưng Cúc đừng buồn và cũng đừng lo lắng nhiều quá, cố gắng lo công việc gia đình, giúp cha mẹ…Anh rất thông cảm với nỗi khó khăn của gia đình Cúc ở quê nhà, nhưng bây giờ đành chịu vậy, Cúc cố gắng giải quyết mọi việc gia đình mình cho tốt. Ngày nào kháng chiến thắng lợi, anh sẽ gánh vác một phần cho Cúc đỡ vất vả. Ngày thắng lợi chắc không xa lắm!... Anh mong ngày kết thúc chiến tranh thắng lợi được sống trong tình thương của gia đình và bà con làng xóm…gần 20 năm xa nhà rồi còn gì nữa! Ngày ấy rồi nhất định sẽ đến… Cuối thư, anh gửi đến Cúc tất cả tình yêu thương nhớ của anh”.

Đọc đến đây bà Cúc nhìn ông Giao nói trong hạnh phúc: “Ngày ấy đã đến và giờ đây chúng tôi đã được đoàn viên bên con cháu, thật mãn nguyện không mong gì hơn”.  Giải thích về lý do thất lạc lá thư, được lưu giữ ở nước Mỹ sau 22 năm, ông Giao thổ lộ: “Sở dĩ lá thư ấy không đến được vợ tôi, bởi người chiến sĩ giao liên ấy đã hy sinh, lính Mỹ đã đem bức thư ấy trở về và được giữ đến tận ngày tôi nhận ra nó, không thể cắt nghĩa được những điều kỳ diệu ấy...”

 Hạnh phúc tuổi xế chiều

Giờ đây, dù đã ngoài 80 tuổi, hai vợ chồng ông Giao vẫn còn khoẻ và khá minh mẫn.
Hằng ngày, hai vợ chồng ông vẫn tất bật với vài sào rau màu trước nhà, vui thú cùng đàn gà, vịt. Mỗi sáng, niềm vui lớn nhất của ông Giao là tỉ mỉ chăm sóc những chậu lan, cây kiểng trong vườn.

Niềm vui của ông bà như được nhân lên khi con cháu đã thành đạt. Người con trai duy nhất Trần Hoàng Triệu là đại tá, nguyên Chánh thanh tra Công an tỉnh Quảng Ngãi (nay đã đến tuổi nghỉ hưu). Con dâu là cán bộ ngành giáo dục huyện, hai cháu nội ngoan ngoãn, công việc ổn định. Vợ chồng ông đang sống một cuộc sống thật bình dị và hạnh phúc bên con cháu.


Ghi chép của Kim Ngân  
 


.