34 năm truy tìm đối tượng truy nã

09:09, 08/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với tội danh "âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng", nhiều đồng bọn bị tử hình, hàng trăm người bị tù giam và đi cải tạo, riêng y đã trốn thoát. Hơn 34 năm tưởng như vụ án chìm vào quên lãng, y ung dung hưởng thụ tuổi già bên con cháu. Nhưng suốt thời gian ấy, Cơ quan an ninh điều tra vẫn không một ngày nghỉ ngơi để lần tìm bắt y xử lý theo quy định của pháp luật.
 

 Đối tượng Lê Văn Khiêm.
Đối tượng Lê Văn Khiêm.

 "Lưới trời lồng lộng..."

Tháng 8.1977, lực lượng An ninh Công an tỉnh Nghĩa Bình đã phá vụ án phản cách mạng với cái tên “Lực lượng phục quốc” tại Quảng Ngãi.  Vụ án có hàng trăm đối tượng tham gia, do các đối tượng Trần Hồ, Đồng Minh Lượng, Lê Thận, Lâm Quốc Lễ cầm đầu với âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Sau khi kết thúc điều tra, vụ án đưa ra xét xử. TAND tối cao uỷ quyền cho Toà phúc thẩm tại Đà Nẵng xét xử sơ, chung thẩm tại thị xã Quảng Ngãi.

Bốn bị cáo cầm đầu gồm Trần Hồ, Đồng Minh Lượng, Lâm Quốc Lễ và Lê Thận đều bị tuyên án tử hình vì tội “Âm mưu lật đổ chính quyền Cách mạng”. 16 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 5 năm tù giam đến tù chung thân; hàng trăm đối tượng còn lại bị đưa đi tập trung cải tạo. Riêng Lê Văn Khiêm (SN 1956, thường trú xã Nghĩa Phương - Tư Nghĩa) là một trong những đối tượng cầm đầu, cốt cán của tổ chức phản cách mạng đã trốn thoát. Công an tỉnh Nghĩa Bình đã ra lệnh truy nã toàn quốc.

Quyết tâm bắt cho được tên tội phạm nguy hiểm đang lẩn trốn, Cơ quan An ninh điều tra Nghĩa Bình, nay là Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ không biết bao công sức lần tìm. Nguồn tin duy nhất, đối tượng Lê Văn Khiêm đã thay tên đổi họ và đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Giữa hàng triệu người nhập cư tại TP Hồ Chí Minh là điều không hề đơn giản để tìm ra đối tượng Lê Văn Khiêm.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin liên quan về đối tượng. Nhận định Lê Văn Khiêm không có giấy tờ, sống trốn tránh ở những khu vực bến tàu xe, hoặc những khu kinh tế mới, Cơ quan an ninh điều tra tập trung sàng lọc đối tượng. Sau một thời gian phối hợp, năm 2006 Công an TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin cho Công an Quảng Ngãi về việc phát hiện đối tượng truy nã Lê Văn Khiêm nghi vấn giống đối tượng có tên Trần Ngọc Lộc, hiện đang sinh sống tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Đối tượng Trần Ngọc Lộc thường được bà con hàng xóm gọi ông là “Sáu Sâm” (bán nước sâm). Nhưng không ai nghĩ rằng ông Sáu Sâm lại là người nghi vấn đang trốn truy nã trên 30 năm.

 Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo phòng An ninh điều tra tiến hành lập kế hoạch thu thập tài liệu, chứng cứ và đấu tranh Trần Ngọc Lộc có phải là Lê Văn Khiêm. Cuối năm 2010, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Bình Chánh và các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh kết luận dấu vân tay mười ngón trên chỉ bản của CMND do Công an TP Hồ Chí Minh lập ngày 14.2.2006 mang tên Trần Ngọc Lộc trùng giống với dấu vân tay mười ngón trên căn cước dân sự do chính quyền chế độ cũ lập ngày 24.1.1969 mang tên Lê Văn Khiêm, sinh ngày 18.2.1953. Qua nhiều ngày đấu tranh, cuối cùng Trần Ngọc Lộc phải cúi đầu khai nhận chính là Lê Văn Khiêm và thừa nhận đã tham gia vào tổ chức “Lực lượng phục quốc” trước đây.

 Bộ mặt thật “ông Sáu Sâm”

Qua đấu tranh, Lê Văn Khiêm khai nhận, khoảng tháng 10.1977 biết được lực lượng an ninh Nghĩa Bình đang bao vây bắt các đối tượng trong tổ chức phản động “Lực lượng phục quốc”. Lê Văn Khiêm nhanh chóng bỏ vợ con trốn chạy vào TP Hồ Chí Minh. Lê Văn Khiêm tìm đến bến xe miền Tây trà trộn vào thành phần nhóm người lang thang cơ nhỡ. Ban ngày ai thuê gì làm nấy, ban đêm ngủ dưới gầm xe. Một lần Lê Văn Khiêm tình cờ nhặt được một CMND có tên Trần Ngọc Lộc, ở tỉnh Hậu Giang. Y gắn hình của mình vào, từ đây y có tên Trần Ngọc Lộc.

Tại bến xe miền Tây, Lê Văn Khiêm gặp bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, quê ở TP Quảng Ngãi, chuyên buôn hàng đường dài. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đến với nhau sống như vợ chồng và sinh con. Năm 1981, UBND TP Hồ Chí Minh có chính sách thu gom những người sống lang thang ở vỉa hè để đưa lên vùng kinh tế mới xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Hai vợ chồng Lê Văn Khiêm được đưa lên khu kinh tế mới này và được cấp 400m2 đất để làm nhà ở. Hai vợ chồng sống bằng nghề bán nước sâm và nước giải khát.

Vợ chồng lần lượt sinh 3 người con. Được vài năm sau, người vợ Nguyễn Thị Tuyết Nga chết vì bệnh. Suốt thời gian dài gia đình Khiêm không có hộ khẩu. Để cho con đi học nên y đã đến UBND xã xin giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn nên chưa nhập được hộ khẩu vào TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2005, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương, công dân nào sống lâu năm ở TP nhưng chưa có hộ khẩu thì sẽ được nhập khẩu vào TP với điều kiện có hộ khẩu gốc. Sau khi có xác nhận không còn hộ khẩu gốc tại Quảng Ngãi, Lê Văn Khiêm làm các thủ tục nhập khẩu. Đến ngày 16.1.2006  được cấp sổ hộ khẩu với tên chủ hộ Trần Ngọc Lộc. Kể từ đây các giấy tờ tuỳ thân đều có tên Trần Ngọc Lộc.

Trả lời với Cơ quan An ninh điều tra về việc liên hệ với người thân ở quê. Lê Văn Khiêm cho biết, với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, nhẹ cũng bị tù chung thân, nên xác định bỏ trốn và không bao giờ liên hệ người thân. Cả khi gặp người con ruột (con của người vợ trước) vào bán vé số ở TP Hồ Chí Minh y cũng không dám nhận.  

“Lưới trời lồng lộng” sau 34 năm lẩn trốn và mạo danh tên tuổi khác, giờ đây y phải nhận lại cái tên thật của mình là Lê Văn Khiêm. Hiện Cơ quan An ninh điều tra đã chuyển vụ việc cho cơ quan chức năng liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.


Bài, ảnh: Thành Sự


.