Sơn Tây: Trả tiền hỗ trợ cho chủ đất cũ, lại gặp khúc mắc

02:08, 14/08/2013
.

(QNĐT)- Với chủ trương: Chi trả khoản hỗ trợ về cho chủ đất cũ, với số tiền cao gấp 2,5 lần so với tiền đền bù của chính quyền huyện Sơn Tây đưa ra, đã giúp cho số dân nghèo có đất giải tỏa của thủy điện Đakdrinh lở bán với giá rẻ giảm rất nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên bên cạnh đó hàng loạt hộ khác đã mua từ hàng chục năm trước để sản xuất cũng bị  vạ lây.

TIN LIÊN QUAN

Chủ cũ làm khó chủ mới

Ông Vũ Văn Sáu (sinh 1955), ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung bức xúc phản ánh: Vào năm 2002, do muốn mở trang trại nên đã mua của ông Đinh Văn Nhiếu (sinh 1961), ở thôn Ra Manh, xã Sơn Dung (nay thuộc xã Sơn Long), diện tích đất rừng khoảng 4,5ha và ngôi nhà cũ, với giá hơn 400 triệu đồng.

 

Ông Sáu, một trong số những người đang có nguy cơ mất tiền tỉ vì khoản tiền hỗ trợ cho chủ đất cũ.
Ông Sáu, một trong số những người đang có nguy cơ mất tiền tỉ vì khoản tiền hỗ trợ cho chủ đất cũ.


Việc mua bán trên có sự chứng nhận của UBND xã Sơn Dung. Sau khi mua xong, ông Sáu đã đầu tư hàng chục triệu đồng để trồng cà phê, quế...

Khi dự án thủy điện Đakdrinh triển khai xây dựng, do nằm trong diện giải tỏa nên đầu năm 2011, ông Sáu đã được đền bù cây trồng trên đất, với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng. Điều đáng nói là qua việc này, ông Sáu mới tá hỏa khi phát hiện mảnh đất của mình bị ông Nhiếu lén cắt bán cho người khác gần 2ha.

Do gia đình neo người, lại bận làm nghề mộc; hơn nữa ông Nhiếu là người quen nên khi mua và trồng cây xong ông đã thuê và giao luôn cho ông Nhiếu chăm sóc, với tiền công từ 6-8 triệu đồng/năm; thỉnh thoảng ông mới lên xem thử nên không phát hiện được ông Nhiếu cắt đất bán bớt cho người khác, ông Sáu bộc bạch. Và ông Sáu càng giận hơn khi vừa qua, vin vào cớ UBND huyện Sơn Tây chi trả khoản hỗ trợ cho chủ đất cũ nên ông Nhiếu nhất quyết đòi ẵm trọn khoản chi trả trên, với số tiền trên 1,5 tỉ đồng.

Tại buổi hòa giải do chính quyền Sơn Long tổ chức vào ngày 24.5.2013 vừa qua, dù ông Sáu đồng ý sẽ cho 10% tổng số khoản tiền trên, thế nhưng ông Nhiếu vẫn không chịu.

Không riêng gì ông Sáu, qua tìm hiểu thì hàng chục hộ khác ở xã Sơn Dung cũng bị chủ đất cũ kiên quyết đòi ẵm trọn tiền hỗ trợ, dù mảnh đất của họ đã bán cách đây hàng chục năm.

Cần giải quyết hợp lý

Thượng tá Đinh Quang Ven- Trưởng công an huyện Sơn Tây cho biết: Trong đợt chi trả sắp đến, ước khoảng 394 hộ ở 2 xã Sơn Dung và Sơn Long có đất nằm trong diện giải tỏa của dự án thủy điện Đakdrinh, với tổng số tiền đền bù và hỗ trợ trên 150 tỉ đồng.

Qua xác minh và điều tra, thì tại xã Sơn Dung có 78/242 hộ đã bán đất; còn Sơn Long là 37/152 hộ. Sắp đến công an huyện sẽ mời số đã mua và bán đất trên lên để giải quyết.

Theo đó những trường hợp nào mà số tiền mua bán chênh lệch quá lớn so với khoản đền bù và hỗ trợ, thì sẽ cho hai bên thương lượng nhằm tránh tranh chấp, gây mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, Thượng tá Ven bày tỏ: Để hài hòa lợi ích cho cả hai bên, cơ quan chức năng cần xác định thời điểm mua bán cụ thể để làm cơ sở thương lượng, tránh những trường hợp bên mua, hoặc bên bán ai cũng đòi phần nhiều hơn.

Ông Đinh Cà Để- Bí thư huyện Sơn Tây khẳng định: Chủ trương chia tiền đền bù (gồm cây trồng, vật kiến trúc đất) để trả cho người mua (chủ đất mới) và khoản hỗ trợ thì trả cho chủ đất cũ (người bán) là nhằm giảm bớt thiệt thòi cho số hộ đã lỡ bán, bị gạ bán với giá rẻ; đồng thời hạn chế tình trạng giành giật, khiếu kiện... Tuy nhiên để tránh thiệt thòi cho số đã mua từ hàng chục năm trước, Huyện ủy sẽ chỉ đạo cho các cấp ngành Sơn Tây làm rõ, rồi mới cho tiến hành chi trả tiền đền bù, hỗ trợ.
                      

 Công Hoàng
 


.