Người chỉ huy về hưu giàu lòng nhân ái

05:08, 29/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trẻ và linh hoạt hơn nhiều so với tuổi 61. Đại tá Nguyễn Thanh Phương - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Ngãi vẫn tràn đầy nhiệt huyết.

 Rời quân ngũ sau 42 năm phục vụ trong quân đội, 34 năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, ở mỗi cương vị công tác ông đều để lại cho cán bộ, chiến sĩ dưới sự chỉ huy của mình tấm gương sáng về đạo đức, tinh thần tận tụy với công việc, tình thương yêu đồng chí đồng đội, quan tâm chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ, tạo điều kiện cho những cán bộ thuộc quyền phát huy tối đa năng lực.  Những ai có điều kiện tiếp xúc, làm việc với ông đều có cảm giác ấm áp, tự tin.

 

Ông Nguyễn Thanh Phương (bên phải) trao quà cho nạn nhân chất độc da cam xã Sơn Hạ (Sơn Hà).                         Ảnh V.Tánh
Ông Nguyễn Thanh Phương (bên phải) trao quà cho nạn nhân chất độc da cam xã Sơn Hạ (Sơn Hà). Ảnh V.Tánh


Đi đến đâu ông cũng được anh em quý mến, chào đón. Tuổi trẻ cống hiến cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với mức thương tật 41%. Hòa bình, ông lại đi hết đơn vị này đến đơn vị khác, lo cho đồng đội, cho người dân. Nghỉ hưu ông lại tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hoạt động từ thiện tài trợ, ủng hộ cải thiện đời sống cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Và ông cũng không quên đóng góp, hiến kế cho công tác bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng tỉnh trong nhiều năm qua. Cuộc đời ông là những chuỗi ngày cống hiến, hy sinh không toan tính hơn thiệt, con người ông sinh ra là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Nói về ông, Thượng úy Trần Đình Ngọc - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tịnh Kỳ- Đồn BP Sa Kỳ, Bộ đội Biên phòng tỉnh kể với lòng cảm phục: Tôi nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng, may mắn được ăn ở và làm việc cùng đồng chí Phương. Với tôi, đồng chí Phương vừa là thủ trưởng, vừa là người cha, người chú, nghiêm khắc, chỉ bảo tôi trong từng lời nói, việc làm. Căn dặn tôi giữ nghiêm kỷ luật dân vận, quan hệ tốt với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, không được nhũng nhiễu bà con ngư dân, tạo điều kiện, giúp đỡ nhân dân ra vào làm ăn trên biển, làm sao đi  dân nhớ, ở dân thương.

Khi còn đương chức, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ biên giới, kiên quyết xử lý các trường hợp xâm phạm chủ quyền. Đồng chí Phương đã từng căn dặn: “Đối với người lính biên phòng một tấc đất của Tổ quốc cũng phải giữ cho bằng được, nếu không thì có tội với nhân dân”. Mùa mưa bão đồng chí Phương thường xuyên có mặt ở những nơi xung yếu để cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Rời quân ngũ năm 2011 để nghỉ hưu, nhưng vì nặng nợ với đồng đội, với nạn nhân da cam, ông tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh trên cương vị Phó Chủ tịch hội. Với những người bị nhiễm chất độc da cam họ vừa là hội viên, vừa là người thân của ông, nên ông lo cho họ bằng cả tình thương và trách nhiệm. Từ khi tham gia vào hội, ông cùng tập thể hội vận động xây dựng nhà tình thương, xây dựng Trung tâm chăm sóc, điều dưỡng cho hội viên, hỗ trợ cây trồng, con giống, vật nuôi cho nạn nhân chất độc da cam. Niềm hạnh phúc của ông là mỗi ngày có một hội viên được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Hội không có ô tô, ông bỏ tiền cá nhân thuê xe để đi, hết tiền ông đi xe máy, nơi nào xe máy không đi được thì ông đi bộ. Ông nói: Nạn nhân chất độc da cam đa phần là những người lính trong chiến tranh từ các chiến trường trở về, người dân bám trụ ở vùng có chiến sự ác liệt trên núi cao, rừng sâu, mình không đi, không đến làm sao biết họ thế nào để mà giúp đỡ.

Nói về ông, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Duy Thắng, quê ở Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bày tỏ: Tôi bị nhiễm thứ chất độc giết người của Mỹ ở chiến trường Quảng Ngãi, bệnh tật dày vò thân thể không đêm ngày nào được ăn ngon, nằm yên, kinh tế gia đình khó khăn cùng cực. Nhưng rồi nhờ anh Phương  giúp tôi liên hệ với các cơ quan để làm các thủ tục, đi giám định và giờ được hưởng chế độ của Nhà nước, cuộc sống cũng đỡ hơn.

Nói về công việc đang làm, ông tâm sự: “Quảng Ngãi là mảnh đất bị bom đạn, chất độc khai hoang của Mỹ dày xéo. Trên mảnh đất đầy vết tích bom đạn này, đi đến đâu cũng gặp người nhiễm thứ chất độc giết người này. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm rồi, song nỗi đau da cam thì vẫn âm ỉ nhức nhối trong lòng dân tộc và những người có lương tri trên toàn thế giới. Nhìn các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba mà thương tâm, hình hài dị dạng vừa chào đời đã vội lìa cõi trần gian bởi di chứng quá nặng, đứa may mắn sống sót lớn lên thì không tự chủ được trong cuộc sống. Tôi mong Nhà nước có những chính sách thiết thực hơn đối với nạn nhân chất độc da cam/diôxin để họ được hưởng chế độ ưu đãi, bớt đi những khó khăn trong cuộc sống.


 Mai Hòa
 


.