Mùa di trú

11:08, 18/08/2013
.

(QNg)- Nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở núi, nên mỗi khi bước vào mùa mưa lũ, 40 hộ dân ở thôn Trà Khương, xã Trà Lâm (Trà Bồng) lại dắt díu nhau di trú sang những túp lều tạm do chính quyền địa phương hỗ trợ. Những “căn nhà” tạm lọt thỏm giữa ruộng lúa, cao chưa tới ngọn bắp, không đủ sức che chắn…

TIN LIÊN QUAN

Cách trung tâm xã Trà Lâm hơn 10km đường núi, nên việc đi lại của người dân tổ 1, 2 và 5 của thôn Trà Khương gặp rất nhiều khó khăn. Những đoạn đường lởm chởm đá cùng nhiều con suối cắt ngang đường… đã trở thành nỗi ám ảnh đối với 40 hộ dân vào mỗi mùa mưa lũ.

Chật vật trong “lều” tạm

Đến giờ, ông Hồ Văn Phương (tổ 5, thôn Trà Khương) vẫn nhớ như in trận mưa bão tháng 11 năm ngoái, bởi nhà ông đã bị đất đá từ ngọn đồi sau lưng nhà đánh sập ngay trong lúc mọi người đang ngủ.  “Đất đá sạt xuống “nuốt” luôn nhà bếp rồi chôn sống con bò của gia đình tôi. Nhưng may mắn là những người trong gia đình không bị gì”, ông Phương kể.

 

Những mái nhà tạm không đủ sức che chắn cho người dân trong mùa mưa bão.
Những mái nhà tạm không đủ sức che chắn cho người dân trong mùa mưa bão.


Nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở nên mỗi khi gần đến mùa mưa bão, người dân Trà Khương ai nấy đều sống trong lo âu, thấp thỏm. Vì thế, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hằng năm UBND xã Trà Lâm đều bỏ kinh phí và vận động thêm ngày công của người dân các thôn lân cận như Trà Lạc, Trà Xanh… đến hỗ trợ người dân Trà Khương làm nhà tạm.

Đến hẹn lại lên, vào tầm tháng 10 hằng năm, gần 200 khẩu của tổ 1, 2 và 5 thôn Trà Khương lại dắt díu nhau rời nhà kiên cố để vào ở trong những căn nhà tạm đơn sơ và rộng chưa đầy 12m2. Dẫn chúng tôi đi thăm những ngôi nhà tạm nằm nép mình bên ruộng bắp, anh Hồ Văn Phan nói: “Sang nhà tạm thì được cái yên giấc vì không còn lo bị núi đè. Nhưng mỗi khi mưa to hay gió lớn thì lại lo. Lo nhà dột, lo nhà sập, lo nước ngập”.

Những căn nhà tạm với diện tích chưa đầy 12m2 chỉ đủ chỗ để kê giường ngủ và một lối đi hẹp. Nhà tạm tuềnh toàng không che nổi nắng mưa lại chật hẹp, nên mọi sinh hoạt của người dân đều bị gò bó. Nhiều gia đình có 6 thành viên trở lên là căn nhà tạm đã không còn đủ chỗ. Khổ nhất là những cụ già tuổi cao sức yếu, nhưng cũng phải chống gậy ra sống nhiều tháng liền ở nhà tạm. Vách nhà chỉ là một lớp tôn mỏng, không đủ sức che chắn trước gió mưa, trở thành nỗi ám ảnh đối với những người già và trẻ nhỏ nơi đây mỗi khi mưa lũ tràn về.

Cần giải pháp lâu dài

Hàng năm, chỉ tính riêng kinh phí làm nhà tạm cho các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở ở Trà Khương, chính quyền địa phương đã phải bỏ ra nguồn kinh phí gần 100 triệu đồng. Đó là chưa kể đến chi phí hỗ trợ mua gạo dự trữ và các vật dụng cần thiết cho bà con thuộc diện di dời. Thế nhưng, những căn nhà tạm này chỉ  có “hạn sử dụng” qua một mùa mưa bão. Vì vậy, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời. “Vì nguồn kinh phí dự phòng của xã có hạn nên chỉ có thể làm được nhà tôn, nhà tạm cho người dân trú vào mỗi mùa mưa bão. Đây chỉ là phương án tạm thời để ứng phó với tình hình sạt lở, chứ không thể để người dân phải chịu khổ như thế mãi được”, ông Hồ Văn Nhanh - Chủ tịch UBND xã Trà Lâm cho biết.

Được biết, hiện xã Trà Lâm đã tìm được mặt bằng tái định cư mới cho các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở tại khu vực đồi A Nhoi, giáp ranh với thôn Trà  Xanh, nhưng lại không có kinh phí để san ủi mặt bằng và phân lô. Vì vậy, trong khi chờ đợi ngày chuyển sang nơi ở mới, gần 200 khẩu ở vùng nguy cơ sạt lở núi Bơ Ri lại tiếp tục sống chật vật trong không gian tù túng, ẩm ướt và mong chờ mùa mưa chóng đi qua...


Bài, ảnh: Ý THU
 


.