Lại cấm “ngực lép” lái xe

09:08, 25/08/2013
.

Sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” vào năm 2008, Bộ Y tế vừa tiếp tục muốn siết các tiêu chuẩn về sức khỏe đối với người lái xe theo hướng “ngực lép” không được lái xe, ngực to được lái xe lớn

Theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe (dự thảo) đề ngày 7-8 mà chúng tôi đang có, người dân muốn đủ điều kiện lái ô tô và xe máy phải đáp ứng được 83 tiêu chuẩn về sức khỏe.


Vòng 1 phải hơn 72 cm

Đáng chú ý nhất trong các tiêu chuẩn về sức khỏe là việc quy định muốn được cấp giấy chứng nhận sức khỏe để lái xe máy từ 50 cm3 trở lên (giấy phép lái xe hạng A1, B1) thì phải có vòng ngực trung bình không dưới 72 cm, cân nặng không được dưới 40 kg, lực bóp tay không thuận trên 24 kg và phải có chiều cao trên 1,5 m (hạng B1); trên 1,45 m (hạng A1 - xe máy có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175 cm3).
 
 

Muốn tham gia điều khiển xe máy, khả năng công dân sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện vô lý Ảnh: TẤN THẠNH
Muốn tham gia điều khiển xe máy, khả năng công dân sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện vô lý Ảnh: TẤN THẠNH


 
Nếu các chỉ số về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay thuận, lực kéo thân càng lớn thì người dân càng có cơ hội để thi lấy giấy phép lái xe lớn hơn. Cụ thể, để đủ sức khỏe thi giấy phép lái xe hạng C, D, E, F, A2 thì phải có chiều cao trên 1,6-1,62 m; cân nặng trên 47 kg; vòng ngực trung bình trên 76-78 cm. Nếu quá thấp bé, nhẹ cân; có chiều cao dưới 1,45 m không được xếp vào nhóm đủ điều kiện lái xe máy 50 cm3; chiều cao đạt yêu cầu nhưng trọng lượng cơ thể không đủ 40 kg cũng không đủ điều kiện để lái xe.

Ngoài 6 tiêu chí về thể lực, dự thảo còn đưa ra 77 tiêu chí khác quy định về chức năng sinh lý, bệnh tật, trong đó có những người bị bệnh da liễu, trĩ, suy thận, cận thị… ở một số cấp độ khác nhau sẽ không đủ điều kiện để lái những loại xe khác nhau.

Năm 2008, Bộ Tư pháp từng “tuýt còi” Quyết định 33 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và Quyết định 34/2008 về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người khuyết tật điều khiển mô tô, xe ba bánh. Cả 2 quyết định này đều của Bộ Y tế ban hành. Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ ban hành nên việc Bộ Y tế tự ý ban hành là không đúng thẩm quyền. Hơn nữa, việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn (83 tiêu chuẩn), đặc biệt có những tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác không phù hợp với thực tế đã làm hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo sự đối xử không cần thiết với một số công dân.

Một cán bộ của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết những quy định trong dự thảo không khác nhiều lắm so với nội dung trong 2 quyết định đã bị “tuýt còi” năm 2008.

Có nhầm lẫn?

Tuy nhiên, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-8, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết báo chí đã nhầm lẫn khi phản ánh về chuyện “ngực lép” mới được lái xe bởi Bộ Y tế chỉ mới thành lập ban soạn thảo và chưa công bố lấy ý kiến nội dung dự thảo nào liên quan đến vấn đề này. Trước khi soạn thảo sẽ có khảo sát các thông số, chỉ số sinh học (chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực, tình trạng sức khỏe) của những người đang lái xe. Các chỉ số khảo sát này góp phần làm cơ sở xây dựng các chỉ số sức khỏe bảo đảm cho vận hành phương tiện giao thông. Từ đây, có thể sẽ có các quy định khác nhau với lái xe chuyên nghiệp và lái xe của gia đình.

“Đến thời điểm hiện tại chưa có dự thảo nào được đưa ra như một số báo chí thông tin thời gian qua” - ông Tường khẳng định và cho biết dự kiến thông tư này sẽ ban hành trong năm 2014.

Thế nhưng, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế giao thông vận tải (GTVT) - Bộ GTVT, khẳng định bản dự thảo công bố ngày 7-8 mới đây đã được Bộ Y tế thông qua. Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT, cũng cho biết 3 bộ: Y tế, GTVT và Công an đã họp bàn 2 lần và cơ bản thống nhất về các nội dung như trong bản dự thảo này.

Ông Triển cũng khẳng định Bộ Y tế chủ trì xây dựng dự thảo thông tư liên tịch và Bộ GTVT có trách nhiệm tham gia đóng góp ý kiến. Để thực hiện việc đó, Cục Y tế GTVT đã xin ý kiến các đơn vị của Bộ Y tế và các cục, vụ chức năng trong Bộ GTVT về nội dung dự thảo. Qua đó, đơn vị này xây dựng nội dung thông tư mang tính sơ khảo và gửi cho Bộ Y tế từ mấy tháng trước. Bộ Y tế đã thành lập một đơn vị soạn thảo và họp nhiều lần với sự tham dự của đại diện Bộ GTVT.

 

Theo Người lao động


.