“Có bột chưa gột nên hồ”

06:08, 27/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Định suất đầu tư công trình dân sinh cho người dân Tây Trà có lẽ đứng vào hàng cao nhất tỉnh. Tuyến đường nào cũng mấy chục tỷ đồng. Vậy mà hầu hết các tuyến đường ấy lại “có vấn đề” trong thi công!

TIN LIÊN QUAN

Những tuyến đường ì ạch

Từng được kỳ vọng khi đưa các tuyến đường giao thông nối liền trung tâm huyện lỵ đi các xã làm thay đổi đáng kể diện mạo miền núi Tây Trà nhưng sau 10 năm thành lập huyện, nhìn lại thì nhiều tuyến đường vẫn chưa đâu ra đâu! Hiện tại, ngoài tuyến đường Trà Phong (tức là trung tâm huyện lỵ Tây Trà) đi Trà Trung là ổn, còn lại 6 tuyến đường khác có nhiều đoạn vẫn đang trong tình trạng dang dở, gập ghềnh, giao thông không đảm bảo.

 

Tuyến đường Trà Lãnh – Trà Trung đi Di Lăng (Sơn Hà) là tuyến duy nhất hoàn thành đúng tiến độ.
Tuyến đường Trà Lãnh – Trà Trung đi Di Lăng (Sơn Hà) là tuyến duy nhất hoàn thành đúng tiến độ.


Hiện nay trên địa bàn huyện Tây Trà có 3 công trình giao thông với khoảng 110 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ hết hạn thi công hàng năm trời mà chưa hoàn thiện. Đó là các tuyến: Trà Phong – Trà Xinh được đầu tư gần 30 tỷ đồng thi công từ năm 2009 đến nay nhiều đoạn vẫn chưa thông. Tuyến Trà Lãnh – Trà Thọ, khởi công cùng thời điểm với gần 26 tỷ đồng giờ trong “giai đoạn hoàn thiện”. Tuyến Trà Phong – Trà Thanh khởi công năm 2010 vốn gần 53 tỷ hiện mới chỉ đạt 75% khối lượng.

Từ nguồn ngân sách tỉnh, năm 2009, Tây Trà được đầu tư hơn 31 tỷ đồng xây dựng tuyến đường ngã ba Trà Bao đi Trà Quân. Đến nay còn 1,4 km chưa thi công, đi lại rất khó khăn. Cứ mưa xuống là Trà Quân bị cô lập. Tuyến Trà Phong – Trà Ka, khởi công xây dựng năm 2011, vốn gần 50 tỷ đồng đến nay mới đạt 50% tiến độ. Từ Chương trình 30a, Tây Trà đầu tư 2 tuyến Trà Phong – Gò Rô – Trà Bung hơn 47 tỷ đồng, giờ nhiều đoạn vẫn nằm bất động. Tuyến Trà Bao – Trà Khê, vốn hơn 32 tỷ đồng, hết thời hạn thi công mới chỉ đạt 50% khối lượng công việc.

 Nhà thầu thiếu trách nhiệm

Tính chung từ năm 2009 đến nay, huyện Tây Trà đã được tỉnh cho chủ trương đầu tư nhiều tuyến đường trọng yếu từ huyện về xã, với tổng số vốn gần 300 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh và Chương trình 30a.


Sở dĩ tỉnh tập trung cho Tây Trà là vì muốn sớm vực dậy kinh tế - xã hội ở huyện nghèo này. Thế nhưng, chính từ chỗ có quá nhiều công trình vốn lớn được đầu tư cùng lúc đã khiến chủ đầu tư là UBND huyện Tây Trà rơi vào lúng túng trong quá trình quản lý. Quá trình thi công các tuyến đường này, trên địa bàn huyện Tây Trà đã có hai nhà thầu bị cắt hợp đồng vì ứng vốn rồi “hạ sơn”, không thực hiện  cam kết với chủ đầu tư. Đó là Công ty TNHH Hoàn Vũ – trúng thầu gói thầu số 4 tuyến đường Trà Phong – Trà Ka. Nhà thầu này hiện chưa trả lại số tiền tạm ứng hơn 2 tỷ đồng. Tuyến Trà Phong – Gò Rô – Trà Bung thì bị nhà thầu là Công ty TNHH Thiên Vũ “ôm” hơn 5,1 tỷ đồng rồi lặn mất.
 
Các tuyến còn lại, nhà thầu sau khi ứng vốn mặc dù chưa đến mức “lặn” nhưng cũng đã tự ý dừng thi công nhiều tháng, thậm chí cả năm trời không quay trở lại công trường. Đơn cử như tuyến Trà Phong – Trà Khê, liên danh nhà thầu là hai doanh nghiệp đã lấy lý do “khó khăn về tài chính” nên không tập kết máy móc, vật tư, lao động để tiếp tục thực hiện dự án. Tuyến Trà Bao – Trà Quân, một công ty xây dựng trúng thầu đoạn giữa của tuyến đường đã không thực thi hợp đồng, bỏ dở 1,4km nham nhở trên cung đường huyết mạch Trà Quân về huyện lỵ.

Chủ đầu tư chưa… làm chủ!

Sự quan tâm đặc biệt của tỉnh dành cho huyện nghèo Tây Trà đã thấy rõ. Nếu như UBND huyện Tây Trà phát huy được vai trò, vị trí của một chủ đầu tư thực thụ thì có lẽ đường từ Tây Trà đi các xã đã không còn gập ghềnh, lồi lõm như hiện nay. Hơn thế, các nhà thầu cũng không thể phớt lờ trách nhiệm của bên thi công mà tự ý bỏ dở công trình. Sự đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn để buộc những nhà thầu phải thực thi cam kết dường như vẫn chưa được chủ đầu tư là UBND Tây Trà áp dụng!

 

Tuyến đường Trà Bao – Trà Quân còn 1,4km gập ghềnh sỏi đá.
Tuyến đường Trà Bao – Trà Quân còn 1,4km gập ghềnh sỏi đá.


Chủ đầu tư là UBND huyện Tây Trà thấy rõ có tình trạng nhà thầu mùa nắng, thời tiết thuận lợi thì không tích cực tổ chức thi công, nhưng cứ mưa xuống là “đổ tội” cho thời tiết. Có nhà thầu tuy tổ chức thi công nhưng tiến độ ì ạch, bị nhắc nhở thì cam kết “quyết liệt” nhưng rồi đâu cũng vào đấy! Tuyến đường cả chục  cây số đôi khi chỉ vài chiếc xe máy, mấy công nhân, chủ yếu là để “bảo vệ công trình” thì biết đến bao giờ đường mới thông và thoáng?

UBND huyện Tây Trà thẳng thắn thừa nhận rằng: Năng lực quản lý đầu tư xây dựng của một số đại diện chủ đầu tư còn yếu kém, sự phối hợp chưa kịp thời, ít bám sát công trình, nên không theo dõi được tiến độ thi công của nhà thầu! Thậm chí khi phát hiện đơn vị thi công vi phạm thời gian so với hợp đồng đã ký kết nhưng không kịp thời xử lý, hoặc có xử lý nhưng xuê xoa. Tại Tây Trà còn xảy ra trường hợp nhà thầu xem thường không tham dự các buổi giao ban tiến độ với chủ đầu tư !

Đã đến lúc xử lý mạnh tay!

UBND huyện Tây Trà đã xác định: Mùa mưa năm 2013 sẽ có những biến động phức tạp. Vì vậy, các cơ quan được UBND huyện giao làm chủ đầu tư phải xuống hiện trường, nắm bắt thông tin, tham mưu cho huyện xây dựng phương án ứng phó kịp thời. Các công trình phải đảm bảo điểm dừng kỹ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão. Tổ chức kiểm tra, báo cáo tiến độ thi công để cho tạm ứng, giải ngân, quyết toán chính xác…

Ông Hoàng Anh Ngọc – Chủ tịch UBND huyện Tây Trà chỉ đạo: Đối với các nhà thầu như Công ty TNHH Thiên Vũ, Hoàn Vũ và Xí nghiệp xây dựng Việt Quang vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật. Vốn đã cấp về không được để tồn đọng, phải giải ngân hết cho công trình. Đồng thời giám sát quá trình thi công. Nếu nhà thầu cố tình kéo dài thời gian thì sẽ phạt chậm tiến độ theo đúng quy định…

Những con đường giao thông thuận lợi nối liền trung tâm huyện lỵ Tây Trà với các xã xa xôi là nỗi khát khao bao đời nay của người dân vùng cao gian khó này. Việc để những con đường mà vốn đã cấp nhưng mãi vẫn chưa thành đường là có lỗi với dân. Vậy nên “có bột rồi” UBND huyện Tây Trà cần nỗ lực “gột nên hồ”, biến những con đường to đẹp trên bản vẽ sớm thành hiện thực.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.