Bình Đông những ngày tháng Tám

02:08, 31/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Bình Đông (Bình Sơn) và 3 cá nhân là người con của quê hương Bình Đông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng nhân dân. Những ngày tháng Tám này, làng quê nơi đây như bừng lên sức sống mới.  

TIN LIÊN QUAN

Bình Đông là xã giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào ngày 10.6.1965, lực lượng du kích xã đã phối hợp với bộ phận trinh sát của Quân Khu V, chặn đánh quyết liệt một tiểu đoàn lính đánh bộ Mỹ càn vào thôn Tân Hy, có xe tăng, máy bay và pháo binh yểm trợ. Tiêu diệt được 72 lính Mỹ, làm bị thương 12 tên và bắn cháy 1 xe tăng. Ở trận đánh này, giữa lúc bom rơi, đạn nổ, hơn 150 người dân trong xã kéo ra chặn đầu xe tăng của địch, không để cho chúng phá hại hoa màu, lúa non. Sự tấn công bằng quân sự kết hợp với chính trị ấy, đã giành được thắng lợi vẻ vang và còn in đậm trong trang sử địa phương.

 

   Đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa.                                                                        Ảnh: THANH LONG
Đóng tàu công suất lớn vươn khơi xa. Ảnh: THANH LONG


Sau ngày giải phóng, mặc dù phải  đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống cách mạng của quê hương, người dân xã Bình Đông đã phát huy nội lực, chung lo xây dựng lại cuộc sống mới. Kinh tế- xã hội của xã trong những năm gần đây tăng trưởng đáng kể. Trên những cánh đồng chằng chịt cỏ dại sau chiến tranh ngày nào, giờ đã được khai hoang, phục hoá. Diện tích đất lúa hằng năm khoảng 70-80 ha, sản xuất đạt sản lượng thóc trên dưới 440 tấn. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Toàn xã còn có 129 tàu thuyền với công suất 6.975 CV; mỗi năm khai thác hơn 1.000 tấn hải sản. Đặc biệt vài ba năm gần đây, để vươn ra khơi xa, đánh bắt hải sản, số lượng tàu thuyền trong xã tuy có giảm, song về quy mô, công suất lại tăng lên gần 2.300 CV.

 Để thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Bình Đông phối hợp với các ngành chức năng ở huyện và ở tỉnh, thường xuyên mở các số lớp tập huấn khuyến ngư, khuyến nông cho nông dân. Trong đó đặc biệt chú trọng đến những hộ thuộc diện di dời, giải phóng mặt bằng, nhường đất xây dựng các dự án trên địa bàn.

Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, Hội Nông dân xã và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kết hợp mở 1 lớp tập huấn nuôi trồng thủy sản với 35 hộ tham gia. Hội Phụ nữ xã cùng với Trung tâm dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, mở 2 lớp học nghề may công nghiệp với 50 học viên, là những chị em ở lứa tuổi từ 18 đến 45.

Nhờ những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và các lớp đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn, đã mở ra hướng đi mới cho nhiều người, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Anh Nguyễn Luyến, vức 1, thôn Sơn Trà- một trong những hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế, đi lên từ nghề nuôi cá mú lồng. Với 8 lồng cá diện tích 140m2, anh thả nuôi khoảng 2.500 con cá mú, mỗi năm sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng.

Nếu như gia đình anh Nguyễn Luyến có thu nhập khá từ việc nuôi cá mú lồng, thì ở xã Bình Đông cũng đang “rộ” lên nhiều gia đình, ăn nên, làm ra từ việc đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Ngọc Vũ cho biết: Đầu năm 2013 đến nay, 89 hộ ở xã đã nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng, mỗi vụ 18 ha. Nhiều hộ nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên dịch bệnh gây hại không đáng kể và thu hoạch có lãi cao.

Điển hình như anh Nguyễn Trung Thông, thả nuôi 2 vụ trên diện tích 8.000m2, trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng. Hay như anh Đặng Văn Quang, thả nuôi 2 vụ với diện tích 7.000m2, thực lãi 120 triệu đồng. Theo anh Quang, nghề nuôi tôm gặp khá nhiều rủi ro, do phụ thuộc vào thời tiết, môi trường nước, con giống và dịch bệnh... Để hạn chế rủi ro, cũng như tăng thời vụ tôm lên 2- 3 vụ/năm, thì người nuôi phải không ngừng học hỏi, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.

Bình Đông những ngày tháng Tám này có sự khởi sắc về nhiều mặt. Trường học, trạm xá, chợ búa và nhà cửa của nhân dân được xây dựng khang trang. Cầu cảng cá sông Trà Bồng cũng đang xây dựng tại địa phương với diện tích hơn 23 ha. Đây là dự án phục vụ an sinh xã hội, làm nơi neo đậu tàu thuyền an toàn cho những xã nằm trong KKT Dung Quất.

Đây cũng là nơi tiếp nhận, sơ chế, vận chuyển hải sản ra thị trường, mở ra hướng làm ăn cho nhân dân trong vùng. Từ truyền thống cách mạng của một xã anh hùng và với những thành tựu đã đạt được, tin rằng trong tương lai không xa, cuộc sống người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, giàu mạnh…


Lê Ngọc Tuân

 


.