Xóm đồng lòng

08:07, 31/07/2013
.

(QNg)- Tìm về xóm Đồng Quýt-  xóm “kháng chiến” khi xưa, nơi có 42 gia đình liệt sĩ, 21 thương binh thuộc  thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn), những vướng bận thường nhật dường như tan biến. Trên chính mảnh đất còn lưu dấu miệng hầm, địa đạo nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những công trình được dựng xây bằng tấm lòng thơm thảo của hàng trăm hộ dân nơi đây.

TIN LIÊN QUAN


Cạnh luống bắp, bụi tre… những miệng hầm từng một thời che chở cho cán bộ trong chiến tranh vẫn còn được nhiều hộ dân lưu giữ lại đến tận bây giờ. “Tôi được nghe kể lại rằng để bảo vệ cho chiếc hầm cùng cán bộ trú ẩn, bà nội tôi đã phải đánh đổi cả mạng sống của chính mình. Vì vậy, gia đình tôi muốn giữ lại nó như một kỷ vật thiêng liêng”- ông Nguyễn Quang Thành, xóm Đồng Quýt trầm ngâm.

Một gia đình- ba thế hệ liệt sĩ

Năm 1967, trong một đợt tìm diệt những cơ sở nuôi giấu cách mạng, bà Nguyễn Thị Dơi đã anh dũng hy sinh dưới làn đạn của kẻ thù. Chưa đầy hai tháng sau ngày bà mất, đứa cháu nội đang làm du kích địa phương- Nguyễn Quang Luận cũng ra đi mãi mãi trong một trận càn của địch khi còn ở tuổi đôi mươi. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì người con trai của bà Dơi, ông Nguyễn Quang Tuận – cũng là một du kích tại địa phương, trở thành liệt sĩ.

Cụ Nguyễn Thị Màng bên dấu tích miệng hầm từng nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ.
Cụ Nguyễn Thị Màng bên dấu tích miệng hầm từng nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ.

 

Không riêng gì gia đình cụ Dơi mà ở xóm Đồng Quýt, việc nuôi giấu cán bộ trở thành tinh thần chung của chị em phụ nữ nơi này. Nương theo những khối đá to vững chãi nằm rải rác khắp vườn nhà, các mẹ, các chị cùng chung sức đồng lòng múc từng xẻng đất để đào hầm và địa đạo trú ẩn cho cán bộ nằm vùng. Nhiều đường hầm kéo dài hàng chục mét, nối từ nhà dân ra đến cánh đồng để thuận lợi cho việc tẩu thoát khi bị lộ.

Nhớ lại những đoạn kí ức chắp vá thời thơ ấu, ông Phạm Châu, có mẹ là liệt sĩ Ao Thị Tác kể lại: “Ngày đó, tôi mới lên 8 còn em tôi thì vẫn chưa biết đi. Nhưng mẹ vẫn một tay ôm em, một tay đào hầm để nuôi giấu cán bộ. Lúc mẹ kiên quyết không khai và bị địch bắn, thằng em tôi còn nhỏ quá nên cứ quấy khóc và nằng nặc đòi sữa mẹ…”

“Cánh đồng 2 tấn”

Hòa bình lập lại, tiếp nối  truyền thống anh hùng, nhân dân xóm Đồng Quýt lại tiếp tục chung tay xây đắp quê hương.


Dẫn chúng tôi đi thăm thửa ruộng rộng hơn 3000m2- thửa ruộng chung của cả xóm, ông Châu cười tươi rói: “Cả xóm có 2 thửa ruộng như thế này, một thửa do tổ nông dân quản lý, một thửa do mấy chị phụ nữ quản lý. Vào vụ mùa, mỗi người trong xóm ai cũng có trách nhiệm góp công sức vào việc gieo sạ và chăm sóc.  Sản phẩm thu hoạch sẽ được đóng góp vào công quỹ và cho những gia đình khó khăn vay không lãi suất”.  

 

Người dân tham gia lao động trên “cánh đồng 2 tấn”. Ảnh: Ý THU
Người dân tham gia lao động trên “cánh đồng 2 tấn”. Ảnh: Ý THU


Người góp công gieo sạ, kẻ làm nhiệm vụ phun thuốc, bón phân… tất cả công việc đều được các hộ dân trong xóm luân phiên nhau làm theo trình tự, nhịp nhàng. Đồng lòng vì việc chung không nề hà khó nhọc nên thửa ruộng 3.000m2 của xóm Đồng Quýt lúc nào cũng đạt năng suất từ 2-2,5 tấn/vụ. Nhờ vào những hạt lúa vàng ươm kết tinh từ mồ hôi công sức của tất cả mọi người mà hằng năm, xóm Đồng Quýt có từ 5-7 hộ dân được trợ lực trong lúc khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nhân, người từng ly hương cùng con gái vào Nam kiếm sống cả chục năm trời, giờ trắng tay trở về quê hương và nhận được số vốn vay không lãi suất nhờ vào “cánh đồng 2 tấn”,  ngậm ngùi: “Bao nhiêu năm sống nơi đất khách, giờ  nhận được tình cảm yêu thương, đùm bọc của xóm làng, tôi cảm động vô cùng. Đúng là đi đâu cũng không bằng quê hương, không bằng tình làng nghĩa xóm”.

Ngoài phương thức tạo nguồn vốn sáng tạo này,  nhân dân của xóm có bề dày cách mạng còn đồng lòng đóng góp gần 14 triệu đồng và 300 ngày công để xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa. Ai có tiền góp tiền, ai có sức góp sức. Thế là chỉ sau 3 tháng vận động đóng góp, nhà văn hóa tại xóm Đồng Quýt mọc lên mới tinh bằng chính tấm lòng của những người con quê hương.

Thế hệ đi trước làm gương, thế hệ sau tiếp bước. Cả xóm có hơn 100 học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, thì đã có đến trên 70 em đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Không ngừng giúp sức để cùng vươn lên về mọi mặt, xóm Đồng Quýt hôm nay như vẫn còn giữ mãi chất “lửa” của một thời đạn bom.


Bài, ảnh: Ý THU


.