Quảng Ngãi: Người dân lo ngại trước thông tin bún có hóa chất

08:07, 24/07/2013
.

(QNĐT)- Trước thông tin trong bún có chứa chất làm trắng Tinopal gây hại sức khỏe tại TP. Hồ Chí Minh, người sản xuất lẫn người tiêu dùng Quảng Ngãi đều tỏ ra lo lắng. Trong khi đó, ngành chức năng vẫn chưa triển khai lấy mẫu xét nghiệm và đi kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN
Hóa chất Tinopal là độc chất có khả năng phát huỳnh quang, được sử dụng trong ngành công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy… Khi trộn vào các loại bún, bánh canh, phở, bánh hỏi… sẽ làm thực phẩm có bề mặt trắng, sáng hơn. Tuy nhiên, khi cơ thể con người hấp thu độc chất này sẽ mắc bệnh về đường tiêu hóa, hư niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét dạ dày. Nếu sử dụng lâu dài, người tiêu dùng có khả năng bị suy thận, gan, dẫn đến ung thư.

Thời gian gần đây, tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa độc chất Tinopal, khiến cho người sản xuất và bán bún tại Quảng Ngãi bị ảnh hưởng khá lớn. Chị Nguyễn Thị Bé- tiểu thương bán bún tại chợ tạm Quảng Ngãi cho hay: Từ khi báo đài nói nhiều về tình trạng bún nhiễm chất độc, số lượng bún tôi bán ra mỗi ngày đã giảm một nửa. Không biết tại Quảng Ngãi có tình trạng này không, nhưng chưa gì đã thấy người thiệt hại chính là những tiểu thương bán và các gia đình sản xuất bún.

 

Thông tin bún có hóa chất khiến cho nguồn thu từ việc bán bún của nhiều người giảm sút
Thông tin bún có hóa chất khiến cho nguồn thu từ việc bán bún của nhiều người giảm sút.


“Thường thì tôi bán khoảng 80-100kg bún/ngày nhưng từ khi có thông tin bún chứa chất độc, người tiêu dùng đã e ngại hơn nên tôi chỉ bán được khoảng 40-50kg/ngày. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần đi kiểm tra thực tế, chỗ nào sai thì phạt. Chứ cứ để tình trạng này kéo dài, thông tin lại mập mờ gây ảnh hưởng lớn đến những người làm ăn lương thiện.”- chị Bé bày tỏ.

Cùng hoàn cảnh với chị Bé, còn có hàng chục tiểu thương sản xuất và bán bún tại nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Chị Phạm Thị Minh Cúc- người chuyên bỏ mối bún cho một số cửa hàng bán bún lớn tại TP. Quảng Ngãi cho hay: Ngày trước, tôi bán khoảng 200-300kg bún cho các cửa hàng mỗi ngày rất thuận lợi. Nhưng từ khi có thông tin bún chứa hóa chất, số lượng bún các cửa hàng đặt giảm hẳn. Kéo theo đó là nguồn thu lẫn thương hiệu sản xuất bún gia truyền của gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với tâm lý người tiêu dùng, việc hạn chế dùng bún trong thời gian này là điều dễ hiểu. Họ chưa biết liệu tại Quảng Ngãi có xuất hiện hóa chất trong bún hay không, nên rất dè chừng khi dùng thực phẩm này. Anh Trần Công Thành- ngụ phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi chia sẻ: Món ruột của tôi là bún nước các loại. Sáng nào, trước khi đi làm tôi cũng ghé vào quán bún quen thuộc để dùng. Thỉnh thoảng, gia đình tôi tổ chức liên hoan, cúng giỗ đều mua vài ký bún về ăn kèm. Tuy nhiên, từ ngày có thông tin như vậy, tôi đã dặn vợ hạn chế mua. Bản thân tôi cũng đã chuyển thực đơn ăn sáng qua món khác an toàn hơn.

 

Sắp tới, ngành chức năng sẽ lấy mẫu thử đem đi xét nghiệm và thông báo kết quả rộng rãi cho người tiêu dùng
Sắp tới, ngành chức năng sẽ lấy mẫu thử đem đi xét nghiệm và thông báo kết quả rộng rãi cho người tiêu dùng.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: Hiện ngành y tế và công thương vẫn chưa phối hợp triển khai lấy mẫu và kiểm tra các cơ sở bún trên địa bàn tỉnh vì có sự nhập nhằng trong quản lý. Do đó, chúng tôi vẫn chưa có thông tin  liệu loại thực phẩm này có chứa chất độc gây ảnh hưởng cho người tiêu dùng hay không.

Ông Oai cũng thừa nhận, đến thời gian này, việc chưa triển khai kiểm tra tại các lò sản xuất bún trên địa bàn tỉnh là quá chậm, khiến nhiều người càng có tâm lý hoang mang hơn. “Trước mắt, chúng tôi sẽ lấy mẫu thử đưa đi xét nghiệm tại Đà Nẵng. Sau đó, đề nghị Sở Y tế chỉ đạo có sự phối hợp liên ngành giữa Chi cục và Sở Công thương để kiểm tra và xử lý nếu có sai phạm. Kết quả sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng yên tâm có sự lựa chọn chính xác trong việc sử dụng bún”- Ông Oai tiếp lời.

Việc hạn chế sử dụng thực phẩm liên quan đến bún các loại là lựa chọn thông minh của người tiêu dùng trong thời gian này. Nhưng nhiều người không thể phủ nhận, không ăn loại thực phẩm này là điều thiệt thòi cho cả người bán lẫn người mua.  

Chị Trần Thị Thu Hà- ngụ ở phường Lê Hồng Phong, TP. Quảng Ngãi đặt vấn đề: “Chúng tôi hạn chế ăn thì người bán bún có nguồn thu thấp đi. Nhưng chính chúng tôi cũng thấy tiếc vì phải bỏ qua món ngon liên quan đến bún mỗi ngày. Hiện mọi người đang rất muốn có câu trả lời: Bún sản xuất tại Quảng Ngãi có sử dụng hóa chất hay không. Rất mong ngành chức năng sớm có thông tin để an lòng người tiêu dùng.

 

Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.