Nghị lực của người thương binh một chân, một mắt

06:07, 26/07/2013
.

(QNĐT)- Đùng. Sau tiếng nổ như trời giáng, anh Trần Văn Cần ngất lịm. Lúc tỉnh dậy anh bàng hoàng khi toàn thân máu me bê bết, mắt trái chẳng còn nhìn thấy được nữa, chân phải đã lìa khỏi cơ thể. Đảo mắt nhìn xung quanh, lòng anh quặn đau khi nhiều đồng đội đã ra đi mãi mãi...

* Kí ức không thể nào quên

Như bao chàng trai trẻ thời ấy, một ngày mùa đông năm 1978, chàng thanh niên tuổi đôi mươi Trần Văn Cần ở xóm 11, thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự tại chiến trường K trong sự chia tay quyến luyến và bịn rịn của người vợ trẻ.

Sau 3 năm bám trụ chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt tại chiến trường tỉnh Bát-tam-boong (Campuchia), trong một lần hành quân về tỉnh Ba lin cách Bát-tam-boong khoảng 100 km, Trung đoàn bị phục kích.

Khi hai bên đang giao tranh ác liệt, anh cùng đồng đội vẫn chiến đấu ngoan cường. Bỗng một tiếng nổ vang trời vì vướng phải mìn, Trần Văn Cần ngất lịm. Lúc tỉnh dậy anh chỉ thấy máu tóe ra khắp người, mắt trái chẳng còn nhìn thấy được nữa, chân phải đã lìa khỏi cơ thể, chân trái đầy vết thương. Anh đảo mắt nhìn xung quanh, lòng quặn đau khi nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở đất bạn, một số khác đang quằn quại đau đớn.

Sức mạnh sinh tồn đã giúp ông đứng lên được. Ông lảo đảo bước đi trong sự dìu dắt của đồng chí. Suốt nhiều ngày liền không ăn uống, toàn thân tê dại nhưng vẫn cố lê bước theo đoàn người để tìm bệnh xá điều trị. Ông Cần kể lại giây phút mình bị thương với đôi tay run rẩy và dòng lệ lưng tròng.

* Dù sao đi nữa em vẫn chờ anh

Là thương binh hạng nặng, không thể ở lại chiến trường, Trần Văn Cần được đưa về Trại Điều dưỡng ở Củ Chi rồi Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị.

Được báo tin anh trở về với thân hình tàn phế, người vợ trẻ Hồ Thị Nên đã tức tốc đón xe từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn thăm anh. Vợ chồng sau những tháng ngày xa cách gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Vậy nhưng, họ cũng không nói với nhau nhiều, chỉ nhìn nhau chan hòa nước mắt.

 

Dù cụt một chân và mù một mắt, nhưng với thương bình Trần Văn Cần vẫn không thua gì người bình thường.
Dù cụt một chân và mù một mắt, nhưng thương bình Trần Văn Cần vẫn làm việc không thua gì người bình thường…



Lúc đó ông buồn và thất vọng tột cùng, 24 tuổi đang sức trẻ hừng hực, chưa kịp mang hạnh phúc đến cho vợ lại tàn phế. Những ngày ở trong trại, ông tận mắt chứng kiến cảnh nhiều cô vợ trẻ mang con đến bỏ mặc cho đồng đội cùng số phận như mình rồi ra đi theo tiếng gọi con tim.

“Tôi luôn nghĩ, có lẽ cuộc đời mình đã đặt dấu chấm hết nên khi gặp cô ấy tôi chỉ lạnh lùng nói rằng “em về lấy chồng đi kẻo hết tuổi thanh xuân”. Câu nói ấy vừa dứt lời, với vẻ mặt nghiêm nghị, ánh mắt chan chứa yêu thương, cô ấy trả lời rằng “dù sao đi nữa em vẫn yêu và chờ anh”- ông Cần hồi tưởng.

Có lẽ nhờ câu nói ấy của người vợ trẻ, mà dù thân thể chỉ còn một nửa nhưng bằng nghị lực phi thường, bằng tình yêu mãnh liệt, hai vợ chồng ông đã dệt lên một bản tình ca đẹp về hạnh phúc lứa đôi.

* Còn một nửa- đời vẫn đẹp sao

Sau 8 năm điều trị ở các Trại Điều dưỡng, sức khỏe dần hồi phục ông trở về quê với thương tật 85%. Trở về quê hương với đôi chân không còn lành lặn, đôi mắt mù lòa, nhưng sự chào đón nồng ấm của gia đình, xóm làng, bạn bè, cùng sự thủy chung, sắt son, sẻ chia của người vợ đã khiến ông vơi đi nỗi mất mát lớn lao.

Sau những giây phút hạnh phúc dâng tràn của ngày hạnh ngộ, với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, hai vợ chồng anh Cần dựng một túp lều nhỏ và bắt đầu một cuộc sống mới.

Với bản lĩnh của người lính cụ Hồ, tàn nhưng không phế, vợ chồng anh cày sâu cuốc bẫm từ đồng sâu đến ruộng cạn. Vợ đi trước chồng chống nạn theo sau.

Mưu sinh với người lành lặn đã khó, người khuyết tật như anh càng khó gấp vạn lần, nhưng không vì thế mà nhụt chí. Hằng ngày với cái nạng và chân giả, cái gì người bình thường làm được thì anh đều không chịu thua. Anh làm tất tần tật từ cắt cỏ cho bò, cắt rau cho heo đến việc nhà, cuốc đất, chăn trâu, chăn bò…

Cuộc sống của vợ chồng anh càng vất vả hơn khi lần lượt sinh và nuôi dưỡng 3 con. Nhưng chính sự san sẻ, động viên nhau đã khiến tình cảm vợ chồng thêm gắn bó keo sơn, tiếp thêm nhiều nghị lực để cùng nhau vượt  qua nghịch cảnh.

Dù có nhiều mất mát trong chiến tranh, nhưng trong thời bình anh không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Vợ chồng vươn lên trong cuộc sống bằng sức lao động của chính mình. Hiện nay anh chị nuôi heo, gà, hai con bò và sáu sào ruộng, mỗi năm thu về vài chục triệu đồng.

Giờ đây, vợ chồng anh Cần đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, sắm sửa đầy đủ các vật dụng trong gia đình, đặc biệt 3 người con anh chị đều được học hành tử tế.

Anh Cần bộc bạch: “Nhờ cô ấy tôi đã đứng vững trên đôi chân khuyết tật của mình”. Còn trong mắt chị Nên: “Anh là người bản lĩnh, không cam chịu đói nghèo. Dù đôi lúc thiên hạ lắm đỗi dèm pha nhưng trong mắt tôi anh là người chồng và người cha rất đổi tuyệt vời. Anh xứng đáng được hạnh phúc!”.


Bài, ảnh: Ái Kiều


.