Khó khăn với “hộp đen”

11:07, 24/07/2013
.

(QNg)- Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là “hộp đen”) được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Thế nhưng, hiệu quả chưa thấy đâu đã nghe các doanh nghiệp vận tải và tài xế xe than khó với thiết bị này.

 

TIN LIÊN QUAN
Khổ vì ham rẻ.

Theo lộ trình gắn “hộp đen” được quy định tại Nghị định 91/2011 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2011, các phương tiện vận tải bắt buộc phải gắn “hộp đen”. Đến ngày 1/7/2013, lực lượng chức năng sẽ bắt đầu xử phạt các phương tiện không thực hiện việc lắp “hộp đen” đúng quy định. Hiện nay, Quảng Ngãi đã có 530 phương tiện của 67 đơn vị vận tải hoàn thành việc lắp “hộp đen”. Tuy nhiên, không phải “hộp đen” nào cũng đáp ứng các tiêu chuẩn do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra. Vì vậy, để tránh bị xử phạt, các doanh nghiệp vận tải đành phải nâng cấp các “hộp đen” cũ.
 
Hiện các chủ phương tiện mua “hộp đen” với giá dao động từ 4- 5 triệu đồng/cái. Lúc mua, các đơn vị cung cấp cam kết với các chủ phương tiện là thiết bị hợp quy, hợp chuẩn, có các tính năng như giám sát hành trình, nơi dừng, đỗ, tốc độ lái xe. Tuy nhiên, khi Bộ GTVT quy định 6 yêu cầu của “hộp đen” thì thiết bị này lại thiếu cổng in, đèn LED...

 

Nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn vì
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn vì "hộp đen". Ảnh: PHẠM DANH


Ông Phạm Xuân Dinh- Giám đốc Công ty xe khách Miền Trung, cho hay: “Các tài xế rất lo lắng, sợ bị thanh tra giao thông xử phạt nên công ty buộc nơi bán phải bổ sung những tính năng còn thiếu của thiết bị. Tuy nhiên, muốn bổ sung phải tốn thêm tiền nên chúng tôi đang chờ Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận hợp quy cho các đơn vị cung cấp “hộp đen” thì mới dám làm tiếp”.

Ông Nguyễn Chín- Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Chín Nghĩa, cho biết: Hai năm trước công ty đã tiến hành lắp đặt “hộp đen” cho tất cả các phương tiện. Nhưng đối chiếu với yêu cầu của các cơ quan chức năng thì thiết bị của công ty không có cổng in. Do đó, công ty lại phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để sửa chữa các “hộp đen” cũ. “Tất nhiên công ty phải chấp hành nghiêm chủ trương lắp “hộp đen”. Nhưng chúng tôi mong muốn Bộ GTVT cần công bố danh sách các đơn vị được phép cung cấp thiết bị để các doanh nghiệp vận tải không mua phải hàng kém chất lượng, vừa tốn thời gian sửa chữa, nâng cấp, lại tốn kém tiền bạc”- ông Chín nói.  

Ông Đỗ Tiến Đạt- Phó Giám đốc Sở GTVT, thẳng thắn: “Giá của một “hộp đen” đạt chuẩn không dưới 9 triệu đồng. Vậy mà các chủ phương tiện chỉ lắp đặt “hộp đen” với giá 4- 5 triệu đồng. Như vậy làm sao thiết bị đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Các chủ phương tiện đừng ham rẻ mà gắn phải “hộp đen” kém chất lượng, để rồi lại tốn nhiều tiền khắc phục lỗi”.

Khó khăn với “hộp đen”

Có một thực tế là các chủ phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh chỉ mới dừng lại ở công đoạn lắp đặt, còn “hộp đen” hoạt động có hiệu quả không thì ít người quan tâm. Ông Huỳnh Văn Khánh, người có hai xe chạy hợp đồng, cho biết: “Năm 2011, tôi cho lắp đặt “hộp đen” trên xe của mình. Thật tình tôi cũng không biết hiệu quả ra sao, chỉ biết có “hộp đen” thì xe mới được đăng kiểm”.

Ngoài việc xử phạt các phương tiện lắp đặt “hộp đen” không đúng quy định, thì lực lượng chức năng còn giải thích cho tài xế về cách sử dụng“hộp đen” .
Ngoài việc xử phạt các phương tiện lắp đặt “hộp đen” không đúng quy định, thì lực lượng chức năng còn giải thích cho tài xế về cách sử dụng“hộp đen” .


Chất lượng của “hộp đen” thật sự đang khiến các chủ phương tiện đau đầu. Ông Trần Quốc Duy- Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Hiện chưa có đơn vị cung cấp “hộp đen” nào đủ uy tín để doanh nghiệp tin tưởng. Hơn nữa, các doanh nghiệp vận tải phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp. Chẳng may đơn vị này dừng hoạt động thì hàng trăm “hộp đen” của công ty cũng “nghỉ ngơi” luôn. Lúc này, thiệt hại của doanh nghiệp là không nhỏ”. Theo các tài xế, quy định xử phạt và “treo” bằng lái của họ khi phương tiện lắp đặt “hộp đen” không đúng chuẩn là “chưa thuyết phục”. Tài xế Phạm Hữu Tùng cho rằng: “Cơ quan chức năng bảo lắp hộp đen thì nhà xe đã lắp rồi, còn nó có hoạt động hay bị lỗi gì không thì phải làm việc với nhà xe, với đơn vị cung cấp “hộp đen” chứ sao lại xử phạt và giữ bằng lái của tài xế.

Việc xử phạt chồng chéo, nhiều lần cùng một lỗi vi phạm cũng khiến các chủ phương tiện lo lắng. Ông Nguyễn Chín nêu thắc mắc: “Khi xe vi phạm các quy định về lắp đặt “hộp đen”, phương tiện có thể bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt ngay trên đường đi. Sau đó về bến xe lại bị lập biên bản xử lý tiếp. Rồi đến khi Sở GTVT kiểm tra, phát hiện phương tiện vi phạm tiếp tục xử lý doanh nghiệp. Như vậy chỉ một lỗi mà bị phạt đến ba lần”.   

Ông Nguyễn Hữu Đoan- Trưởng phòng Vận tải và Pháp chế (Sở GTVT), đánh giá: Mặc dù các phương tiện đã lắp đặt “hộp đen”, nhưng việc cập nhật, theo dõi, quản lý các thông tin từ “hộp đen” phục vụ cho công tác tập hợp, phân tích các dữ liệu và quản lý hoạt động của phương tiện, lái xe trên suốt hành trình chưa được chủ phương tiện quan tâm. “Để “hộp đen” phát huy tác dụng thì đơn vị cung cấp cần hướng dẫn thật chi tiết cho chủ phương tiện và tài xế xe cách sử dụng nó”-ông Đoan nói thêm .


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.