Giọt nước mắt ai?

09:07, 13/07/2013
.

(QNg)- Trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Văn Thuận, quê xã Đức Hòa (Mộ Đức) cúi gằm mặt. Thi thoảng lại  lén nhìn về phía 5 người con ngồi ở hàng ghế thứ nhất. Những đứa con tránh đôi mắt của cha, đăm đăm chờ tòa nghị án.


“Từ lúc sinh ra đến giờ, ngày nào tôi cũng phải chứng kiến cảnh cha say xỉn về nhà đánh đập mẹ. Mẹ tôi chưa bao giờ được hưởng một ngày hạnh phúc. Đến phút cuối, còn bị chấm dứt cuộc sống theo cách tàn nhẫn nhất. Vì vậy, chúng tôi mong tòa giữ nguyên mức án tử hình ở phiên sơ thẩm đối với cha tôi”. Đó là lời nói rành rọt nhưng đau đớn của chị T, con ông Thuận tại phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 8/7 vừa qua.

Nỗi đau bạo hành

28 năm chung sống, có với nhau 5 mặt con nhưng bà Nhiệm lúc nào cũng sống trong sợ hãi bởi người chồng bạo hành. “Mẹ tôi chưa bao giờ dám cãi lại cha tôi vì sợ ông đánh. Cha cho ăn mới được ăn, cha bảo đứng phải đứng, cha đánh cũng cắn răng mà chịu!”, những người con của bà Nhiệm nói trong nước mắt tại phiên tòa phúc thẩm.

 

Trương Văn Thuận tại phiên tòa phúc thẩm sáng 8/7
Trương Văn Thuận tại phiên tòa phúc thẩm sáng 8/7


Bà T.T.T - một người lặn lội hơn 20 km từ Đức Hòa ra dự phiên tòa phúc thẩm bức xúc: “Sống gần nhà, ngày nào tôi cũng nghe ông ta đánh đập chửi mắng vợ con. Trụ cột gia đình mà không làm ăn để lo cho vợ con, ngược lại còn xỉn say tối ngày rồi về nhà hành hạ vợ. Giết vợ dã man, giờ còn kháng cáo xin giảm nhẹ tội làm gì nữa”.

Lúc mới lấy vợ, Trương Văn Thuận còn có nghề làm cửa sắt “lận lưng”, nhưng được vài năm thì nghỉ làm. Từ đó Thuận lấy men rượu làm bạn và cứ “rượu vào là đòn roi ra”. Lấy vợ được 4 năm thì Thuận phạm tội hiếp dâm rồi bỏ trốn. Một thời gian sau, Thuận quay trở về xin lỗi và được gia đình người bị hại bỏ qua. Không trách cứ nửa lời, mẹ con bà Nhiệm lại giang rộng vòng tay chào đón ông trở về tổ ấm. Tưởng chừng sự tha thứ , bao dung của người vợ sẽ khiến bị cáo Thuận biết ăn năn, hối lỗi. Thế nhưng, những ngày tháng tiếp theo, ông ta vẫn tiếp tục giáng những trận đòn thừa sống thiếu chết xuống đầu vợ con. Thậm chí có lần, bà Nhiệm còn bị chồng đánh gãy tay phải nhập viện.

Không thể chung sống được nữa với kẻ vũ phu, bà Nhiệm đưa đơn xin ly hôn  và chuyển ra thành phố Quảng Ngãi sống cùng con gái. Cứ ngỡ rằng từ đây mẹ con bà Nhiệm sẽ thoát được cuộc sống “ngục tù” nhưng bà đâu có ngờ rằng ngày ký vào đơn ly hôn cũng chính là ký vào tờ giấy chấm dứt cuộc đời của chính mình. Bởi người chồng Trương Văn Thuận sau nhiều lần chửi bới, dọa nạt vẫn không níu kéo được vợ nên đã ra tay hạ sát chính người phụ nữ mà mình vẫn đầu ấp tay gối.

Nước mắt ai?

Hoàn toàn tỉnh táo bị cáo Trương Văn Thuận nói trôi chảy về lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tử hình mà tòa sơ thẩm tuyên trước đó: “Bị cáo rất thương vợ. Cũng vì thương nhớ vợ nên bị cáo mới năn nỉ xin vợ rút đơn ly hôn. Ngày trước, đánh vợ cũng là vì vợ cãi lại khiến bị cáo nóng giận, không giữ được bình tĩnh dẫn đến đánh vợ”.

Đáp trả lại lời đề nghị xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, các con ông đứng dậy khẳng định: “Mặc dù Trương Văn Thuận là cha chúng tôi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được tình thương gì từ ông ngoài những trận đòn roi. Mẹ cũng vì can ngăn mà bị ông đánh đập tàn nhẫn. Không bao giờ có chuyện mẹ chúng tôi cãi lời khiến ông nóng giận. Bởi suốt cuộc đời, mẹ tôi chưa một lần dám nói lại. Mẹ sợ hãi ông đến tột cùng”.

Trước tính chất dã man của vụ án, tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Văn Thuận. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói: “Bị cáo nói rằng bị cáo thương vợ. Nhưng có ai thương vợ mà đánh đập vợ dã man suốt mấy chục năm trời. Thậm chí còn đánh tới gãy tay. Bị cáo nói rằng không cố ý giết vợ. Nhưng lúc bóp cổ, đập đầu vợ vào tường xong, bị cáo còn quật mạnh chị xuống nền đất rồi bỏ trốn, mà không hề có suy nghĩ sẽ đưa vợ đi cấp cứu. Vậy có đúng là bị cáo yêu vợ và không cố ý giết vợ hay không?”


Phiên tòa kết thúc, những người con của bị cáo Thuận vội vàng rời khỏi phiên tòa, không một lần nhìn lại người cha đã rứt ruột sinh ra mình. Còn ông Thuận gương mặt thất thần, ông bật khóc. Trước pháp luật ông phải đền tội, nhưng còn đạo lý, thật trớ trêu...  Cả 5 đứa con chẳng những không xin giảm nhẹ hình phạt cho cha mình mà còn “lên án”, “đề nghị” xử tử hình ông. Phong hóa còn đâu?           
     

  Bài, ảnh: Ý THU
 


.