Về vùng căn cứ địa “năm không“

04:06, 03/06/2013
.

(QNg)- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, xã Ba Giang (Ba Tơ) được xem là “an toàn khu” (ATK), là căn cứ địa cách mạng.  Thế mà, hòa bình đã hơn 38 năm, nhưng cuộc sống đồng bào nơi đây vẫn sống trong cảnh “5 không”.

“Hạt nhân” của “ATK” Ba Giang là thôn Ba Nhà. Đến nay, con đường mòn, đường dốc mà bộ đội, đồng bào địa phương từng hành quân cõng đạn, mìn, lương thực về doanh trại chiến đấu vẫn thế. Từ trung tâm xã đến xóm Ba Nhà khoảng 7 km nhưng phải mất cả buổi đường đi bộ mới đến nơi. “Xóm không điện, không đường, không có công trình phục vụ nước sinh hoạt, dân sinh. Hơn 12 hộ dân nơi đây chỉ sống tự cung, tự cấp”-ông Phạm Văn Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Giang chỉ về ngọn núi xa nói.
 
*Ký ức xóm Ba Nhà

Tôi đến thôn Ba Nhà lúc mặt trời đứng bóng. Làng vắng, chỉ còn người già, trẻ con. Già Phạm Văn Thăng lấy rựa vót vài cây chông để cho con cháu lên rừng bẫy thú kiếm thức ăn. Già Thăng bảo: “Trông cây chông thì đơn giản vậy nhưng nó có thể bẫy được thú rừng. Trong chiến tranh nó còn “ăn” được cả quân thù”. Nói rồi, già bưng bát nước chè nhấp một ngụm, cười khà, rồi chắp nối những câu chuyện về quá khứ: “Hồi đó, nơi đây bộ đội đóng quân. Cả làng vững lòng tin, giúp sức cho bộ đội. Trai trẻ thì tham gia cầm súng chiến đấu. Người không có súng thì thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: “..Dùng gậy, gộc, gươm, dao...” để đánh giặc. Người làng chặt tre già, chẻ, vót chông gài bẫy. Đã có nhiều trận lính ngụy đi càn đã sập hầm chết vì chông của đồng bào”.

Đường vào thôn Ba Nhà vẫn còn quá khó khăn.
Đường vào thôn Ba Nhà vẫn còn quá khó khăn.


Những năm 1966 - 1968, chiến tranh ác liệt, trai tráng góp sức cùng bộ đội chủ lực đánh giặc, phụ nữ, con gái, người già góp sức trồng lúa để nuôi quân. Mỗi hộ đóng góp nuôi bộ đội ít nhất là 5 ang lúa khô. Hộ khá giả thì 50 - 100 ang. Có nhiều gia đình còn biếu cả con heo, con trâu của mình làm thức ăn tiếp sức cho bộ đội. Rồi những đợt mở đường để tiếp tế lương thực, vũ khí từ miền xuôi lên, đồng bào thôn Ba Nhà, sẵn sàng gói cơm, cõng gạo đi đào núi, vác đá mở đường hàng tháng trời. Công sức đóng góp của đồng bào thôn Ba Nhà kể sao cho hết. Người làng chỉ còn nhớ: “Đối với cách mạng, đồng bào có hạt gạo cũng cắn làm đôi. Bộ đội, dân làng như anh em một nhà”.

Đâu chỉ thời chống Mỹ, xóm Ba Nhà còn ghi dấu lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ năm 1929 - 1945, dốc Sung Ba Nhà là căn cứ cách mạng để phát triển lực lượng du kích và là cứ điểm hoạt động của Đội du kích Ba Tơ. Những năm 1953-1954 khi chiến trường ở Bắc Tây Nguyên bước vào giai đoạn ác liệt nhất thì người dân xã Ba Giang cùng với nhân dân toàn huyện Ba Tơ đã đóng vai trò quan trọng trong việc chi viện về sức người, sức của cho chiến trường.

Xuyên suốt giai đoạn từ 1945-1975, địa bàn xã Ba Giang đã trở thành căn cứ của các đơn vị bộ đội chủ lực và trạm xá, bệnh viện Quân khu V.
     
*”5 không” ở nơi “ATK”


Con đường về xóm Ba Nhà hôm nay vẫn là con đường của 38 năm trước. Ông Phạm Văn Lâm - Bí thư Chi bộ thôn Ba Nhà cho hay: Xóm Ba Nhà trước kia chỉ có 3 hộ, nay đã phát triển thành 12 hộ. Nơi đây, bà con phải sống trong cảnh 5 không (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế và không có công trình nước sinh hoạt). Cuộc sống của đồng bào chủ yếu tự cung, tự cấp. Hằng ngày người lớn lên nương phát rẫy tỉa lúa, hái rau rừng, bắt ốc đá ven suối để sinh sống. Trẻ em không đến trung tâm xã học được nên phải học ghép. Một phòng học có nhiều lớp học, nhưng cha mẹ các em vẫn khuyên con đến lớp đều đặn để học chữ.  

Đường vào thôn Ba Nhà vẫn còn quá khó khăn.
Đường vào thôn Ba Nhà vẫn còn quá khó khăn.


Ở xóm Ba Nhà, về đêm không gian thật tĩnh mịch, nhà ai nấy quay tròn bên bếp lửa đến tàn củi, rồi chìm trong giấc ngủ sớm. “Sợ nhất là khi người làng đổ bệnh. Đưa đến được trung tâm xã cũng mất cả buổi đường dốc...” - ông Lâm lo lắng. Đã bao lần chính quyền xã Ba Giang vận động bà con xuống núi, nhưng vì thiếu đất sản xuất, đồng bào đành bám trụ lại nơi này.

Ba Giang hiện là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Toàn xã có 290 hộ nghèo, chiếm gần 80% số hộ toàn xã. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 99%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,5 triệu đồng/người/năm, đời sống kinh tế chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp và chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nhất là về điện thắp sáng, hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…

Ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy Ba Tơ, cho biết: “Địa phương đã lập tờ trình đề nghị Chính phủ công nhận xã Ba Giang là xã thuộc vùng “An toàn khu” cách mạng của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời có chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, xây dựng, tu bổ, nâng cấp, bảo tồn các di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong vùng”.

 

Mai Hạ

 


.