Phòng chống cháy nổ tàu thuyền: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

02:05, 13/05/2013
.

(QNĐT)- Mặc dù nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất lớn thế nhưng hiện nay không ít ngư dân chủ quan, lơ là trong việc đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phòng chống cháy nổ trên tàu thuyền. Vụ cháy tàu tại huyện Lý Sơn vừa qua gây thiệt hại hàng tỷ đồng khiến nhiều người giật mình nhìn lại việc phòng chống cháy nổ trên tàu cá của ngư dân.

TIN LIÊN QUAN


Hiện hữu nguy cơ cháy, nổ

Cháy nổ từ lâu luôn là nỗi ám ảnh của mọi người, bởi hậu quả nó để lại là rất lớn, không chỉ thiệt hại về tài sản, mà còn là những thiệt hại lớn về con người. Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng đã xảy ra không ít những vụ cháy lớn, trong đó có không ít những vụ cháy, nổ tàu thuyền gây ra hậu quả nghiêm trọng.
 
Điển hình như trong năm 2011, hỏa hoạn đã thiêu rụi 1 chiếc tàu câu mực của ngư dân Bình Chánh (Bình Sơn), 2 tàu đánh cá của ngư dân ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng; vụ cháy nổ tàu chở xăng dầu ở xã Bình Thuận (Bình Sơn) làm chết 1 người, bị thương 4 người, thiệt hại tài sản trên 1 tỷ đồng...

Và mới đây nhất, ngày 25/4, tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải (Lý Sơn)  "bà hỏa" tiếp tục " ghé thăm" 2 tàu cá của ngư Đinh Văn Giàu và Nguyễn Chí Thạch ở xã An Hải. Mặc dù nhiều lực lượng đã nỗ lực tham gia cứu hộ nhưng do vụ cháy xảy ra xa bờ và thiếu phương tiện chữa cháy nên lửa đã thiêu rụi tàu cá của ngư dân Đinh Văn Giàu và làm cháy cabin cùng nhiều vật dụng khác trên tàu cá của ngư dân Nguyễn Chí Thạch. Ước tính vụ cháy đã gây thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. Thông tin ban đầu các ngành chức năng cho biết, vụ cháy tàu cá là do sơ suất để chập điện bình ắc quy hệ thống thắp sáng trên tàu cá của ngư dân Đinh Văn Giàu.

 

Vụ cháy tàu ở Lý Sơn ngày 25/4
Vụ cháy tàu ở Lý Sơn ngày 25/4


Thực tế cho thấy, hiện nay, tỉnh ta có hàng nghìn tàu, thuyền đánh bắt hải sản, trong đó nhiên liệu chủ yếu cho hoạt động này là dầu Diezen. Các tàu, thuyền mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ đều mua nhiên liệu với số lượng lớn, chứa trong các can nhựa, thùng phi để trong khoang thuyền, trên thuyền có sử dụng nhiên liệu gas phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.... Nếu quá trình sử dụng để rò rỉ khí gas và phát ra đám cháy, gặp những can dầu dự trữ trên thuyền thì nguy cơ cháy nổ là rất lớn.

Bên cạnh đó, những tàu đánh bắt xa bờ được trang bị đầy đủ các loại máy móc, thiết bị hiện đại như: máy định vị, máy dò cá, máy bơm nước... sử dụng điện 220V. Thế nhưng, không ít các chủ tàu lơ là, chủ quan ít khi kiểm tra an toàn, nhiều loại thiết bị tiếp xúc với hơi nước mặn lâu ngày bị hư hỏng dễ dẫn đến chập điện, gây cháy nổ.

Ngư dân Nguyễn Văn Lắm ở huyện Lý Sơn cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết đều do sự chủ quan của chủ tàu và bạn ghe.  Đặc biệt, với những ngư dân thì việc thắp nhang thờ, cúng trên thuyền diễn ra rất phổ biến, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì việc cháy nổ tàu, thuyền là không thể tránh khỏi.

Đáng lo ngại nhất là tình trạng một số tàu cá lén lút mang chất nổ tự chế để đánh bắt cá. Trường hợp xảy ra sự cố có liên quan đến chất nổ thường rất nghiêm trọng, nhiều khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân…


Để những chuyến ra khơi an toàn

Mặc dù, nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao, có thể xảy bất cứ lúc nào, thế nhưng hiện nay gần như không có tàu đánh cá nào trong tỉnh đáp ứng đủ 100% việc đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định bắt buộc.

"Để sắm đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định thì phải cần số tiền hàng chục triệu đồng. Nhiều ngư dân như chúng tôi để đóng phương tiện phải vay mượn khắp nơi mới đủ, trong khi đó, số tiền để sắm các phương tiện phòng chống cháy nổ không phải nhỏ. Hơn nữa, nếu sắm đầy đủ hết các trang bị này để trên tàu thì sẽ không có không gian để chứa ngư lưới cụ và cho các hoạt động đánh bắt, nên dù biết nguy hiểm nhưng chúng tôi, cũng chỉ trang bị những thiết bị cần thiết như bình CO2 , máy bơm nước..."- ngư dân Huỳnh Xuân Hoàng - ở xã Bình Châu (Bình Sơn) bộc bạch.

 

Ngư dân cần có ý thức tụ giác trong công tác phòng chống cháy nổ, đừng để
Ngư dân cần có ý thức tự giác trong công tác phòng chống cháy nổ, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"


Thiết bị phòng chống cháy nổ hiện nay đa số các tàu cá là những bình CO2 chữa cháy cầm tay nhỏ, máy bơm nước để rửa boong...Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con ngư dân, loại bình chữa cháy thông thường sử dụng trên tàu cá rất dễ bị rỉ sét, hư hỏng do tiếp xúc thường xuyên với nước mặn, khi sự cố xảy ra thì bình không thể sử dụng được nữa; phần lớn ngư dân không nắm chắc kỹ thuật chữa cháy... nên rất khó bảo toàn được phương tiện và tính mạng của thuyền viên khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.

Ông Ngô Văn Hưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản-Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, cho biết: Thời gian qua, cùng với những nội dung khác, mỗi năm chi cục đã tổ chức từ 15-20 lớp, buổi tập huấn và tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy cho ngư dân, với số tham gia từ 50-70 thuyền viên, chủ tàu/lớp. Qua đó ý thức về phòng cháy chữa cháy của ngư dân và chủ tàu cá đã được nâng lên.

"Hiện, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy của tàu cá thì gần như toàn bộ tàu đánh cá xa bờ nào cũng có. Thế nhưng nếu để đảm bảo đúng 100% theo như quy định thì không tàu cá nào trong tỉnh đáp ứng được"- ông Hưng cho biết thêm.

Trước tình hình cháy nổ trên tàu cá xảy ra hằng năm, ngư dân cần quan tâm và chấp hành các quy định về  công tác phòng cháy chữa cháy, nâng cao cảnh giác nhất là trong quá trình sử dụng các nhiên liệu dễ gây cháy, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và cần phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện những hư hỏng để kịp thời khắc phục.

Đồng thời, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con ngư dân kiến thức về an toàn phòng chống cháy nổ; kiểm tra nhắc nhở, hoặc xử phạt nếu các tàu thuyền không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn... để có những chuyến ra khơi an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.




Bảo Ngọc
 


.