“Ông chủ cầu” tốt bụng

08:05, 14/05/2013
.

(QNg)- Khi chiếc cầu tre  nhỏ bé bắc qua sông Mò O đã có quyết định sẽ thay thế bằng cầu bê tông thì ông chủ cầu ấy chẳng hề buồn. Trái lại, ông còn rất vui. Dẫu rằng, khi có cây cầu bê tông kia thì chuyện làm cầu tre, thu phí của ông sẽ không còn nữa…

Trong chuyến công tác về khu dân cư Mang Po, thôn Làng Bung, xã Sơn Ba (Sơn Hà) tìm hiểu cuộc sống của người dân ở khu tái định cư này, chúng tôi phải vượt sông bằng chiếc cầu tre nhỏ bắc qua sông Rhe. Mùa này, nước sông cạn. Nhiều đoạn đá ở đáy sông nhô lên khỏi mặt nước. Khi bắt đầu chạy xe vào chỗ quanh để qua cầu, chúng tôi phát hiện giữa đường có một cây tre chắn ngang. Đó là vật báo hiệu "trạm thu phí" của ông chủ cầu Đinh Văn Viên – người đã đầu tư làm chiếc cầu này để nhân dân, học sinh qua lại sông Rhe hàng chục năm nay.

“Ông chủ cầu” Đinh Văn Viên và tấm bảng về nguyên tắc qua cầu!
“Ông chủ cầu” Đinh Văn Viên và tấm bảng về nguyên tắc qua cầu!


Ông Đinh Văn Viên bảo với chúng tôi: “Qua cầu không chở người, chỉ được chạy xe một mình. Mỗi lần qua lại thu 1.000 đồng”. Nói rồi, ông Viên dẫn chúng tôi đến đầu cầu chỉ vào tấm bảng gỗ đề hàng chữ: “Đi xe trên cầu: say rượu cấm, chở quá tải cấm” và giải thích: Không phải mình làm cầu ra chỉ vì mục đích thu tiền dân đâu. Nhiều khi tiền thu không đủ bù lại số tiền bỏ ra làm cầu. Rồi ông Viên nhẩm tính: "Cây cầu này làm xong mất tổng cộng 8 triệu đồng. Cầu chỉ tồn tại vào mùa nắng, từ tháng giêng đến tháng 8 âm lịch. Mỗi tháng thu được khoảng 1 triệu đồng, tính ra chỉ vừa đủ thu lại số tiền đã làm cầu. Mình không làm cầu thì dân qua sông rất khó khăn, nguy hiểm. Việc này chẳng ai bắt mình làm, là do mình muốn giúp dân làng thôi!”.

Ông Viên kể lại với chúng tôi nhiều vụ dân làng vượt sông đi rẫy bị nước cuốn trôi; trẻ con lội sông đi học bị chết đuối. Kể chuyện của người làng mà ông đau lòng. Sự trăn trở đó chính là lý do ông “khai sinh” ra cây cầu tre và trở thành “ông chủ cầu” hơn 10 năm. Ông cũng chính là người nghĩ và đặt ra nguyên tắc cấm người say rượu, cấm chở quá tải khi qua cầu. “Mình cho những người này qua cầu là hại họ thôi” – ông Viên bảo thế. Mỗi bận thấy dân làng say rượu đến đầu cầu, ông Viên một mực khuyên giải không cho qua và lấy chiếu trải xuống nền nhà để người này nghỉ lại. Khi nào tỉnh rượu ông mới cho qua sông!

Chuyện chở quá tải ông cũng giải quyết rất ổn. Ví dụ có ai đó chở hai bao xi măng, ông buộc bỏ lại một bao bên này cầu, rồi quay lại chở tiếp. Hai vòng đi ông chỉ tính tiền một lần. Tất cả những hàng hóa khác, khi chở qua cầu, ông đều nhắc nhở người qua sông phải tự “giảm tải”, tránh xảy ra tai nạn.

Đầu năm 2013, UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng cầu Mò O thay thế chiếc cầu tre của ông Viên. Ông Viên rất vui bảo: “Tôi và dân làng mong mỏi cây cầu bê tông ấy từ lâu rồi. Khi có cây cầu vững chãi, tôi không phải lo cho tính mạng của dân mình mỗi lúc qua sông nữa!”.

Ông Đinh Văn Viên không chỉ là “ông chủ cầu” tốt bụng mà còn là một già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào. Những lúc không gác cầu, ông dành thời gian đến các gia đình trong làng động viên bà con tích cực lao động sản xuất, đưa con đến trường, giữ vệ sinh môi trường sạch – đẹp, không nghe theo kẻ xấu truyền đạo trái phép... Nghe lời khuyên bảo của già Viên, nhiều trai làng bỏ hẳn rượu, chí thú trồng keo, trồng mì, có của ăn của để, chăm lo cho con cái ăn học.


Quan tâm đến dân làng bằng chính việc làm thiết thực, cụ thể, già làng Đinh Văn Viên năm nào cũng được tặng bằng khen, giấy khen “Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số” của tỉnh.
 

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.