Ngư dân Quảng Ngãi: Kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền

03:05, 18/05/2013
.

(QNĐT)- Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, khiến nhiều ngư dân Quảng Ngãi rất bất bình. Điều này, không khiến ngư dân nao núng, trái lại họ càng tỏ rõ quyết tâm bám biển. Họ ra khơi không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn là sự chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN


Chiều ngày 17/5, tại Cảng Sa Kỳ (Bình Châu, Bình Sơn), không khí khá tất bật bởi hàng chục tàu thuyền chuẩn bị ngư lưới cụ, nạp nhiên liệu cho chuyến ra khơi dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Đối với nhiều ngư dân nơi đây, thông tin Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông không làm họ nhụt chí.   

Cùng với nhiều ngư dân vận chuyển đá lạnh lên tàu chuẩn bị ra khơi, ngư dân Huỳnh Văn Thắng ở xã Bình Châu (Bình Châu) vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.

"Khi nào tàu mình ra khơi?”, chúng tôi hỏi.  "Sáng mai. Đang mùa đánh bắt, phải tranh thủ từng ngày”, ngư dân Huỳnh Văn Thắng trả lời ngay. “Thế mình đã biết thông tin Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông chưa?",  chúng tôi hỏi. “Báo, đài thông tin liên tục, ngư dân nào chả biết nhưng chúng tôi không ngại chi cả. Vùng biển đó, bao đời nay là của tổ tiên, cha ông mình, không có lý gì mà họ cấm không cho đánh bắt", anh Thắng trả lời thẳng thừng".

Đứng gần đó, ngư dân Nguyễn Long (50 tuổi) tiếp lời: Bao đời nay, cha ông chúng tôi luôn vươn khơi bám biển trên ngư trường truyền thống của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa và những ngư trường khác trên Biển Đông thuộc chủ quyền của mình, chúng tôi không vì một sự lệnh cấm phi lý mà từ bỏ ngư trường từ bao đời của cha ông.

 

Hàng ngày, tàu của ngư dân Quảng Ngãi vẫn nới đuôi nhau vươn ra khơi, bám biển mưu sinh, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Hàng ngày, tàu của ngư dân Quảng Ngãi vẫn nới đuôi nhau vươn ra khơi, bám biển mưu sinh vào góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Hơn 30 năm bám biển, vươn tàu ra khơi đánh bắt, với ngư dân Nguyễn Long biển là quê hương là máu thịt, vì thế với ông không có khó khăn nào làm ông chùn bước, rời xa biển, rời xa ngư trường truyền thống của cha ông. "Trung Quốc có những lệnh cấm hết sức phi lý, nhưng họ làm sao cấm được lòng yêu nước, sự quyết tâm chung sức, chung lòng bám biển của bà con ngư dân. Vừa qua Nhà nước ta cực lực phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị. Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có phương án bảo vệ ngư dân”- giọng ông Long rắn rỏi.

Không bao giờ bỏ biển, không rời Hoàng Sa, Trường Sa - những ngư trường mà hàng trăm năm trước cha ông họ đã đổ xương, máu để cắm mốc và khẳng định chủ quyền, và dù thế nào ngư dân vẫn quyết tâm bám biển đến cùng... là những câu trả lời của hầu hết những ngư dân mà chúng tôi tiếp xúc.

Với giọng nói đầy quyết tâm, ngư dân Trần Út ở xã An Hải (Lý Sơn) quả quyết, dù thế nào, ngư dân chúng tôi bằng mọi giá vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa.Chúng tôi vươn khơi, bám biển không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn là sự chung sức chung lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

"Thật ra xưa nay họ đã làm khó cho ngư dân mình nhiều rồi, không ít chủ phương tiện gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng bà con ngư dân Lý Sơn chúng tôi có ai từ bỏ biển khơi của cha ông để lại đâu”- ngư dân Trần Út tâm sự.

 
Ngư dân vận chuyển đá lạnh lên tàu, chuẩn bị ra khơi
Ngư dân vận chuyển đá lạnh lên tàu, chuẩn bị ra khơi


Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: Lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị đối với bà con ngư dân chúng tôi, hàng ngày hàng chục tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn vẫn nhổ neo, vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân chúng tôi không hề nao núng trước thông tin này.

"Ngày mai, tàu của ngư dân trẻ Bùi Văn Phải và nhiều tàu khác sẽ ra khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa"- ông Chinh vui vẻ cho biết.

Có thể khẳng định, cùng với sự quan tâm của Nhà nước và người dân từ khắp mọi miền đất nước, ngư dân Quảng Ngãi càng tự tin "cưỡi sóng" ra khơi bám biển, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc...Từng đoàn tàu đánh cá của ngư dân vẫn ngày ngày vươn khơi, bám biển, cùng chia nhau những mẻ cá đầy khoang,  cùng giúp nhau khi hoạn nạn, thiên tai.





Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 


.