Màu xanh ở “làng che bộ đội…”

02:05, 09/05/2013
.

(QNg)- Năm 1963, kể từ khi Bệnh xá B25 được xây dựng ở thôn Trũng Kè, nay là xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) - nơi đây trở thành “túi bom” của đế quốc Mỹ nhằm tiêu diệt những chiến sĩ cách mạng nằm vùng và thương binh đang điều trị. “Bộ đội giữ làng, làng che bộ đội”, với suy nghĩ đó hàng trăm đồng bào H’rê nơi đây đã một lòng nuôi giấu cán bộ.

“Bà con trong thôn ai nấy đều dành dụm lương khô để tiếp tế cho các chiến sĩ. Bởi bộ đội còn, mình còn. Bộ đội mất, làng cũng mất”, già làng Phạm Bay khẳng định chắc nịch khi nhớ lại quãng thời gian chiến tranh ác liệt ngày trước.

Kiên cường trong kháng chiến

Những năm chiến tranh, đồng bào H’rê ở Trũng Kè chủ yếu trồng mì, bắp và lúa rẫy trên nương. Nước tưới thiếu thốn, lại bị quân địch bố ráp, dội bom liên tục, thế nhưng bà con chẳng bao giờ để thương binh phải đói. Mùa nào thất thu, bà con lên rừng kiếm đỡ củ sắn, củ mài … “dằn bụng”,  nhường thóc  lúa cho bộ đội.

 Trũng Kè hôm nay đã thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, đường sá đã được bê tông hóa.
Trũng Kè hôm nay đã thay da đổi thịt, nhà cửa khang trang, đường sá đã được bê tông hóa.


Để tránh tai mắt của địch, các chị, các mẹ chẳng dám vận chuyển lương thực vào ban ngày mà phải đợi tối mịt mới băng rừng, mở đường mang lên núi Tai Mèo. Tối nhưng chẳng dám thắp đèn dẫn lối, vì sợ địch phát hiện thả bom. Cứ thế suốt nhiều năm ròng rã, hết lớp người này đến lớp người khác luân phiên nhau tiếp tế cho cách mạng.

Vẫn còn nhớ như in những ngày tháng ác liệt năm 1971, ông Phạm Dân – một cán bộ lão thành cách mạng của thôn Trũng Kè trầm ngâm hồi tưởng: “Năm ấy Mỹ thực hiện các chiến dịch càn quét dữ dội. Một ngày không biết bao nhiêu bom đạn được quân đội Mỹ dội xuống Trũng Kè, đặc biệt là các trọng điểm như đồi Động Tròn, Nhơn Lộc, Phú Khương, núi Tai Mèo, Hố Chình. Nhiều lúc mang lương khô đi tiếp tế, chẳng biết có ngày về, nhưng dân làng nhất quyết không lùi bước”.

Không chỉ người lớn mà ngay đến trẻ em cũng hăng hái tham gia tiếp tế cho bộ đội. Nhớ lại năm tháng chiến tranh, cụ Trần Văn Lới bùi ngùi: Mới đó mà đã ngót nửa thế kỷ trôi qua, ngày xung phong mang lương thực đi tiếp tế tôi mới chỉ là một cậu bé. Sợ thì cũng có sợ nhưng không muốn các chú bộ đội đã bị thương lại phải nhịn đói, nhịn khát nên chẳng những tôi mà các bạn bè cùng trang lứa cũng đều hăm hở tham gia.

Màu xanh Trũng Kè

Hòa bình, nhân dân Trũng Kè tiếp tục với “trận chiến” mới – cuộc chiến chống đói nghèo. Những cánh rừng trơ trọi, những mảnh đất nhiễm độc, bạc màu năm xưa đang dần được thay thế bởi màu xanh bạt ngàn của rừng keo. Những con đường bê tông thẳng tắp chạy về tận ngõ. Những công trình thủy lợi dẫn nước về đồng phục vụ nông dân sản xuất dần được bê tông hóa. Từ trường học đến nhà văn hóa thôn từng bước xây dựng khang trang… Cuộc sống mới nơi đây đang từng ngày thay da đổi thịt.
Đứng nhìn những cánh rừng bạt ngàn một màu xanh, ông Dân lại trào dâng niềm hạnh phúc. Hạnh phúc vì sự hy sinh đã nở hoa độc lập và kết trái tự do. Trên ngọn núi Tai Mèo khi xưa, giờ đã phủ một màu xanh bạt ngàn của keo, mì. Hai loại cây trồng chính đem lại nguồn thu nhập cao, làm nên sự đổi đời cho người dân Trũng Kè từ nhiều năm nay.

Thế hệ trẻ biết cách làm ăn, “mở” ra nhiều cách làm kinh tế mới đem lại thu nhập cao. Trước đây hàng hóa bà con làm ra được thu mua với giá rẻ do bị ép giá. Thấy vậy nhiều thanh niên trẻ trong thôn đã góp vốn mua ô tô tải trị giá hơn 400 triệu đồng để chuyên chở keo, mì ra tận Dung Quất để bán. Nổi bật nhất là khu dân cư Suối Chá với 25 nóc nhà đã rủ nhau thành lập đội nhân công thu mua keo, mì, tạo công ăn việc làm cho bà con.

Gặp chúng tôi, già làng Phạm Ấp khoe: “Mấy năm nay bà con trong thôn mình làm ăn khấm khá hơn rồi nên ai cũng phấn khởi hết. Thanh niên đều có việc làm, trẻ con được đến trường đi học.  Dù không quy định thành văn nhưng ở Trũng Kè hễ nhà nào làm ăn khấm khá phải có trách nhiệm giúp đỡ cho hộ nghèo khó cùng vươn lên”. Chính sự đoàn kết này đã giúp Trũng Kè giảm được 21 hộ nghèo trong năm 2012. Những hộ cận nghèo được giúp đỡ vay vốn, hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đã tìm ra hướng làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi rời Trũng Kè khi ánh chiều vừa buông xuống núi. Trong nhà vẫn nghe rõ tiếng trẻ con bi bô vui đùa, lẫn tiếng ti vi. Ngoài đồng tiếng máy cắt lúa kêu re re hòa cùng tiếng cười nói giòn tan như làm bừng dậy cả đại ngàn…


Bài, ảnh: Hồng Hoa
 


.