Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá- Cần có giải pháp khả thi

12:04, 03/04/2013
.

(QNg)- Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3.860 doanh nghiệp nhưng hiện nay chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp đăng ký xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Nguyên nhân là do tiêu chí đạt chuẩn văn hoá còn khá cao, chưa có cơ chế ràng buộc, chưa thấy được lợi ích nên ít doanh nghiệp quan tâm.

Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL, ngày 18/01/2012 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Theo quy định, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá khi tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển, thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường. Trên 70% công nhân thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề; quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ; trên 70% người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ, bảo vệ môi trường; khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp, không hút thuốc lá trong phòng làm việc.

Công nhân, lao động Công ty TNHH Galant Ocean (KCN Quảng Phú) chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu.
Công nhân, lao động Công ty TNHH Galant Ocean (KCN Quảng Phú) chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu.


Trên 70% công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, tạo thuận lợi cho công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh hoạt đoàn thể; hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, hoạn nạn. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch cho công nhân; 100% người sử dụng lao động và công nhân lao động được phổ biến chính sách, pháp luật về các lĩnh vực có liên quan. Tổ chức đại hội CNVC, hội nghị người lao động hàng năm theo quy định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội...

Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, lạm phát và chính sách thắt chặt tín dụng trong một số thời điểm, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có nhiều doanh nghiệp bị phá sản phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, việc làm không ổn định còn diễn ra ở các ngành nghề, các thành phần kinh tế.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá nêu trên, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đều không đạt. Bởi qua khảo sát cho thấy, có đến trên 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (vốn đầu tư dưới 50 tỷ đồng). Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn thành lập tổ chức công đoàn, cố tình né tránh việc thành lập tổ chức công đoàn. Sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động, gây ô nhiễm môi trường, lách luật trong thực hiện chế độ chính sách cho người lao động, ký kết hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, nợ thuế chây ì...

Riêng năm 2012, chỉ có 48% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động. Do tiêu chuẩn xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá còn quá cao, chưa có cơ chế ràng buộc, chưa thấy được lợi ích nên ít doanh nghiệp quan tâm.

Để phong trào xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá có sức lan toả lớn, thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, các cấp, các ngành cần có sự  quan tâm, phối hợp đồng bộ với tổ chức Công đoàn. Xây dựng chính sách, tiêu chuẩn xét và công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá phù hợp với thực tiễn cơ sở và điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt phong trào để nhân rộng.
        

   Bài, ảnh: Kim Huệ

 


.