Trung tâm "3 không"

11:04, 04/04/2013
.

(QNg)- Chức năng cai nghiện ma túy, giáo dục văn hóa, dạy nghề cho các đối tượng xã hội, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, nhưng nhiều năm qua, Trung tâm giáo dục lao động xã hội (TTGDLĐXH) Quảng Ngãi (Sở LĐ-TBXH) lại hoạt động trong tình trạng "3 không".

Trung tâm GDLĐXH được thành lập năm 1997, với nhiệm vụ tiếp nhận quản lý, cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, tâm thần, lang thang cơ nhỡ. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác điều trị cho các học viên cai nghiện ma túy ở trung tâm gặp nhiều khó khăn. Trung tâm chỉ có thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện và một số dụng cụ hỗ trợ thô sơ. Bác sĩ chuyên trách cũng không có nên 2 y sĩ ở đây phải đảm trách công việc chăm sóc, điều trị cho 30 học viên cai nghiện.

 

Các học viên lao động tại trung tâm.
Các học viên lao động tại trung tâm.


Với 3 năm làm việc ở trung tâm, hằng ngày y sĩ Nguyễn Thị Diên phải đảm nhận nhiều việc vượt quá trình độ chuyên môn được đào tạo. Chị vừa kiểm tra sức khỏe, khám bệnh thông thường cho các đối tượng ở đây, vừa phải cắt cơn nghiện ma túy, thực hiện phác đồ điều trị cai nghiện, điều trị cho bệnh nhân tâm thần. "Tôi chỉ khám, điều trị những bệnh thông thường. Nếu thời gian đến không có bác sĩ về đây làm việc thì một số trường hợp chuyển bệnh nặng sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng" - Chị Diên bộc bạch.

Trung tâm hiện có hơn 100 đối tượng là học viên cai nghiện ma túy, mại dâm, bệnh nhân tâm thần, lang thang cơ nhỡ. Theo Nghị định 20/CP của Chính phủ, Trung tâm có ít nhất 2 bác sĩ, nhưng nay trung tâm không có bác sĩ để khám, chữa bệnh cho các đối tượng xã hội. Ông  Ngô Quy Ba- Phó Giám đốc trung tâm cho biết: "Trước đây cũng có một bác sĩ về công tác khoảng 2 năm thì xin chuyển. Nguyên nhân do không chịu được áp lực công việc ở đây, thu nhập lại thấp".

Hiện trung tâm còn là nơi dạy văn hóa, dạy nghề cho các học viên, giúp họ có nghề nghiệp để tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái nghiện, giảm gánh nặng cho xã hội. Song, đến nay Trung tâm không có giáo viên cơ hữu để thực hiện chức năng này. Năm 2006, Trung tâm được đầu tư hơn 150 triệu đồng mua 30 máy may công nghiệp, máy may gia đình và các thiết bị để dạy nghề cho học viên nhưng rồi phần lớn cũng "đắp mền". "Chúng tôi thuê tạm bên ngoài để dạy nghề cho các em nhưng không ổn định. Nếu các em trở về hòa nhập với cộng đồng mà không có nghề nghiệp là thiệt thòi, có nguy cơ tái nghiện rất cao"- ông Ba nói.

Làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, học viên cai nghiện ma túy nên nguy cơ phơi nhiễm HIV cao, nhưng cán bộ, nhân viên Trung tâm vẫn chưa được hưởng chế độ phụ cấp độc hại theo quy định. Theo Quyết định số 1441 của UBND tỉnh quy định phụ cấp độc hại theo nghề đặc thù thì CBCNV trung tâm được hỗ trợ với mức 40% lương cơ bản. Nhưng rồi sau 2 năm thực hiện thì đến nay không còn được hưởng.

Bà Cù Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết thêm, do chưa có cơ chế ưu đãi nên việc tuyển dụng bác sĩ, giáo viên về dạy nghề cho đối tượng xã hội ở đây rất khó. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Sở Nội vụ đề nghị hỗ trợ chỉ tiêu biên chế nhưng chưa được giải quyết. Còn việc phụ cấp thì do thông tư của Bộ Tài chính quy định ổn định tài chính trong 3 năm nên chúng tôi chưa bố trí được.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì công tác cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng xã hội ở trung tâm sẽ khó mang lại hiệu quả.

Theo Phòng PC47- Công an tỉnh, hoạt động tiếp nhận, quản lý và thực hiện các chế độ đối với người nghiện ma túy tại Trung tâm GDLĐXH thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.


Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TBXH: Kiện toàn bộ máy tổ chức, đảm bảo đủ biên chế cho trung tâm. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra về chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận và cán bộ, nhân viên trung tâm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, của tập thể, cá nhân tại trung tâm và có hình thức xử lý đối với cán bộ, nhân viên có sai phạm.                                                                        P.Đức

 


 Bài, ảnh: KIM NGÂN

 


.