Đau đáu nỗi nhớ con

10:04, 30/04/2013
.

(QNĐT)- Ở ngưỡng tuổi 103, tưởng chừng như những kí ức năm xưa đã dần rơi vào quên lãng. Thế nhưng đôi mắt Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Luyến (thôn Phú Tài, Trà Phú, Trà Bồng) vẫn ngân ngấn nước khi kể lại kí ức về người con trai độc nhất đã đi mãi không về.

Gặp Mẹ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng Mẹ vẫn minh mẫn, vẫn tự tay lau chùi bàn thờ, quét dọn vườn tược. Đau đáu nhìn lên bằng Tổ quốc ghi công của người con trai liệt sĩ, giọng mẹ chợt chùng lại: "47 năm rồi, 47 năm rồi mẹ mất con...”.

Mẹ bảo rằng trong thời chiến tranh loạn lạc, sau khi người chồng theo tiếng gọi của non sông, thoát li đi kháng chiến thì một mình mẹ ở nhà vượt qua bao gian truân, vừa tảo tần nuôi con vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội và du kích.

Mẹ Luyến vẫn minh mẫn ở tuổi 103
Mẹ Luyến vẫn minh mẫn ở tuổi 103



Năm 1956, biết Mẹ nuôi cán bộ, địch cho người dò la, theo dõi và sục sạo khắp nhà để tìm ra hầm bí mật. Ngày Mẹ bị địch bắt bỏ tù, người con trai Võ Minh chỉ mới vừa lên 6. Đến tận bây giờ, khi nhớ lại những năm tháng bị đọa đày trong tù ngục ấy, mẹ vẫn không một lời than vãn, mà chỉ cảm thấy có lỗi đứa con trai duy nhất khi không thể bên cạnh chăm sóc con suốt mấy năm ròng.

Liên tục bị địch thuyên chuyển từ nhà tù Trà Bồng đến Bình Sơn và Quảng Ngãi... bị tra tấn suốt 4 năm, nhưng Mẹ vẫn kiên quyết không khai lời nào để bảo vệ cho các cơ sở bí mật khác.

Ông Nguyễn Mai (Trà Phú, Trà Bồng) cùng bị địch bắt chung một lượt với Mẹ Luyến rưng rưng nhớ lại: “ Ngày đó, ở chung nhà tù, hàng ngày nhìn thấy địch tra tấn chị Luyến một cách dã man mà cánh nam nhi như chúng tôi ai nấy đều khâm phục tinh thần dũng cảm, bảo vệ cách mạng đến cùng của chị”.

 Từ những hình thức tra tấn như đánh đập, điểm huyệt... cho đến những hình thức tàn bạo hơn như treo ngược lên xà nhà rồi gí điện vào người, nhưng quân địch vẫn không moi thêm được lời nào từ Mẹ.

Không khai thác thêm được gì, đến năm 1960 thì Mẹ Luyến được thả về. Sau nhiều năm bị địch tra tấn dã man, chân tay mẹ bị co rút lại không thể đi, đứng được. Phải mất một thời gian dài trị liệu, Mẹ mới dần hồi phục.

Sau khi sức khoẻ dần ổn định, Mẹ lại tiếp tham gia cách mạng. Bị địch cho vào “danh sách đen” theo dõi gắt gao, không thể nuôi giấu cán bộ, bộ đội được nữa,  mẹ lại băng sông, mang lương thực tiếp tế cho các chiến sĩ ẩn nấu trong hầm phía bờ sông Trà Bồng.

Lòng yêu nước, quả cảm của người mẹ gầy gò, nhỏ nhắn nhưng có tinh thần thép ấy đã truyền “lửa” sang người con trai duy nhất của mẹ là anh Võ Minh.  Năm 1966, khi mới 16 anh tham gia vào đội du kích ở địa phương. Ngày anh đi, Mẹ thoáng chút lo sợ nhưng vẫn khuyến khích, động viên con hết lòng vì cuộc kháng chiến. Vài tháng sau, anh mất khi dũng cảm chiến đấu trong một trận càn của địch. Nghe tin anh hi sinh, Mẹ  Luyến khóc cạn cả nước  mắt, cả tháng trời cứ lẳng lặng đứng mãi bên bàn thờ con.

“Ngày xưa chiến tranh loạn lạc, mâm cơm đâu có gì ngoài con cá nục muối. Thế mà thằng Minh vẫn cặm cụi ăn ngon lành. Giờ mâm cơm nào cũng đầy ắp thức ăn, nhưng con chẳng còn sống để thưởng thức cùng mẹ”- giọng Mẹ chợt trầm buồn khi nhắc về người con trai duy nhất đã hi sinh.

Con hi sinh, chồng cũng mất vì bệnh tật khi tập kết ra Bắc, Mẹ Luyến giờ nương tựa vào người cháu họ xa. Suốt mấy chục năm ròng, chẳng quản ngại vất vả anh Nguyễn Văn Trà hết lòng nuôi nấng, phụng dưỡng Mẹ tuổi xế chiều. Sự hiếu thuận của người cháu họ làm cho Mẹ bớt đi phần cô quạnh.

103 năm cuộc đời, trải qua không biết bao nhiêu vui buồn và mất mát, nhưng ở cuối đoạn đường đời, Mẹ vẫn được an ủi bởi chính tấm lòng của những người đang sống.
 

BÀI, ẢNH : Ý THU
 


.