Quà tặng mẹ

08:03, 08/03/2013
.

(QNg)- Con gái bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam, con trai trông như người bình thường, nhưng khi có vợ thì không sinh con được. Nỗi đau cứ âm ỉ nhưng chị vẫn lặng thầm chăm con đủ đầy để họ vươn lên tỏa sáng cho đời. Người mẹ đó là chị Bùi Thị Thanh Nhị - nguyên Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).

 Nỗi đau của người mẹ

Chị Nhị sinh ra ở vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Gia đình theo cách mạng, 13 tuổi, chị đã làm giao liên. 17 tuổi, chị được Huyện ủy Tư Nghĩa đưa đi học y tá. Sau 6 tháng học tập, chị  nhanh chóng trở thành nữ y tá giỏi. Giai đoạn này, Mỹ rải chất độc da cam  dày đặc trên các cánh rừng phía đông Trường Sơn, phía tây của Quảng Ngãi. Đó cũng là lúc chị Nhị bắt đầu hứng chịu chất độc da cam ngấm dần vào cơ thể.

 

Chị Nhị chăm sóc giàn hoa phong lan của người con.
Chị Nhị chăm sóc giàn hoa phong lan của người con.


Ngẫm lại chuỗi ngày hành quân xuyên rừng hàng tháng trời để cõng thuốc về phục vụ chiến sĩ, chị Nhị gạt nước mắt, kể: "Ngày đó, lớp lớp thanh niên lên đường góp chút sức để bảo vệ Tổ quốc. Người cầm súng, người dạy học, còn chị làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân, cho chiến sĩ bị thương. Hết ở Trạm xá đóng ở phía tây của xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) rồi chuyển đến các xã phía tây của huyện Trà Bồng. Năm 1971 - 1973, chị cùng đồng đội phải băng rừng qua Nam Trà My (Quảng Nam) cõng thuốc, bông băng và lương thực về phục vụ cuộc chiến đấu. Mỗi cuộc hành quân kéo dài hàng tháng trời. Có lúc, đoàn của chị chứng kiến cảnh máy bay phun màu nước trắng đục khắp các cánh rừng, cái chất bột trắng ấy dội cả trên người.

Cứ hết đợt đến đợt lấy thuốc kéo dài, đoàn của chị phải ăn rau rừng, uống nước suối để hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày toàn thắng. Đến khi có chồng sinh con, chị đâu ngờ cái chất có màu trắng đục đó hủy hoại cơ thể chị xuyên đến thế hệ thứ hai, thứ ba.

Nhà chị Nhị chỉ còn ba mẹ con. Người chồng chết cách đây 5 năm vì bị bệnh. Người con gái đầu nhiễm chất độc da cam thuộc diện gien trội. Người con trai thứ hai thuộc gien lặn. Chị Nhị nhìn con gái lắc đầu, nhìn vào tấm ảnh cưới của người con trai khá bảnh bao rồi thở dài: "Hy vọng có chút thằng con này để có cháu bế, cháu bồng nối dõi, nhưng giờ nó không sinh con được". Cái cảm giác đau nhói cứ lặng lẽ xoáy vào tâm can của vợ chồng chị.  "Con dâu mang bầu vừa hai tháng đã hỏng, lần hai lại hỏng, lần ba, lần bốn, lần 5 lại hỏng... Thấy bất bình thường chị khuyên con vào Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh để chữa bệnh thì nghe bác sĩ phán: Tinh trùng đã bị ảnh hưởng chất độc da cam, không thể sinh con được, nếu sinh thì người con cũng không lành lặn"-chị Nhị lau nước mắt chảy dài kể.

Phần thưởng Lương Định Của tặng mẹ

Hôm chúng tôi đến, chị Nhị đang loay hoay chăm sóc những chậu hoa lan trước hiên nhà. "Nhờ thằng con gầy dựng giàn hoa này. Không có cháu bế, cháu bồng, không chăm sóc con cái chúng được thì mình chăm hoa cho chúng, trước là để khuây khỏa, thứ đến là giúp con cho nó vui" - chị Nhị chia sẻ.

Anh Đỗ Thanh Tùng, con trai của chị đã dốc hết tâm trí vào trồng hoa phong lan. Vì có lần mẹ anh kể: Ngày xưa mỗi lần hành quân thấy hoa lan nở khoe sắc giữa rừng già, mẹ có cảm giác như được bình yên trước lửa đạn  bom rơi. Mẹ anh yêu hoa lan kể từ đó. Giờ, thời bình, bom đạn không còn, nhưng trong lòng mẹ anh luôn âm ỉ, day dứt về sự bất hạnh của chính mình nên anh quyết định trồng hoa. Anh chăm sóc, tỉ mẩn bón phân, tưới nước, những nhành hoa lan cứ thế phát triển, nở rộ vào mỗi độ xuân về. Dịp ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8/3), nhành hoa lan tím biếc, nở rộ đầu tiên anh dành tặng mẹ. Những năm qua, nhiều người cũng thích hoa phong lan, anh bán phong lan và có nguồn thu nhập cũng kha khá. Năm 2012, anh được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của - một phần thưởng cao quý dành cho "nhà nông trẻ xuất sắc". Phần thưởng này anh dành tặng mẹ. Còn đối với chị Nhị, đó là phần thưởng mà chị khẳng định người con của mình đã có ích cho đời.


Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.